Trang chủ / Gia súc-Gia cầm / Nuôi gà

Ngăn ngừa gia cầm cắn mổ nhau

Ngăn ngừa gia cầm cắn mổ nhau
Tác giả: Gs. Vũ Duy Giảng
Ngày đăng: 26/02/2019

Thuật ngữ chuyên môn tiếng Anh gọi hiện tượng cắn mổ nhau ở gia cầm là “cannibalism”.

Biểu hiện của của hiện tượng này là con vật mổ, cắn xé, ăn thịt, lông và cơ quan nội tạng của đồng loại.

Hiện tượng này xảy ra ở tất cả các đàn gia cầm, từ gà, vịt, gà tây đến cút, trĩ; ở cả đàn gà thịt và gà đẻ trứng; ở tất cả các kiểu nuôi như nuôi trên sàn, trên lồng tầng cho đến nuôi chăn thả ngoài bãi hay trong vườn đồi.

Hiện tượng cắn mổ nhau thường bắt đầu bằng việc mổ lông, mổ ngón chân, mổ mào, mổ đuôi và đặc biệt mổ hậu môn của nhau. Khi một con vật bị chảy máu, bị thương tích thì kích thích đồng loại tập trung vào việc mổ cắn vào vết thương và từ đây bùng nổ hiện tượng cắn mổ nhau ở cả đàn.

Hiện tượng cắn mổ nhau nếu không được phát hiện sớm và khống chế ngay từ đầu thì sau đó rất khó kiểm soát và người nuôi phải trả giá đắt vì gà chậm lớn, tỷ lệ chết cao, phẩm chất thịt kém.

Cắn mổ nhau được xác định là do di truyền và do các yếu tố về môi trường và quản lý. Rất khó xác định nguyên nhân nào là chủ yếu, sau đây là những nguyên nhân đã được tổng kết:

Mật độ đàn lớn: Hiện tượng cắn mổ nhau thường xảy ra ở đàn có mật độ lớn. Một thí nghiệm theo dõi trên 850 gà thịt nuôi từ 1 ngày đến 47 ngày với các mật độ 8, 12 và 14 gà/m2. Gà được nuôi bằng một khẩu phần giống nhau ở từng giai đoạn khác nhau. Kết quả nghiên cứu đã thấy gà nuôi với mật độ thấp (8 gà/m2) có tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn tốt hơn so với 2 mật độ kia. Đàn có mật độ thấp cũng có tỷ chết và cắn mổ nhau thấp hơn các đàn có mật độ cao hơn.

Quá nóng: Cắn mổ nhau cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ chuồng quá nóng.

Quá sáng: Ánh sáng mạnh và kéo dài kích thích hiện tượng cắn mổ nhau.

Thiếu thức ăn và nước uống hay thiếu không gian của máng ăn và máng uống, trong tình trạng này gà phải đánh nhau để tranh giành thức ăn và nước uống, những con yếu dễ bị thương tích; máu và vết thương là yếu tố kích thích sự bùng nổ hiện tượng cắn mổ nhau ở cả đàn.

Khẩu phần mất cân bằng: Có thể giàu năng lượng, thấp xơ, có thể thiếu protein, mất cân đối axit amin và thiếu một số chất dinh dưỡng khác như vitamin, chất khoáng (thực ra cho đến nay khoa học cũng chưa tìm ra yếu tố dinh dưỡng đặc biệt nào có thể gây hiện tượng cắn mổ nhau).

Trộn lẫn gà có tuổi khác nhau hay có những đặc điểm ngoại hình khác nhau vào chung một đàn, những đặc điểm này kích thích “tính tò mò” của gà, dẫn đến gà mổ cắn nhau.

Trong đàn có những con gà què, bị tàn tật hay thương tích, những con gà này vừa là nạn nhân vừa là nhân tố kích thích sự mổ cắn nhau.

Ở chuồng gà đẻ, ổ đẻ sáng quá hoặc thiếu ổ đẻ cũng dễ gây cắn mổ nhau, gà mái đẻ rất thích mổ hậu môn đồng loại.

Chuồng nuôi và không gian chuồng chật chội, hạn chế tập quán bới tìm và làm tổ cũng gây hiện tượng cắn mổ nhau.

Căn cứ vào các nguyên nhân trên, các biện pháp ngăn ngừa sự bùng nổ của hiện tượng cắn mổ nhau được khuyến cáo như sau:

Trước hết là kiểm soát các khẩu phần ăn, các khẩu phần phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng theo với tuổi và giống. Hàm lượng protein, axit amin, tỷ lệ cân đối giữa các axit amin với nhau, tỷ lệ lysine so với năng lượng, hàm lượng chất khoáng đại lượng và vi lượng, hàm lượng các vitamin A, D, E, K và vitamin nhóm B là những chỉ tiêu dinh dưỡng quan trọng cần được kiểm soát.

Không gian máng ăn phải đầy đủ để con vật được tiếp xúc đồng thời với thức ăn, giúp ngăn ngừa trong đàn có những con nhẹ cân hơn, chúng thường là nạn nhân của hiện tượng cắn mổ nhau.

Đủ nước uống và không gian máng uống, nước uống sạch và không quá lạnh trong mùa rét và quá nóng trong mùa hè. Trong mùa nóng nên dùng nước có pha muối ăn (5 gram muối cho 1 lít nước).

