Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngọt Lành Trái Nhãn Chín Muộn

Ngọt Lành Trái Nhãn Chín Muộn
Ngày đăng: 18/06/2013

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đưa vào sản xuất những giống cây mới đem lại cho lợi nhuận kinh tế cao, hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của bà con nông dân nói riêng và người sản xuất nói chung.

Do đó những cây trồng cho thu hoạch rải vụ như vải sớm, nhãn muộn, rau trái vụ có giá bán cao gấp 2-2,5 lần so với cây trồng chính vụ đã và đang được bà con nông dân chọn lựa làm đối tượng đầu tư. Tận dụng lợi thế diện tích vườn đồi rộng, nhiều người dân ở huyện Lục Ngạn đã hướng vào phát triển mô hình nhãn chín muộn, nhằm thay thế một phần diện tích trồng vải cho hiệu quả kinh tế thấp.

Theo bước chân khuyến nông xã Thanh Hải, chúng tôi được vào thăm khu vườn của gia đình ông Nguyễn Đức Học ở thôn Tân Trường. Đón chúng tôi trong nụ cười rạng rỡ, khỏe khắn của người nông dân đã ở cái tuổi ngoại ngũ tuần, ông Học vui vẻ khoe: “Cách đây vài hôm, gia đình tôi vừa bán gần 30 kg nhãn mà thu được những 1 triệu đồng. Người bán cũng vui mà lái buôn mua cũng thích vì mẫu mã quả đẹp, vị lại ngon đáo để”.

Chúng tôi nghĩ rằng, ông Học đã nói quá lên khi có khách đến nhà. Phải đến tận nơi cây nhãn, cầm chùm nhãn trên tay chúng tôi mới thực sự tin lời ông nói. Bởi cây nào cho quả thì chùm quả cũng sai, quả nào cũng to, cũng đẹp, ăn thì ngọt, giòn và thơm.

Vừa ngắm vườn cây của gia đình, vừa thưởng thức trái ngọt tại vườn, ai trong chúng tôi cũng phải tấm tắc khen ngợi. Tưởng chừng đây là giống nhãn mới nào đó mà ông Học mới mang về trồng thử nghiệm, đem thắc mắc, ông Học liền giải thích. Ông bảo, đây là giống nhãn muộn HTM-01, năm 2007 xã ông được nhận về trồng. Hộ nào có nhu cầu thì đăng ký với Hội Nông dân xã. Là Chi hội trưởng của Hội nông dân, ông Học luôn là người đi tiên phong trong mọi hoạt động của xã.

Được nghe cán bộ kỹ thuật giới thiệu là giống nhãn có tiềm năng kinh tế cao, cộng với suy nghĩ giống nhãn muộn giá bán sẽ cao hơn nhãn chính vụ nên ông Học không băn khoăn khi nhận 50 cây giống về trồng, nhằm tận dụng hết khoảng trống xung quanh vườn. Nhưng không may, trận lũ năm 2008 đã làm ngập mất 20 cây nhãn của gia đình ông khi cây đang phát triển xanh tốt.

Song khó khăn không làm chùn bước người nông dân ham học hỏi. Ông Học vẫn quyết tâm đầu tư công sức cho 30 cây nhãn còn lại. Những hiểu biết cùng lòng tin vào khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế của hơn 10 năm trồng vải đã giúp ông Học có nhiều thuận lợi khi chăm sóc nhãn. Bởi ông nghĩ, cây nhãn và cây vải có họ với nhau nên cách chăm sóc chúng chắc có phần giống nhau. Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, ông Học bón phân chuồng mục dưới hố rồi mới trồng nhãn. Theo kinh nghiệm khi có mưa ông Học thường ra cây kiểm tra lộc để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhiều nhất là vào mùa xuân và thời gian cuối năm.

Thế rồi cây trái cũng không phụ lòng người. Qua 3 năm vun xới, chăm bón tốt đến nay vườn nhãn của gia đình ông đã bói quả năm đầu. Ước tính năng suất đạt trên 1 tạ, với giá bán 30.000-35.000 đồng/kg, cao gấp 2-2,5 lần so với giá bán nhãn chính vụ nên đã giúp ông Học cải thiện một phần đáng kể cuộc sống của gia đình.

Chia tay với gia đình ông Học, chúng tôi đến xã Giáp Sơn gặp gỡ chủ vườn Ân Xuân Phú – một trong những người có diện tích trồng nhãn lớn nhất xã, khoảng 1 mẫu đất vườn. Diện tích ấy trước đây, ông Phú sử dụng để trồng vải. Nhưng mấy năm gần đây giá vải xuống thấp, ông Phú thấy cần phải thay thế bằng một cây trồng khác để có thu nhập cao hơn.

