Ngành nông nghiệp Quảng Ngãi 70 năm phát triển toàn diện
Từ mong ước “ăn no mặc ấm”...
“Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ước mơ của tôi là được ăn một bữa cơm trắng với muối hột trước khi chết.
Nhưng ước thế thôi chứ thời ấy, gạo quý hơn vàng.
Một dăm gạo cõng cả nồi củ mì, củ chuối, củ lang”, cụ Đoàn Dụng, 94 tuổi, ở thôn 2, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) nhớ lại.
Mong ước ấy dường như càng cháy bỏng hơn bao giờ hết khi những năm đầu khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nạn đói hoành hành khắp nơi.
“Hồi đó nhiều người chết vì đói.
Như tôi đây, không biết bao nhiêu ngày ăn củ mài uống nước giếng.
Rồi củ mài cũng hết, tôi chờ chết.
Đến giờ tôi cũng không ngờ mình sống sót cơ đấy”, cụ Dụng thổ lộ.
Còn cụ ông Trần Văn Lân, 89 tuổi, ở thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cũng nhớ như in nhiều câu chuyện xảy ra vào những năm 1945 – 1955.
Cụ Lân bảo, hồi đó chỉ những nhà giàu mới có ăn cơm trắng, còn người dân thì quanh năm suốt tháng chỉ biết làm bạn với các loại khoai củ; thậm chí cả củ tranh cũng đào để ăn.
Quả thật trong 30 năm, từ 1945 - 1975, cuộc sống của nông dân Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn vì nền nông nghiệp non trẻ, lạc hậu.
Nông dân vừa chiến đấu vệ quốc, vừa sản xuất kiến quốc.
Bên cạnh đó, trình độ sản xuất thô sơ nên sản lượng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thấp.
Thế nên, mỗi khi nhắc lại quãng thời gian ấy, nhiều lão nông tri điền không giấu được xúc động bởi sự thiếu thốn, nghèo đói càng thúc giục nhân dân vững tay súng và ra sức sản xuất, góp phần vào sự thành công, thắng lợi của ngày hôm nay.
So với năm 1975, sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh năm 2014 đạt gần 480 nghìn tấn, tăng 4 lần; sản lượng thóc năm 2015 ước đạt trên 421 nghìn tấn, tăng 3,6 lần, sản lượng bắp đạt trên 58,5 nghìn tấn, tăng hơn 22 lần; đàn gia súc gia cầm trên 4 triệu con, tăng hơn 3 lần.
Diện tích đất có rừng hiện trên 294.000ha, tăng 2,2 lần; độ che phủ rừng đạt gần 50%, tăng 23,4%.
Lĩnh vực khai thác thủy sản có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Toàn tỉnh hiện có trên 5.500 chiếc tàu thuyền với tổng công suất hơn 1 triệu CV.
Sản lượng khai thác năm 2015 ước đạt gần 162.000 tấn, tăng 8,9 lần.
Toàn tỉnh hiện có trên 700 công trình thủy lợi lớn nhỏ, đảm bảo tưới cho hơn 89.000ha đất sản xuất nông nghiệp, riêng công trình thủy lợi Thạch Nham đảm bảo tưới cho 35.000ha.
...đến “ăn ngon mặc đẹp”
Giọng chùng lại vì xúc động, cụ Huỳnh Dược, lão thành cách mạng 70 năm tuổi Đảng, ở thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) bảo rằng:
70 năm kể từ ngày "khai sinh" ngành nông nghiệp, đặc biệt là sau ngày tái lập tỉnh vào năm 1989 đến nay, nông nghiệp, nông thôn Quảng Ngãi có bước chuyển mình ngoạn mục.
Đó là những cánh đồng lúa xanh tốt bời bời, hạt vàng trĩu nặng.
Đồng ruộng xuất hiện ngày càng nhiều máy cày, máy cắt, máy gặt đập liên hợp.
Sản xuất lúa từ một vụ hưởng nước trời sang hai vụ ăn chắc.
Năng suất lúa tăng đều qua từng năm và hiện bình quân toàn tỉnh đạt 57 tạ/ha, thậm chí năng suất lúa lai đạt đến 90 – 100 tạ/ha.
Những cánh đồng cho doanh thu 200-300 triệu/ha nhờ xen canh lúa-rau màu-cây công nghiệp ngắn ngày hay những cánh rừng bạt ngàn keo lai, quế xuất hiện ngày càng nhiều và sinh nhiều lợi nhuận.
Cuộc sống của nông dân vì thế cũng được cải thiện và dần nâng cao.