Thời gian chiếu sáng và cường độ sáng đều ảnh hưởng đến hiện tượng cắn mổ nhau. Cần phải tuân thủ chế độ ánh sáng trong quy trình của từng giống. Không dùng bóng điện có ánh sáng trắng trên 40 wat để úm gà. Nếu phải sưởi ấm bằng bóng có cường độ lớn hơn thì dùng bóng có ánh sáng huỳng quang đỏ. Ánh sáng mờ thường áp dụng trong quá trình cắt mỏ nhưng phải đủ độ sáng để có thể theo dõi được đàn (ví dụ độ sáng vừa đủ để đọc báo).

Gia cầm bị hấp dẫn bởi máu và vết thương, do vậy cần nhanh chóng loại bỏ khỏi đàn những con bị thương. Hàng rào của chuồng không được có các vật sắc nhọn làm rụng lông, rách da hay gây các thương tích khác.

Không gian chuồng cần đặt các vật để thoả mãn tập tính đào bới, tìm kiếm. Tốt nhất nên treo trên thành chuồng các bó rau cỏ xanh vừa để gà tìm mổ vừa bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng. Khi bùng nổ hiện tượng cắn mổ nhau có thể dùng thức ăn bột thay cho thức ăn viên để con vật giành nhiều thời gian cho việc lựa tìm các hạt thức ăn mà quên cắn mổ nhau.

Trong chuồng gà mái đẻ bố trí đủ ổ đẻ, giữ cho các ổ hơi tối để hạn chế gà tìm mổ lỗ hậu môn. Có điều kiện làm các sào đậu cho gà, trên sào đậu gà khó mổ hậu môn của nhau hơn so với khi gà ở trên mặt đất.

Cắt mỏ: Cắt mỏ là biện pháp phổ biến để ngăn ngừa hiện tượng cắn mổ nhau ở gà. Tuy nhiên cần chú rằng mỏ gia cầm giống như bàn tay người không chỉ dùng để tìm nhặt thức ăn mà còn để rỉa lông, làm tổ và để giao tiếp với đồng loại. Cắt mỏ không chỉ làm con vật đau mà còn làm con vật mất đi những thông tin cảm xúc quan trọng.

Cắt mỏ cần được thực hiện bởi những kỹ thuật viên có tay nghề, nên dùng dao nhiệt để tránh chảy máu hoặc dùng máy cắt tự động (máy có thể cắt 1.500 gà con/giờ, nhiệt độ lưỡi dao cắt 600-800oC).

Gà nuôi thịt cắt mỏ lúc 7-10 ngày tuổi, gà hậu bị trứng cắt lúc 7-8 tuần hay 12-16 tuần. Gà con, cắt cả hai mỏ một lúc, mỏ trên cắt 1/3-1/4 tính từ đầu mỏ đến lỗ mũi, gà hậu bị mỏ trên cắt cách lỗ mũi 6mm, mỏ dưới để dài hơn mỏ trên và cách vết cắt của mỏ trên 3mm.

Chú ý chỉ cắt mỏ những hôm trời mát, mùa nóng chỉ nên làm vào buổi sáng sớm. Thêm vitamin K vào nước uống (20mg/lít) 2 ngày trước và 3 ngày sau khi cắt mỏ. Thêm vitamin C vào nước (20mg/lít) cùng với vitamin K. Trong 4-7 ngày sau khi cắt mỏ, đảm bảo độ dày của lớp thức ăn trong máng tối thiểu là 5cm, vì gà không mổ được lớp thức ăn ở đáy máng vào lúc này. Tránh tiêm phòng hay gây những stress khác 1 tuần trước và 2 tuần sau khi cắt mỏ.

Cắn mổ nhau là một hiện tượng phổ biến trong chăn nuôi gia cầm tập trung, hiện tượng này có thể xảy ra ngay cả khi đàn gia cầm được quản lý tốt. Tuy nhiên những biện pháp ngăn ngừa trên được đặt ra một cách chặt chẽ và nghiêm túc thì sẽ hạn chế được nó.


Có thể bạn quan tâm

Bổ sung bột cánh hoa cúc Vạn Thọ vào khẩu phần của gà đẻ trứng Isa Brown Bổ sung bột cánh hoa cúc Vạn Thọ vào khẩu phần của gà đẻ trứng Isa Brown

Cúc vạn thọ là một trong những nguồn nguyên liệu chủ yếu để sản xuất chất tạo màu tự nhiên, có nhiều ở Địa Trung Hải, châu Âu, châu Á và nhiều nơi ở Việt Nam.

20/02/2019
Tụ huyết trùng – bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gà Tụ huyết trùng – bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gà

Dưới đây là một vài thông tin cơ bản về bệnh này mà bà con nên tìm hiểu để phòng và trị bệnh một cách tối ưu nhất.

22/02/2019
Kỹ thuật nuôi gà ta đẻ trứng kiếm tiền triệu mỗi ngày dễ như chơi Kỹ thuật nuôi gà ta đẻ trứng kiếm tiền triệu mỗi ngày dễ như chơi

Kỹ thuật nuôi gà ta đẻ trứng nhiều, ít bệnh tật đòi hỏi người nuôi phải chuẩn bị đầy đủ các bước hướng dẫn nuôi cơ bản mới đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

22/02/2019