Ngành Chăn Nuôi Năm 2014 Có Dấu Hiệu Khởi Sắc

Sản xuất chăn nuôi năm 2014 tăng trưởng khá cao, ước tính tăng 4-5% so với năm 2013.
Hoạt động chăn nuôi đang có dấu hiệu khởi sắc, có lợi cho người nông dân. Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 2/12, tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, sản xuất chăn nuôi năm 2014 tăng trưởng khá cao, ước tính tăng 4-5% so với năm 2013. Trong đó chăn nuôi lợn tăng gần 3%, gia cầm khoảng 5%, bò sữa khoảng 12% và thức ăn chăn nuôi khoảng 6%. Giá vật tư đầu vào không tăng, trong khi sản phẩm đầu ra luôn ở mức cao. Giá lợn nạc bình quân trong năm từ 47.000-52.000 đồng/kg. Người dân chăn nuôi lợn, bò sữa, trứng gia cầm có lời khá cao.
Trong năm 2014 không bùng phát các ổ dịch lớn đe dọa ngành chăn nuôi của nước ta. Bên cạnh đó thức ăn chăn nuôi có nhiều cải thiện, chất lượng con giống được quan tâm hơn, nhất là con giống gia cầm cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cơ cấu sản xuất chăn nuôi chuyển đổi nhanh theo hướng trang trại, hộ chuyên nghiệp. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình liên kết trong sản xuất như mô hình chăn nuôi gia công, hợp tác xã và chuỗi sản phẩm khép kín thịt, trứng sạch tại Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang TP HCM, Đồng Nai… Công tác kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi được tăng cường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi còn tồn tại một số khó khăn, trong đó: Năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn thấp, giá thành lại cao.
Như giá bò thịt của Úc bằng 1/2, giá lợn của Mỹ bằng 3/4 giá của Việt Nam. Kiểm soát dịch bệnh, chất lượng vật tư chăn nuôi còn nhiều bất cập, nhất là quản lý chất lượng con giống, môi trường chăn nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến ngành chăn nuôi; Chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi phát triển chậm và tự phát…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cũng cho rằng, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn luôn có nguy cơ tiềm ẩn. Hiện nay, vấn đề quan trọng là làm sao để giúp nông dân, doanh nghiệp gia tăng năng suất, lợi nhuận, đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Trong đó có 3 yếu tố quan trọng mà ngành chăn nuôi cần phải làm tốt hơn là giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, đột phá về giống và đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây cũng là những yếu tố cần chú trọng khi tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay.
Nguồn bài viết: http://vov.vn/doi-song/nganh-chan-nuoi-nam-2014-co-dau-hieu-khoi-sac-368485.vov
Có thể bạn quan tâm

Nhờ chuyển một số diện tích lúa 1 vụ, cho năng suất thấp sang mô hình trồng các loại cây có giá trị kinh tế kết hợp nuôi cá…, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã mang lại doanh thu cao, tăng thu nhập cho các thành viên trong HTX.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, thường xuyên theo dõi diễn biến các đối tượng dịch bệnh gây hại lúa. Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân phun xịt thuốc phòng trừ rầy nâu theo nguyên tắc “4 đúng” để bảo vệ các trà lúa hè thu.

Cơ sở Sản xuất rau an toàn Tiến Huy ở thôn Định An, xã Hiệp An (Đức Trọng - Lâm Đồng) đã hợp tác với nông dân xây dựng khép kín mô hình sản xuất luân canh các giống rau chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường, góp phần ổn định thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất quanh vùng.

Sau hơn 3 đợt thử nghiệm, đến nay, sản phẩm bưởi lễ Cát Tường với hình dáng một bàn tay nâng trái, mà nhiều người gọi là “Bưởi bàn tay Phật” đã được sản xuất thành công. Hiện có khoảng 50 nhà vườn tham gia sản xuất loại bưởi mới này để cung cấp cho thị trường Tết Ất Mùi 2015 sắp tới.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Tiền Giang, trong khuôn khổ dự án phát triển ca cao giai đoạn 2010 – 2014, Tiền Giang đã trồng thêm được 1.100 ha ca cao xen canh dưới tán vườn cây ăn trái, nâng tổng diện tích ca cao theo mô hình xen canh trong vườn cây ăn trái toàn tỉnh lên đến 2.400 ha.