Ngành Chăn Nuôi Bò Sữa Điểm Sáng Thu Hút Đầu Tư
Hiện cả nước có khoảng 200 nghìn con bò sữa với tổng sản lượng sữa trên 450 nghìn tấn. Đây là lĩnh vực có dư địa thị trường lớn và đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Sản lượng sữa chưa đáp ứng được nhu cầu
Ông Lã Văn Thảo - Trưởng phòng Gia súc lớn (Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, ngành chăn nuôi bò sữa hiện nay đã được cải tiến phương thức công nghệ; hình thành hệ thống dịch vụ chăn nuôi bò sữa, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng phát triển, sản lượng sữa hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Điểm hạn chế của ngành chăn nuôi bò sữa nước ta là giá thành hiện nay còn cao. Giá con giống từ 11 - 14 triệu đồng/con năm 2000 tăng lên 60 - 70 triệu đồng/con hiện nay. Việc giá bò giống tăng cao đã làm tăng chi phí khấu hao trong cơ cấu giá thành sữa tươi.
Các hộ gia đình và địa phương mới nuôi bò sữa thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, mua con giống đắt nên bị thua lỗ, dẫn đến đàn bò gầy, yếu, sản lượng sữa ít, số lượng đàn giảm. Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi hộ bò sữa, hộ gia đình ở Việt Nam nhỏ, giá thức ăn và các dịch vụ khác cao là những nguyên nhân làm tăng giá thành sữa.
Theo Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám, những năm đầu mới triển khai Quyết định 167, chăn nuôi bò sữa được phát triển theo kiểu phong trào, thiếu tính toán nên hiệu quả không cao. Sản xuất sữa trong nước mới chiếm 28% trong tổng lượng sữa có mặt tại Việt Nam.
Do đó, dư địa thị trường còn rất lớn trong khi nhu cầu sử dụng sữa của người dân ngày càng có xu hướng tăng lên. Hiện lượng sữa tiêu thụ bình quân trên đầu người ở Việt Nam mới chỉ đạt 14,8 kg/người/năm, trong khi khu vực châu Á là 35kg/người/năm.
Thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia
Thứ trưởng Bộ NN&PTTN Vũ Văn Tám cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn trong nước đầu tư vào ngành sữa theo hướng chuyên nghiệp như TH True Milk, Vinamilk…
Hiện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đặt mục tiêu đầu tư khoảng 100 nghìn con bò sữa trong giai đoạn 2014-2016, đồng thời, có chiến lược phối hợp với 3 DN lớn khác ở TP. HCM để chuẩn bị cả đầu ra cho sữa. Ở khu vực miền Đông Nam bộ, một số DN cũng đã có kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng cao su kém hiệu quả sang nuôi bò sữa…
Điểm nổi bật trong sản xuất sữa mấy năm qua là các DN đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ mới, nhờ đó giải quyết được nhiều vấn đề, phá vỡ tư duy chỉ những vùng cao nguyên có điều kiện khí hậu thuận lợi như Đà Lạt (Lâm Đồng); Mộc Châu (Sơn La)… mới có thể phát triển chăn nuôi bò sữa. Nhờ có khoa học công nghệ hiện đại, hiện nay trên khắp lãnh thổ Việt Nam đã không còn vùng hạn chế trong chăn nuôi bò sữa.
Theo các chuyên gia, để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển tốt, bảo đảm nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu trong tương lai, cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa quy mô trang trại công nghiệp, công nghệ cao sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi khép kín.
Thống nhất cơ chế điều tiết giá sữa, chất lượng sữa giữa 3 nhà: nhà chế biến, nhà sản xuất và đại diện hội người tiêu dùng để chăn nuôi và chế biến sữa phát triển bền vững.
Đề nghị nhà nước áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% đối với các loại trang thiết bị, vật tư phục vụ chăn nuôi bò sữa, quản lý giống, mua gom, bảo quản sữa…
Để có giá sữa vừa bảo đảm cho người chăn nuôi không bị thua lỗ, hợp lý với nhà máy chế biến, đề nghị hình thành Ủy ban sữa quốc gia bao gồm đại diện người sản xuất sữa, nhà chế biến sữa, Hội người tiêu dùng và đại diện cơ quan Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
Sau một thời gian mưa dầm kéo dài, hiện Trời bắt đầu có nắng trở lại nên bà con trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang tranh thủ thu hoạch lúa Hè thu đã quá ngày cắt. Tuy nhiên, điều quan tâm trong lúc này là các thương lái đều hạ giá thu mua lúa của nông dân xuống từ 200 - 300 đồng/kg so với giá đã đặt cọc cách nay khoảng một tuần.
Với xuất phát điểm từ một HTX đầu tư vào huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) chủ yếu là trồng keo lấy gỗ, nhận thấy mảnh đất này giàu tiềm năng cho phát triển các loại dược liệu quý, đến nay HTX Toàn Dân (xã Thanh Lâm, Ba Chẽ) đã phát triển thêm vùng trồng cây ba kích tím. Qua đó, mở hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Do nhiều chân ruộng vàn cao cấy lúa năng suất thấp, nông dân nhiều xã của huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã chuyển đổi sang trồng khoai sọ. Nhờ vậy hiệu quả sử dụng đất và thu nhập được nâng cao.
Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là địa phương trồng khoai lang lớn nhất vùng ĐBSCL với gần 10.000 ha. Trước đây mỗi tạ khoai nông dân bán được với giá từ 500 đến 700 ngàn đồng, thì hiện tại giảm xuống chỉ còn 60 ngàn đồng đến 120 ngàn đồng/tạ - đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay. Nhiều hộ nông dân sau khi thu hoạch lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần...
Nghề trồng nấm của Đồng Nai đã hình thành lâu năm với những làng nghề được nhiều nơi biết tiếng, như: làng nấm Sông Trầu (huyện Trảng Bom), làng trồng nấm Long Khánh... Thế nhưng thời gian qua, nông dân trồng nấm lao đao vì nhiều loại nấm ăn liên tục “rớt” giá.