Ngành thủy sản tăng trưởng ổn định và bền vững
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ ngư dân, người nuôi được triển khai hiệu quả, góp phần giúp ngư dân vươn khơi bám biển.
Các tàu khai thác, dịch vụ hậu cần thủy sản được trang bị các thiết bị hiện đại như máy quét rađa, la bàn vệ tinh và định vị GPS.
Cân chỉnh máy quét rađa trước khi xuất bến.
Trong 5 năm qua, ngành thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tổng giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 61.073 tỷ đồng, bằng 228,84% so với chỉ tiêu kế hoạch.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ V, đến nay, BR-VT đã trở thành một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước.
Khai thác hải sản tăng bình quân 3,48%/năm
Tổng sản lượng khai thác hải sản tăng hàng năm, mức độ tăng bình quân 3,48%/năm, từ 250.335 tấn năm 2010 đến năm 2015 đạt 297.000 tấn, bằng 109,75% chỉ tiêu Đại hội V (2010-2015).
Cơ cấu sản phẩm khai thác hải sản, cá chiếm 85,3% tổng sản lượng khai thác, tôm chiếm 3,1% và hải sản khác chiếm 11,6% tổng sản lượng khai thác của tỉnh.
Chất lượng bảo quản sản phẩm sau khai thác cũng được nâng cao.
Cơ cấu nghề khai thác chuyển dịch theo hướng đa nghề và khuyến khích phát triển các nghề có hiệu quả như lưới vây, rê, câu dàn cơ giới có sử dụng ánh sáng, sử dụng ít nhiên liệu, đồng thời kết hợp sử dụng hiệu quả các loại máy dò ngang trong khai thác hải sản, chú trọng phát triển thêm nghề câu khơi, nghề lưới rê hoạt động trong cả vùng khơi, vùng lộng và các nghề khai thác hải sản khác có chọn lọc.
Giảm dần tàu cá khai thác ở vùng biển ven bờ có công suất nhỏ dưới 90CV và tăng dần tàu cá khai thác xa bờ có công suất trên 90CV, đến nay, tổng tàu cá của tỉnh hiện có 6.277 chiếc, công suất 1.42.670CV.
Hầu hết các tàu cá khai thác hải sản của tỉnh đều đã trang bị các thiết bị máy móc hàng hải hiện đại như: máy định vị vệ tinh GPS, Icom, Movimar, máy đo sâu, dò cá; rađa hàng hải; máy thu lưới, thu câu; máy tời thủy lực.
Ngư lưới cụ cũng không ngừng được cải tiến để khai thác có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, khai thác có tính chọn lọc và bảo vệ nguồn lợi hải sản.
Các chính sách hỗ trợ thủy sản phát huy hiệu quả
Việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển thủy sản cũng đã đạt được kết quả khả quan.
Triển khai thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa (hỗ trợ chi phí nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, máy thông tin liên lạc) đã có 75 chủ tàu cá và hỗ trợ cho 30 chủ tàu mua máy thông tin liên lạc có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS) được hỗ trợ tổng cộng hơn 40 tỷ đồng...
Đặc biệt, triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay trên địa bàn có 32 tổ chức cá nhân đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp và vay vốn lưu động.
Trong đó, tàu đóng mới dịch vụ hậu cần khai thác hải sản vỏ thép là 10 tàu, hiện nay đã hoàn tất đóng mới và đi vào hoạt động 1 tàu, 1 tàu đang thi công, ngân hàng đã ký kết hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới 1 tàu, đối với 7 trường hợp còn lại đang tiến hành vẽ thiết kế, thẩm định dự toán theo quy định, dự kiến sẽ ký hợp đồng tín dụng và giải ngân vào quý 4-2015.
Về đóng mới tàu khai thác hải sản là 15 tàu: Ngân hàng đang thẩm định hồ sơ vay vốn của 4 chủ tàu; 11 trường hợp còn lại đang tiến hành vẽ kỹ thuật, thẩm định theo quy định…
Đa dạng hóa loại hình nuôi thủy sản
Bên cạnh khai thác, diện tích thâm canh trong nuôi trồng thủy sản cũng tăng đều trong những năm qua, công nghệ nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học được ứng dụng hầu hết trên địa bàn tỉnh.
Vùng nuôi cá lồng bè cũng phát triển theo hướng đa dạng hóa các đối tượng nuôi để khai thác tốt những lợi thế về điều kiện tự nhiên.
Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là 7.652ha, trong đó có khoảng trên 2.000ha nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, chủng loài nuôi ngày một phong phú và đa dạng như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá mú, cá chẽm ở vùng nước mặn, lợ và cá lóc, cá rô phi đơn tính, baba…
Đến nay, có khoảng trên 1.150 hộ và 41 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nuôi thương phẩm và sản xuất giống thủy sản các loại.
Nhiều đối tượng có giá trị được nuôi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua cả về diện tích và sản lượng như: Nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, nuôi ngọc trai tại Vịnh Côn Sơn và nuôi tôm chân trắng bằng công nghệ sinh học đạt bình quân 7 - 13 tấn/ha, tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng là 6,28%/năm, từ 11.430 tấn năm 2010 tăng lên khoảng 15.000 tấn năm 2014.
Giá trị sản phẩm tính trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản là 105,33 triệu đồng, tăng 11,91 triệu đồng so với năm 2010.
Nuôi trồng thủy sản đã tạo ra các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và đang trở thành một trong những lĩnh vực sản xuất quan trọng của tỉnh, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân và tạo việc làm ổn định cho khoảng trên 15.000 lao động.
Công tác quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020 cũng đã được ngành nông nghiệp hoàn thiện, việc quy hoạch này hứa hẹn giúp cho ngành thủy sản phát triển cân đối, ổn định và bền vững, nâng cao giá trị hơn trước.
Về khai thác hải sản, khuyến khích hoạt động khai thác hải sản ở ngư trường xa bờ với đối tượng có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ, hạn chế loại hình đánh bắt hủy diệt; khuyến khích phát triển mô hình đồng quản lý nguồn lợi ven bờ.
Về nuôi trồng thủy sản, bảo đảm các điều kiện an toàn, kiểm soát dịch bệnh ở các đối tượng nuôi với tất cả các phương thức nuôi khác nhau; tập trung sản xuất các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể…); áp dụng công nghệ mới nuôi thâm canh thành vùng tập trung, thực hành quy trình nuôi tốt (GAP), đảm bảo truy xuất nguồn gốc…
Có thể bạn quan tâm
Kể từ khoảng năm 2003, khi lần đầu tiên chúng ta phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá cá da trơn ở thị trường Mỹ, các khái niệm về phòng vệ thương mại (PVTM) đã không còn xa lạ.
Những năm qua, với chính sách hỗ trợ cho hộ chăn nuôi lai tạo bò địa phương với giống cao sản nhập ngoại, Hà Nội đã cải tạo được chất lượng đàn bò, giúp người nuôi tăng cao lợi nhuận.
Giải pháp tưới cam đang được áp dụng phổ biến là tưới nước dí vào gốc và một số diện tích tưới phun mưa kết hợp áp lực cao.
Cây chè có tên khoa học là Thea sinensis Seem thuộc họ Chè (Theaceae). Diện tích trồng chè ở Việt Nam khoảng 126 - 133 ngàn héc ta và thu hút khoảng 2 triệu lao động.
Trên thị trường đã xuất hiện giống bắp “hai màu trắng tím” không chỉ ăn ngon mà còn có tác dụng dược lý cao.