Năng suất lúa năm 2015 đạt kỷ lục
Đó là những đánh giá của ông Mã Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt tại hội nghị Sơ kết sản xuất vụ hè thu, vụ mùa 2015, triển khai kế hoạch vụ đông xuân 2015 – 2016 và đánh giá kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2013 - 2015 các tỉnh phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 22/10, tại Hà Nội.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, hiện tượng El-Nino kéo dài từ đầu năm tiếp tục giai đoạn cực thịnh ở vụ mùa, các tỉnh vùng Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng của hạn hán ngay từ đầu vụ, cuối vụ lại bị ảnh hưởng của mưa lớn.
Tổng diện tích thiệt hại do hạn khoảng 49.000 ha; trong đó có trên 8.000 ha lúa bị thiệt hại.
Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa hè thu đã gieo cấy được 158.000 ha, giảm khoảng 6.000 ha so với năm trước.
Năng suất bình quân đạt 50,3 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha, sản lượng đạt 795.000 tấn, giảm gần 17.000 tấn so với vụ hè thu 2014.
Năng suất trung bình của toàn vùng đạt cao trong một số năm gần đây và cao hơn so với cùng kỳ năm trước từ 0,2-0,9 tạ/ha.
Với vụ mùa 2015, toàn miền Bắc gieo cấy xấp xỉ 1.115.000 ha, giảm 12.000 ha so với năm 2014.
Mặc dù diện tích giảm, song năng suất vụ Mùa 2015 tăng 0,2 tạ/ha so với năm 2014, ước đạt 52 tạ/ha, sản lượng gần 5,8 triệu tấn, giảm 50.000 tấn so với năm 2014.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, điểm sáng nhất trong vụ hè thu, vụ mùa 2015 là tỷ lệ diện tích lúa chất lượng cao tăng nhanh, bền vững, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo.
Diện tích lúa lai thương phẩm được duy trì hợp lý.
Từ năm 2013 đến nay, các tỉnh phía Bắc đã chuyển đổi được khoảng 44.000 ha, đạt 26,5% kế hoạch; trong đó chuyển đổi trên đất hai vụ lúa 20.500 ha, một vụ lúa là 23.500 ha.
Vụ đông xuân 2015-2016, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy trên 1,3 triệu ha, giảm 19.000 ha so với vụ đông xuân năm 2014-2015.
Sản lượng vụ này ước đạt trên 7,9 triệu tấn, giảm 100.000 tấn so với vụ đông xuân năm 2014-2015.
Tuy nhiên, vụ đông xuân 2015-2016 được các chuyên gia nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn do El-Nino kéo dài nhất trong vòng 60 năm gần đây, 85% khả năng sẽ kéo dài đến hết vụ đông xuân.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập, Tổng cục Thủy lợi, từ tháng 11/2015 đến 2/2016, dòng chảy trên các sông suối sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Trên lưu vực sông Đà hụt từ 5-30%, sông Thao từ 10-45%, sông Lô từ 10-40%, hạ lưu sông Hồng từ 40-45%.
Nhìn chung, khu vực Bắc bộ sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, đặc biệt vùng núi cao phía Bắc và trung du Bắc bộ sẽ nghiêm trọng hơn ở vùng đồng bằng.
Để đạt mục tiêu vụ đông xuân, Cục Trồng trọt khuyến nghị các địa phương tuân thủ thời vụ gieo cấy và cơ cấu giống, tránh gieo quá sớm, cấy sớm lúa sinh trưởng nhanh do ấm đầu vụ; lưu ý những giống lúa mẫn cảm với nhiệt độ thấp, nhất là giai đoạn làm đòng … để bố trí khung thời vụ thích hợp đối với từng địa phương.
Đồng thời thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và hướng dẫn của đơn vị cung ứng giống.
Trên cơ sở chủ trương chuyển đổi, tái cơ cấu, các địa phương cũng cần tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng ngắn ngày mang lại hiệu quả cao hơn, tránh những loại cây trồng quá phụ thuộc nhiều vào nước trời.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 26-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh kiểm tra tình hình sản xuất tại huyện Lục Ngạn. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương.
Vụ mùa dưa hấu đầu năm 2015, nông dân xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trúng mùa dưa hấu trồng phủ bạt. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân cải thiện kinh tế gia đình, góp phần làm giàu thêm cho quê hương xứ biển.
Với mục tiêu giúp các hộ trồng nho thay đổi phương thức canh tác an toàn, hiệu quả, nâng cao năng suất và giá trị, góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân, năm 2013, mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGap do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận triển khai, với sự tham gia của 25 hộ dân (chia thành 6 nhóm) ở thôn Nho Lâm (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam).
Sau một thời gian phát triển “nóng”, ngành cá tra Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do nội tại ngành thiếu sự liên kết, gắn kết chặt chẽ giữa các bên có liên quan trong chuỗi giá trị và gặp phải rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu. Để ổn định, phát triển bền vững, đòi hỏi các bên có liên quan tích cực vào cuộc, thực hiện “nâng cấp” toàn diện chuỗi giá trị cá tra, từ khâu sản xuất đến cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước…
Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Ninh Thuận khuyến cáo mô hình nuôi ốc hương và trồng rong sụn với cách nuôi trồng cải tiến có nhiều ưu điểm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi ở vùng ven biển.