Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghệ An nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu

Nghệ An nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu
Ngày đăng: 11/08/2015

Với 6.348 ha mía, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được xem là một trong những vùng trồng trọng điểm của tỉnh, trong đó, tại Tam Hợp, mía phân bố trên 18 xóm của xã. Một điểm mới trong vụ xuân vừa qua là công tác dồn điền, đổi thửa được thực hiện tốt, từ đó đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung. Ở xóm Tân Tiến, sau dồn điền, đổi thửa, bà con đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt ở khâu làm đất và thu hoạch để giảm chi phí sản xuất, đưa giá thành phẩm giảm theo. Có những vùng trồng mía năng suất đạt cao, lên tới 80 - 90 tấn/ha, thậm chí có những diện tích đạt 100 tấn/ha. Với giá mía thu mua 830.000 đồng/tấn, mỗi héc-ta đạt doanh thu từ 70 - 80 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận trên 40 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Xuân Tâm, cán bộ khuyến nông xã Tam Hợp cho biết: “Hiện tại, hơn 80% diện tích vùng trồng đã được bà con áp dụng máy móc vào khâu làm đất, phun thuốc để nâng cao năng suất, giảm giá thành sản xuất. Toàn xã đã có 6 máy làm đất công suất lớn với giá thành trên 270 triệu đồng/cái và 4 máy công suất nhỏ. Với số lượng trên có thể đảm bảo khâu làm đất – giai đoạn đòi hỏi nhiều thời gian và quyết định đáng kể năng suất của cây mía. Ngoài ra, các gia đình ở đây đã đầu tư máy phun thuốc phục vụ quá trình chăm sóc mía. Quá trình đó, nhà máy đường phối hợp với huyện, xã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cây mía. Trong vụ xuân vừa qua, xã có gần 50 ha mía bị nhiễm bệnh chồi cỏ. Trước tình hình trên, bà con đã gấp rút phá bỏ diện tích bị nhiễm bệnh, xử lý đất và mua giống kháng bệnh QD93 về trồng cho vụ mới…”.

Tại huyện Tân Kỳ, để nâng cao năng suất cây mía, một số mô hình tưới nhỏ giọt cho mía được áp dụng trên 40 ha của các xã Nghĩa Dũng, Tân Long, Tân An… Qua đánh giá bước đầu sau 7 tháng thử nghiệm cho thấy mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt. Thông thường, năng suất mía chỉ đạt mức trên dưới 60 tấn/ha nhưng với phương pháp tưới này thì có thể nâng cao sản lượng mía lên 100 tấn/ha. Với diện tích 7,3 ha áp dụng phương pháp này, ông Thiều Thanh Long, ở xã Nghĩa Dũng chia sẻ: “Hệ thống tưới nước theo phương pháp này có hai phần chính là máy bơm và đường ống dẫn nước.

Máy bơm có các thiết bị điều khiển chế độ tưới, trộn phân bón và thuốc bảo vệ thực. Khi vận hành, nước và các hỗn hợp trên sẽ được dẫn theo từng ống nhánh rồi phân ra theo các ống nhỏ để tưới cho từng gốc cây. Do vậy, chúng tôi có thể kiểm soát chính xác lượng nước tưới và phân bón mà không sợ bị rửa trôi khi có mưa. Vậy nên dù trong thời tiết nắng nóng nhưng mặt đất vẫn có độ ẩm vừa phải, cây mía chắc khỏe và xanh tốt. Tổng chi phí đầu tư cho hệ thống tưới này dao động từ 50 – 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, chỉ cần đầu tư một lần thì hệ thống có thể sử dụng tốt trong thời gian từ 5 đến 7 năm sau”.

Chia sẻ về những chính sách và phương hướng phát triển vùng nguyên liệu mía trong thời gian tới, ông Nguyễn Bá Thức, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: “Nếu như trước đây việc phát triển vùng trồng diễn ra ồ ạt thì giờ đây chính sách chung là ổn định diện tích vùng trồng để từ đó tập trung nâng cao chất lượng cũng như sản lượng của diện tích canh tác. Trước thực trạng giá cả thu mua thấp, thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phát triển mạnh, huyện đã phối hợp cùng Công ty mía đường Sông Con cùng tìm ra những giải pháp khắc phục.

Một trong những giải pháp đề ra đó là mạnh dạn tái cơ cấu lại vùng đất trồng mía bằng cách xóa bỏ những diện tích năng suất thấp và chuyển dần đất lúa không chủ động nước, sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng mía. Đầu năm nay huyện đã thử nghiệm chuyển 120 ha sản xuất lúa kém hiệu quả do không chủ động nước sang trồng mía, đã đưa năng suất mía từ 68 tấn/ha lên 110 - 120 tấn/ha, nâng thu nhập lên 90 - 95 triệu đồng/ha, trừ chi phí, người trồng mía có thu nhập từ 50 - 55 triệu đồng/ha/năm. Có thể xem đây là một tín hiệu khả quan để từ đó có thể nhân rộng mô hình trong thời gian tới”.

