Ngành Cá Tra Việt Nam Ứng Phó Với Farm Bill Của Mỹ
Vừa qua, việc Mỹ thông qua Luật Nông trại (Farm Bill 2014) có phần liên quan đến con cá tra Việt Nam và đưa vào việc giám sát, thanh tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thay vì Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) như bao lâu nay, đang gây ra những lo ngại.
Không bất ngờ
Hơn chục năm qua, khi cá tra xuất khẩu vào Mỹ với mức tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn nên bị đánh thuế chống bán phá giá, gây trở ngại cho ngành cá tra vì thời điểm đó Mỹ là thị trường lớn nhất của loại cá da trơn này.
Tuy nhiên, không vì vậy cá tra Việt Nam mất tích trên thị trường Mỹ mà còn được người tiêu dùng nhiều nước khác chấp nhận như EU… Vì vậy những thông tin vừa qua về Farm Bill 2014 với những người trong cuộc không phải bất ngờ khi vấn đề này đã được phía Mỹ đặt ra từ năm 2008.
Trả lời báo chí, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, việc các nước nhập khẩu đưa ra các tiêu chuẩn như loại hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản phẩm trong nước cũng bình thường. Nhưng điểm mới của dự luật chính là chuyển sự giám sát cá da trơn, trong đó có cá tra Việt Nam từ FDA sang USDA.
Trước đây, FDA chỉ quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, không quản lý về vùng nuôi, doanh nghiệp Việt Nam tự lo về chất lượng hoặc do tổ chức thứ ba chứng nhận vùng nuôi. USDA giám sát sẽ quản lý cả vùng nuôi, bắt buộc phải theo tiêu chuẩn, yêu cầu của USDA đưa ra.
Với điều khoản này, nhiều người lo ngại USDA sẽ quy định cá da trơn Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngang bằng với mặt hàng được nuôi tại Mỹ, từ vùng nuôi đến chế biến.
Theo ông Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), thông thường, USDA có 2 tháng để đưa ra các văn bản dưới luật như điều kiện về nuôi và việc kiểm soát, chế biến, nhãn mác… Sau đó là việc bàn giao giữa USDA với FDA.
Và luật trên có được thực thi hay không còn phụ thuộc Quốc hội Mỹ có thông qua ngân sách hoạt động. Đây là điều còn tiếp tục theo dõi. Từ những yếu tố đó, mới có đánh giá tính chất khoa học, pháp lý có phù hợp để có đối sách tương ứng, nhưng phải có lộ trình để nông dân, các cơ sở chế biến Việt Nam đáp ứng yêu cầu.
“Như vậy, trước mắt chưa ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ. Ngay cả trường hợp ngân sách có sẵn để thực thi luật cũng phải đến đầu năm 2015 mới có thể thực hiện. Năm 2014 việc sản xuất và xuất khẩu cá tra chưa có gì đáng lo, ngoài những băn khoăn về mặt tâm lý”, ông Nguyễn Đình Hòe nhận định. Điều cần quan tâm hiện nay là kết quả vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng cá tra mà Mỹ sẽ xem xét lần thứ 9 vào cuối tháng 3 tới.
Tổ chức lại sản xuất
Farm Bill 2014 sẽ có những tác động đến ngành hàng cá tra Việt Nam trong tương lai. Điều này xảy ra trong bối cảnh nhà nước xác định cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, do đó phải tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả đối với người nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến. Có thể nói, các mặt hàng thủy sản đi đầu trong hội nhập quốc tế.
Sản phẩm cá tra xuất khẩu đến nhiều nước nhờ đáp ứng các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của từng nước hay khu vực, với nhiều chứng nhận như: HACCP - phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn, bắt buộc trong quy trình sản xuất và chế biến thực phẩm, ASC - tiêu chuẩn toàn cầu trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, Global GAP - thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu, BRC - tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm của Anh.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã có được bộ chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng BAP (Tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt nhất của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu) mà Mỹ áp dụng… Dù theo chuẩn nào nhưng cơ bản vẫn là nuôi bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo trách nhiệm xã hội.
Vì vậy, những người trong ngành đều đón nhận với tinh thần sẽ là nhân tố thúc đẩy việc tái cơ cấu ngành nuôi cá tra quyết liệt hơn. Tất nhiên có thể lựng chựng trong thời gian đầu, nhưng khi có sự điều chỉnh hợp lý về mặt quản lý, tổ chức chứng nhận… thì việc sản xuất, chế biến, đóng gói cá tra sẽ đáp ứng dần các yêu cầu của Farm Bill 2014.
Cho nên, điều cần làm là theo dõi và tìm hiểu kỹ những thông tin liên quan để đáp ứng, không bỏ lỡ cơ hội. Vasep cũng cho biết, những quy định hợp lý sẽ có giải pháp kịp thời, nhưng nếu phi lý có thể sẽ kiện ra WTO như đã làm với con tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, kiêm Phó Chủ tịch VASEP, chưa biết chắc những điều khoản quy định mà USDA sẽ áp đặt với cá tra, nhưng nếu so sánh việc quản lý một số mặt hàng trái cây Việt Nam khi xuất vào Mỹ của USDA thì những điều khoản trong Farm Bill 2014 hy vọng không quá gây trở ngại đối với việc xuất khẩu mặt hàng cá tra.
Có thể bạn quan tâm
Sôi động nhất là những loại trái cây được ưa chuộng dùng chưng trên mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên. Cùng với sự “nóng” lên của thị trường tết, trong các vườn, không khí thu hoạch, trái cây tết cũng nhộn nhịp, hối hả.
"Sau khi thu hoạch, tôi sẽ gửi mẫu dưa sang Pháp để thẩm định chất lượng. Trên cơ sở kết quả thẩm định, chúng ta mới biết được giống dưa này có phù hợp với điều kiện của Đà Lạt hay không; và tiếp sau đó là làm việc với bên nước ngoài về vấn đề bản quyền" - kỹ sư Nguyễn Quốc Minh cho biết.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Hậu Giang) có 1.047ha bưởi Năm Roi đang cho trái, ước sản lượng bưởi Tết Ất Mùi này có khoảng 2.787 tấn trái thì có hơn 50% diện tích được bán theo vụ hay bán đám cho các thương lái. Vì vậy số lượng bưởi trong nhà vườn không còn nhiều.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, giá dừa trái tại tỉnh này dao động từ 65.000 đồng đến 80.000 đồng/chục/12 trái. Dừa uống nước có giá từ 40.000 - 45.000đồng/chục. Dừa xiêm xanh giá 50.000 - 55.000 đồng/chục, tăng gần gấp đôi so với thời điểm rớt giá mạnh năm 2014.
Đây là lần đầu tiên giống dừa dứa được trồng thành công tại Quảng Ngãi. Với hiệu quả về kinh tế, cây dừa dứa mở ra hướng đi mới cho nông dân ở các vùng ven sông, ven biển trong tỉnh.