Nắng nóng, người trồng dừa thu bộn tiền
Dừa tạo việc làm
Sống ở xứ dừa, hơn 10 năm nay ông Nguyễn Văn Nhứt (43 tuổi, trú xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn) mưu sinh bằng cách thu mua dừa từ các nhà vườn khắp tỉnh Bình Định để vận chuyển đi tiêu thụ nơi khác kiếm lời. Ông Nhứt cho biết: “Gia đình tôi thu mua trái dừa ta từ các nhà vườn ở các huyện Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn... Bình quân, mỗi ngày thu mua gần 9.000 trái. Trái nhỏ thì để phục vụ cơ sở sản xuất dừa sấy, kẹo dừa tại gia đình, còn trái đủ tiêu chuẩn thì tôi vận chuyển để bỏ mối cho bạn hàng tận Hà Nội”.
Theo ông Nhứt, sau khi thu mua gần 9.000 trái dừa, mỗi ngày gia đình ông thuê 4 nhân công bóc vỏ sạch sẽ để tiêu thụ. “Ở đây, chính cây dừa tạo nguồn thu nhập cho nhà vườn và giải quyết được nhiều lao động địa phương từ việc trèo dừa, thu gom cho đến sản xuất... Gia đình tôi khoán mỗi trái dừa sau khi bóc vỏ là 250 đồng, nếu dùng dụng cụ thì mỗi người có thể bóc được hơn 2.000 trái/ngày, nhờ vậy có thu nhập vài trăm ngàn, đây là nguồn thu khá ổn định cho lao động ở quê”.
"Năm nay nắng nóng đến sớm, thương lái mang dừa xiêm (trái nhỏ) đến quán bán cho tôi với giá 14.000 đồng/ trái và dừa ta là 12.000 đồng/trái. Nhiều lúc không có dừa để mua vì họ vận chuyển đi các tỉnh thành khác bán”.
Chị Đặng Thị Hương
Hiện nay, tại xã Hoài Đức có khoảng vài trăm lao động kiếm sống dựa vào cây dừa và dường như họ làm dừa quanh năm.
Chị Châu Thị Luận (23 tuổi, trú xã Hoài Đức) chia sẻ: “Ở quê làm nông cực lắm nên nhiều lúc tôi muốn lên thành phố làm kiếm tiền, nhưng không chịu được cảnh xa ba mẹ. Tôi chọn cách bám trụ với nghề làm thuê ở cơ sản xuất bánh, kẹo dừa tại quê để kiếm sống. Lương khoảng 3 triệu đồng/tháng, mức này vẫn đủ để trang trải cuộc sống nơi thôn quê”.
Nhà vườn phấn khởi
Những ngày này, đi dọc các con đường, ngõ hẻm tại làng dừa Hoài Đức, đâu đâu cũng thấy cảnh xe máy, xe ba gác... đầy ắp dừa vận chuyển đi tiêu thụ.
Ông Trương Hùng Cường (xã Hoài Đức), cho biết: “Ở đây người dân chúng tôi kiếm thu nhập tốt nhờ vào cây dừa. Với 20 cây dừa ta, mỗi đợt tôi bán chừng 150 trái nhờ vậy mà có được thu nhập tiền triệu. Điều đặc biệt, cây dừa là loại cây ít tốn công chăm sóc, chịu được nắng nóng”.
Dừa tươi đang mang lại nguồn lợi cho cả chủ vườn và người hái dừa thuê. Ảnh: D.T
Chị Đặng Thị Hương bán quán nước ven Quốc lộ 1 tại xã Hoài Đức, chia sẻ: “Những ngày qua nắng nóng tăng cao, do đó giá dừa cũng tăng theo. Mùa mưa thì giá dừa ta thấp hơn, thương lái hái xong rồi mang đến quán bán cho tôi chỉ chừng 7.000 đồng/trái, nhưng cứ vào mùa nắng nóng thì năm nào giá dừa tăng cao hơn. Năm nay nắng nóng đến sớm, thương lái mang dừa xiêm (trái nhỏ) đến quán bán cho tôi với giá 14.000 đồng/trái và dừa ta là 12.000 đồng/trái. Nhiều lúc không có dừa để mua vì họ vận chuyển đi các tỉnh thành khác bán”.
Theo UBND xã Hoài Đức, địa phương này có khoảng 3.600 hộ dân, hầu như nhà nào cũng có vườn dừa. Nhà vườn nào ít thì vài cây, nhiều thì đến hàng trăm cây mỗi vườn.
Ông Trần Văn Cường- Chủ tịch UBND xã Hoài Đức cho biết: “Cách đây khoảng vài năm, giá dừa ta chỉ ở mức 1.000 - 2.000 đồng/trái, có khi chẳng ai thèm mua. Nhưng hiện nay dừa ta với ưu điểm trái to, nhiều nước nên đang được tiêu thụ rất mạnh trong mùa nắng nóng. Giá dừa đang tăng cao, nhiều thương lái từ khắp nơi kéo về thu mua ngay tại vườn. Dừa sau khi hái thì giá 10.000 đồng/trái, nếu mua rồi tự hái trên cây thì giá thấp hơn, chỉ 6.000 - 7.000 đồng/trái, vì sau khi leo lên cây hái, phải dọn dẹp vệ sinh tươm tất cho chủ vườn”.
Theo ông Cường, giá dừa ta tăng cao là do nhu cầu sử dụng làm nước uống của người dân mùa nắng nóng đang tăng. “Với 1 cây dừa, chăm sóc kỹ thì 3 năm sau sẽ ra trái, trong vòng 1 năm thì cho khoảng 100 trái. Tính toán nếu khu vườn có được 20 cây thì mỗi năm thu về gần 20 triệu đồng. Trong khi đó, so với các loại cây trồng khác thì chi phí và công chăm sóc cây dừa rất ít” - ông Cường cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Mạng lưới thành lập để trả lời câu hỏi, quá nhiều người cần, quá nhiều người sản xuất nhưng chưa thể kết nối được cung – cầu.
Nông dân trồng cà phê không chỉ khốn đốn vì mất mùa, mà còn vì mất giá...
Những ngày gần đây, tại các cánh đồng Cil Mup (xã Đạ Tông) và đồng Cọp xã Đạ Mrông (đều thuộc huyện Đam Rông, Lâm Đồng) xuất hiện rất nhiều bướm khiến nhiều nông dân lo lắng. Tuy nhiên, theo Chi cục bảo vệ thực vật Lâm Đồng, loài bướm này không gây hại cho lúa và hoa màu.