Về phía các doanh nghiệp đang đứng chân trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng tích cực liên kết và hỗ trợ đầu tư tại các vùng mía nguyên liệu. Mới đây, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An và Công ty CP mía đường Sông Con đã thông qua chính sách hỗ trợ đối với các diện tích trồng mía trong vùng quy hoạch. Cụ thể, bà con sẽ được đầu tư hỗ trợ tiền mua giống và máy móc thiết bị, đồng thời những diện tích đất chuyển đổi từ loại cây trồng khác cũng sẽ được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Sỹ Hải, Trưởng ban phát triển vùng nguyên liệu Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết: “Bởi giá mía nguyên liệu đầu vào chiếm tới 75 - 80% giá thành sản phẩm nên công ty không ngừng nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu mía với những giống mía đảm bảo sạch bệnh và có nguồn gen tốt, đồng thời không ngừng song hành cùng bà con hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc để nâng cao sản lượng và chất lượng mía. Mặt khác, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm nay, ngoài các chính sách hỗ trợ về phân bón, cây giống và đất chuyển đổi, công ty còn khuyến khích các hộ dân mua thêm máy làm đất. Hiện tại trên địa bàn có hơn 110 máy làm đất, tuy nhiên, chủ yếu là máy công suất nhỏ nên năng suất chưa cao. Do vậy công ty đã hỗ trợ cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, hỗ trợ 100% lãi suất trong 24 tháng để bà con đầu tư mua máy có công suất trên 100 mã lực. Công ty tin tưởng vùng nguyên liệu sẽ ngày càng phát triển tốt, sản phẩm cạnh tranh được với các nước trong khu vực”.

Với những chính sách hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm của các nhà máy đường đã tạo yên tâm cho người trồng mía. Tuy nhiên, bà con vẫn phân vân về giá cước vận chuyển mía cao, khiến người dân mất đi một khoản chi phí lớn. Năm vừa qua với giá thu mua là 830.000 đồng/tấn, nhưng sau khi trừ chi phí vận chuyển chỉ còn lại 800.000 đồng/tấn. Vì vậy, hầu hết người trồng mía mong muốn các công ty, nhà máy đường quan tâm giảm giá cước vận tải để người trồng mía có thêm thu nhập để tái đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tốt hơn.


Có thể bạn quan tâm

Một Mùa Dưa Một Mùa Dưa "Đỏ" Ở Khánh Hòa

Với giá bán đầu ra khoảng 9.000 đồng/kg, năng suất 4 tấn/sào, đã có hộ trồng dưa hấu ở Cam Lâm (Khánh Hòa) lãi hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, giá dưa bán tại ruộng đang hạ dần nên khả năng lãi lớn chỉ đến với những người bán sớm.

20/02/2014
Trái Cây Giảm Giá Ở Cần Thơ Trái Cây Giảm Giá Ở Cần Thơ

Giá xoài cát Hòa Lộc loại 1 và bưởi da xanh khoảng 55.000 đồng/kg; cam xoàn loại 1: 35.000-40.000 đồng/kg; bưởi Năm Roi và cam sành khoảng 25.000- 30.000; cam mật 15.000 đồng/kg…

20/02/2014
Thực Hiện Đồng Bộ Các Giải Pháp Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Sản Xuất Và Tiêu Thụ Lúa, Gạo Thực Hiện Đồng Bộ Các Giải Pháp Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Sản Xuất Và Tiêu Thụ Lúa, Gạo

Các ý kiến tại hội nghị khẳng định sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa, gạo, thủy sản là tiềm năng, lợi thế chủ yếu và là động lực chính để phát triển KT-XH vùng ĐBSCL và đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp lớn cho xuất khẩu.

17/03/2014
Vải Thiều Ra Hoa Đạt Hơn 90% Ở Lục Ngạn Vải Thiều Ra Hoa Đạt Hơn 90% Ở Lục Ngạn

Được biết năm nay, huyện Lục Ngạn tập trung mở rộng diện tích sản xuất vải thiều VietGAP lên 8.500 ha ở 30 xã, thị trấn, tăng 1.000 ha so với năm ngoái.

20/02/2014
Giảm Diện Tích, Tập Trung Thâm Canh Nâng Cao Năng Suất Mía Nguyên Liệu Giảm Diện Tích, Tập Trung Thâm Canh Nâng Cao Năng Suất Mía Nguyên Liệu

Nhiều nhất là vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Lam Sơn với 16.000 ha, tiếp theo là vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan gần 11.000 ha và vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Nông Cống 6.450 ha.

17/03/2014