Ông bắt đầu trồng giống nhãn Hương Chi, cho đến năm 2007 khi khuyến nông xã đưa về giống nhãn muộn HTM-01 của Trung tâm KNKN tỉnh triển khai, ông Phú đã mạnh dạn mua 100 cây giống về trồng. “Mặc dù năm nay số nhãn đó chưa cho quả nhiều song theo kinh nghiệm, tôi dám khẳng định tiềm năng của giống nhãn này trong những năm tới ở những ưu điểm vượt so với những giống khá như tỷ lệ đậu quả cao, quả to và chắc chắn giá bán sẽ cao gấp đôi giá nhãn bình thường” – ông Phú khẳng định. Vì vậy dự kiến năm tới, gia đình ông Phú sẽ ghép cải tạo giống nhãn nuộn này vào giống nhãn Hương Chi để nhân rộng mô hình hơn nữa.

Và không chỉ gia đình ông Học, ông Phú mà nhiều người dân khác cũng đánh giá cao giống nhãn này như hộ Vũ Thị Văn ở thôn Lim (Giáp Sơn)… Các hộ đều khẳng định, trong năm tới nếu ở trên vẫn đưa giống nhãn này về thì số người đăng ký trồng sẽ cao hơn 3 năm trước rất nhiều. Bởi nay người dân huyện Lục Ngạn đã tận mắt thấy được hiệu quả của mô hình, mặc dù mới là năm đầu cho quả.

Hơn nữa, giống nhãn này lại dễ chăm sóc, ít sâu bệnh lại có khả năng tự đào thải vi sinh vật bằng cách khi quả sai thì sẽ tự rụng để phân hủy nên được nhiều người dân ưa chuộng. Tiếng lành đồn xa, các lái buôn ở tận Hà Nội, Hà Tây tự tìm đến mua cây giống và quả. Giờ đây, cây nhãn chín muộn HTM-01 đã thực sự trở thành cây trồng chính của người dân ở huyện Lục Ngạn, góp phần đáng kể vào nguồn thu nhập của từng hộ gia đình.


Có thể bạn quan tâm

Định Hướng Thông Tin Về Cây Trồng Biến Đổi Gen Định Hướng Thông Tin Về Cây Trồng Biến Đổi Gen

Mặc dù lợi ích của việc ứng dụng công nghệ biến đổi gen đối với cây trồng đã được khoa học và thực tế chứng minh, tuy nhiên vẫn còn không ít ý kiến trái chiều về lợi ích và sự an toàn của việc ứng dụng công nghệ này như: Ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cây trồng lương thực truyền thống…

01/10/2014
Cho Trồng Bắp Biến Đổi Gen Ngành Chăn Nuôi Được Gì? Cho Trồng Bắp Biến Đổi Gen Ngành Chăn Nuôi Được Gì?

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho bắp (ngô) biến đổi gen (BĐG) MON 89034 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (thuộc tập đoàn Monsanto của Mỹ). Như vậy, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi giống bắp này sẽ được tung ra thị trường. Ngành chăn nuôi (bao gồm cả sản xuất thức ăn và chăn nuôi) Việt Nam được gì từ cuộc chơi này?

01/10/2014
Giá Su Su Sa Pa Xuống Thấp Nhất Trong 10 Năm Trở Lại Đây Giá Su Su Sa Pa Xuống Thấp Nhất Trong 10 Năm Trở Lại Đây

Năm 2014, huyện Sa Pa trồng 120 ha su su, trong đó 100 ha lấy quả. Sản lượng quả su su bình quân hằng năm của huyện đạt 6.000 tấn. Hiện chỉ có duy nhất Hợp tác xã Hoa Đào bao tiêu sản phẩm cho xã viên, còn lại nông dân phải tự lo đầu ra cho sản phẩm.

01/10/2014
Khi Nông Dân Làm Cà Phê Bền Vững Khi Nông Dân Làm Cà Phê Bền Vững

Thay đổi hoàn toàn thói quen, tập quán cũ của người nông dân trong canh tác cà phê; Giúp bà con làm quen với phong cách bón phân mới, phun thuốc diệt sâu bệnh mới; Giúp nông dân tạo thói quen ghi nhật kí đồng ruộng, kiểm soát được chi phí đầu vào và tính toán lợi nhuận...

01/10/2014
Gia Lai Phát Triển Vùng Nguyên Liệu Mía Theo Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Gia Lai Phát Triển Vùng Nguyên Liệu Mía Theo Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn

Tính đến nay, tổng diện tích mía tại khu vực phía Đông tỉnh đạt 24.000 ha, tăng gấp 10 lần so với thời điểm sau cuộc khủng hoảng mía đường năm 1999 - 2000, mía trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của các địa phương trong khu vực.

01/10/2014