“Nông dân Quảng Ngãi bây giờ không còn phải lo thiếu ăn thiếu mặc như ngày xưa mà đang tính chuyện ăn ngon, mặc đẹp...”, cụ Dược bày tỏ. Cùng với nông dân, ngư dân trong tỉnh cũng ghi dấu ấn với những bước tiến thần tốc.
“Nhà ba đời làm nghề biển nhưng chưa bao giờ tôi thấy biển cho lộc dồi dào như hơn chục năm qua.
Hơn nữa Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn, nhiên liệu, bảo hiểm nên ngư dân chúng tôi phấn khởi và yên tâm bám biển”, chủ tàu Tiêu Viết Hồng, xã Bình Châu (Bình Sơn) chia sẻ.
Rừng xanh, biển bạc thỏa sức làm giàu
Theo lời kể của nhiều lão ngư trong tỉnh, trước những năm 1980, khai thác thủy sản ở Quảng Ngãi không đáng kể vì người dân chưa chú ý.
Nếu có đánh bắt cũng chỉ là “quăng lưới kiếm cá để cải thiện bữa ăn gia đình”.
Thế nhưng, chỉ sau hơn một thập kỷ, nghề khai thác thủy sản được hình thành và tăng tốc đột biến.
Ngư dân không còn ra biển với thuyền buồm, ghe máy thô sơ mà thay vào đó là tàu công suất từ hàng chục đến hàng trăm CV.
Việc đánh bắt cũng không còn theo kinh nghiệm mà đã có sự hỗ trợ đắc lực của máy móc, thiết bị Icom, máy dò cá… Rồi ngư trường cũng không còn loanh quanh vùng biển trong tỉnh mà vươn ra khắp cả nước, thậm chí hợp tác khai thác với các nước bạn.
Sự "trở mình" này đã giúp khoang tàu ngư dân Quảng Ngãi ngày càng đầy ắp cá to, mực lớn.
Cuộc sống của bà con vì thế cũng dần sung túc với nhà ngói khang trang, đường sá rộng đẹp, con em được học hành đàng hoàng chứ không phải lênh đênh theo phận sông nước như xưa.
Không thua kém thủy sản, lâm nghiệp cũng đã và đang chứng tỏ vai trò “giúp dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu” của mình.
Tuy còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh, nhưng không thể phủ nhận vai trò của cây keo lai trong việc phủ xanh nhanh đồi trọc, đất trống.
Keo lai xanh tốt, cuộc sống của người dân, đặc biệt là bà con khu vực miền núi vì thế cũng có sự thay đổi rõ rệt.
“Có keo, bà con không còn lo thiếu gạo ăn, thiếu áo mặc.
Thậm chí, nhiều người nhờ keo mà dựng được nhà, mua sắm xe tải, ti vi.
Cuộc sống sướng hơn xưa nhiều”, già làng Nguyễn Đức Thịnh, ở thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp (Long Mai) cho hay. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thách thức và cơ hội.
Đó là tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên mức độ cạnh tranh thị trường càng quyết liệt.
Đặc biệt, sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành nông nghiệp trong tỉnh cũng cần một sự “lột xác” mạnh mẽ trong việc tăng trưởng và phát triển nếu không muốn tụt hậu và thua trên sân nhà...
Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho biết:
“Đây là lúc toàn ngành cần phải nỗ lực, tập trung và dồn sức thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng gia tăng và phát triển bền vững”.
Mà trước mắt phải thay đổi tư duy, thói quen sản xuất, tiêu thụ cho người dân cũng như cán bộ quản lý”.
Với bề dày lịch sử cùng sự năng động của mình, ngành nông nghiệp tỉnh được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước đột phá nhằm khẳng định vị thế và vai trò “không thể thiếu” trong nền kinh tế chung của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) khuyến cáo, trong thời gian này người trồng tiêu nên tránh bán lượng lớn hồ tiêu ra thị trường để khỏi bị thua thiệt sau này.
Những năm gần đây, nghề ươm giống cây lâm nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhất là ở khu vực miền núi.
Vụ Đông Xuân năm nay, toàn huyện Châu Thành (Tây Ninh) xuống giống trên 760 ha cây thuốc lá vàng, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Hảo Đước với diện tích 234 ha - chiếm 30,8% diện tích trong toàn huyện.
Tính đến tháng 2/2014, nông dân đã thu hoạch dứt điểm diện tích lúa trên đất nuôi tôm với hơn 28.470ha, năng suất bình quân khoảng 4.5 tấn/ha.
Giá nhãn tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang ở mức 28.000 - 33.000 đồng/kg, có thời điểm đến 37.000 - 38.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 12/2013.