Ngành Chăn Nuôi Năm 2014 Có Dấu Hiệu Khởi Sắc
Sản xuất chăn nuôi năm 2014 tăng trưởng khá cao, ước tính tăng 4-5% so với năm 2013.
Hoạt động chăn nuôi đang có dấu hiệu khởi sắc, có lợi cho người nông dân. Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 2/12, tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, sản xuất chăn nuôi năm 2014 tăng trưởng khá cao, ước tính tăng 4-5% so với năm 2013. Trong đó chăn nuôi lợn tăng gần 3%, gia cầm khoảng 5%, bò sữa khoảng 12% và thức ăn chăn nuôi khoảng 6%. Giá vật tư đầu vào không tăng, trong khi sản phẩm đầu ra luôn ở mức cao. Giá lợn nạc bình quân trong năm từ 47.000-52.000 đồng/kg. Người dân chăn nuôi lợn, bò sữa, trứng gia cầm có lời khá cao.
Trong năm 2014 không bùng phát các ổ dịch lớn đe dọa ngành chăn nuôi của nước ta. Bên cạnh đó thức ăn chăn nuôi có nhiều cải thiện, chất lượng con giống được quan tâm hơn, nhất là con giống gia cầm cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cơ cấu sản xuất chăn nuôi chuyển đổi nhanh theo hướng trang trại, hộ chuyên nghiệp. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình liên kết trong sản xuất như mô hình chăn nuôi gia công, hợp tác xã và chuỗi sản phẩm khép kín thịt, trứng sạch tại Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang TP HCM, Đồng Nai… Công tác kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi được tăng cường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi còn tồn tại một số khó khăn, trong đó: Năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn thấp, giá thành lại cao.
Như giá bò thịt của Úc bằng 1/2, giá lợn của Mỹ bằng 3/4 giá của Việt Nam. Kiểm soát dịch bệnh, chất lượng vật tư chăn nuôi còn nhiều bất cập, nhất là quản lý chất lượng con giống, môi trường chăn nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến ngành chăn nuôi; Chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi phát triển chậm và tự phát…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cũng cho rằng, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn luôn có nguy cơ tiềm ẩn. Hiện nay, vấn đề quan trọng là làm sao để giúp nông dân, doanh nghiệp gia tăng năng suất, lợi nhuận, đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Trong đó có 3 yếu tố quan trọng mà ngành chăn nuôi cần phải làm tốt hơn là giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, đột phá về giống và đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây cũng là những yếu tố cần chú trọng khi tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay.
Nguồn bài viết: http://vov.vn/doi-song/nganh-chan-nuoi-nam-2014-co-dau-hieu-khoi-sac-368485.vov
Related news
Dọc quốc lộ 1 tại khu phố Lương Hòa (thị trấn Lương Sơn - Bắc Bình - Bình Thuận) dễ dàng nhận thấy đàn bò béo tròn bên ruộng cỏ voi xanh mơn mởn thay cho ruộng hoa màu kém hiệu quả trước đây. Đó là mô hình trồng cỏ nuôi bò của các hộ dân nơi đây.
Huyện Đơn Dương là nơi nghề chăn nuôi bò sữa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với hơn 8.600 con. Trên địa bàn huyện này có 3 doanh nghiệp đang thu mua sữa nguyên liệu. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014, các doanh nghiệp đồng loạt ngừng ký thêm hợp đồng thu mua sữa nguyên liệu đối với những gia đình nuôi bò sữa mới phát sinh.
Anh Liêm chia sẻ: "Nuôi gà tre thương phẩm vấn đề quan trọng là phải đảm bảo được khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, khi thị trường tiêu thụ đặc sản gà tre ngày càng rộng mở, anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo nhu cầu của thị trường".
Chỉ có 400m2 đất, nhưng gia đình bà Giang Thị Mai ở ấp 1, xã Minh Hưng (Chơn Thành - Bình Phước) đang sở hữu một trang trại “mini” khép kín, gồm heo, chim bồ câu Pháp và vịt xiêm. Mỗi năm, gia đình bà thu về trên 200 triệu đồng từ mô hình này.
Năm 2014, huyện Yên Định (Thanh Hóa) có 874 trang trại, gia trại (TT, GT) trong đó có 97 TT đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các TT, GT của huyện chủ yếu phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại (86 TT, GT); 13 TT, GT nuôi gia cầm; 40 TT, GT nuôi trồng thủy sản; 4 TT, GT trồng cây hàng năm và cây lâu năm, còn lại là các TT, GT tổng hợp.