Nắng nóng gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp
Tôm chết hàng loạt
Chúng tôi đến phường Quỳnh Xuân (Thị xã Hoàng Mai) trong buổi trưa khi tiết trời vào khoảng 40 độ C. Cái “nóng” còn dữ dội hơn trong lòng người nuôi tôm khi tại đây nhiều đầm tôm đang bị chết. Tại đầm tôm của anh Nguyễn Văn Thịnh khi anh cùng các thành viên trong gia đình đang vớt số lượng tôm chết ra khỏi đầm, anh Thịnh buồn rầu cho biết: “Diện tích đầm nuôi của gia đình là 7ha với số lượng thả giống là gần 70 vạn con. Tôm thả cách đây 1 tháng, đã lớn gần bằng ngón tay...
Nhưng trong 3 ngày gần đây tôm nổi lên chết hàng loạt, không cứu được. Nguyên nhân ban đầu tôi đoán là do nhiệt độ tăng cao khiến tôm bị bệnh về đường tiêu hóa, hay còn gọi là bệnh phân trắng. Sau khi nhiễm bệnh trong thời gian từ 2 đến 3 ngày, tôm sẽ bị chết và càng chết nhanh khi bị lây lan. Cả gia đình đã không kịp trở tay!...”.
Đến khối 7 Quỳnh Xuân, vào đầm tôm của anh Trần Văn Hải khi anh đang thu dọn đám tôm chết dưới đáy ao, nước ao đã tháo kiệt, những con tôm chết nóng bỏng trên mặt đầm. Anh cho biết, hiện tại toàn khối có gần 70 hộ nuôi tôm thì có tới 40 hộ thiệt hại trên 30% sản lượng. Gia đình anh nuôi 40 vạn con giống trong diện tích 6.000m2, qua thời gian một tháng rưỡi tôm đã gần trưởng thành, bỗng nhiên giờ tôm bị bệnh chết. Chỉ sau có 2 ngày mà số tôm nổi lên mặt nước, dạt vào bờ khi cân lên đã lên tới 3 tạ.
Do vậy, gia đình anh buộc phải thu hoạch số tôm còn lại trong đầm ngay lập tức để tránh dịch lây lan, đồng thời xử lý đầm. Qua tìm hiểu được biết, hiện tại tổng diện tích nuôi tôm của phường Quỳnh Xuân là 45 ha, trong thời gian nắng nóng kéo dài những ngày qua khiến gần 15 ha tôm giống nuôi thả đợt 1 của năm nay bị chết. Các khối thiệt hại nhiều là khối 5, khối 4, khối 7. Để khắc phục tình trạng trên, nhiều chủ nuôi cho biết họ đã khắc phục bằng cách hòa lẫn nước chanh hoặc vitamin C vào thức ăn cho tôm để tăng sức đề kháng, tuy nhiên phương pháp này không mang lại kết quả khả quan khi tiết trời vẫn nắng nóng cao độ.
Thị xã Hoàng Mai thả tôm vụ chính năm nay với tổng diện tích 485ha. Điểm mới đối với bà con nuôi tôm ở đây là sự thay đổi thời vụ thả tôm. Những năm trước, bà con tiến hành thả 2 vụ, vụ 1 từ 15/3 đến 30/4, vụ 2 từ tháng 7 đến tháng 9, thì năm nay, chỉ sản xuất vụ chính và thả giống từ 15/3 đến 30/6. Việc thay đổi cơ cấu vụ nuôi như vậy có ưu điểm để nâng cao chất lượng sản xuất. Tuy nhiên, điểm hạn chế đó là vào khoảng tháng 5, tháng 6 lúc thời tiết khá nóng và độ mặn của nước tăng cao gây khó khăn cho sự phát triển của con giống; nhiệt độ tăng cao và kéo dài trong những ngày qua khiến tôm mắc bệnh hàng loạt.
Phường Mai Hùng cũng là địa phương có diện tích nuôi trồng tôm khá lớn của TX. Hoàng Mai. Hiện bà con ở đây đang vất vả đối phó với tình trạng nắng nóng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trường, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi tôm của phường và cũng là hộ nuôi tôm, chia sẻ: “Phường Mai Hùng có tổng diện tích 28ha nuôi tôm của 60 hộ. Trong 4 ngày qua, lần lượt các ao nuôi đều xuất hiện tôm chết. Trước tình trạng trên, một số hộ đã tiến hành bơm nước bổ sung cho đầm nuôi hoặc thu hoạch tôm để triển khai xử lý ao đầm”.
Huyện Quỳnh Lưu có tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của 400 ha. Tuy nhiên, tại thời điểm này một số diện tích nuôi tôm của huyện đã xuất hiện tình trạng tôm nhiễm bệnh phân trắng, gan tụy, đốm trắng và chưa thể thống kê thiệt hại. Chỉ tính riêng tiền thuốc đặc trị trên mỗi ha tôm, công tác cải tạo lại đầm ao đã lên tới hàng chục triệu đồng. Mặt khác, do thời gian phát bệnh và lây lan của tôm khá nhanh, nên việc phòng ngừa và chữa trị rất phức tạp.
Tính đến nay, diện tích nhiễm bệnh được phát hiện nhiều ở xã An Hòa; toàn xã có 84 hộ nuôi với tổng diện tích 44ha, hiện tại có gần 20% diện tích tôm bị nhiễm bệnh. Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch xã An Hòa cho biết: “Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, xã cùng các cán bộ khuyến nông đã đưa ra những giải pháp tạm thời. Quan trọng nhất trong lúc này là cần đảm bảo lượng nước trong ao nuôi cần dao động ở mức 1,3 đến 1,5m. Cần cấp nước để bù cho lượng nước đã bốc hơi và xử lý kỹ qua bể lắng để đảm bảo nguồn nước cấp đạt vệ sinh”.
Để hiểu rõ hơn nguyên nhân của hiện tượng tôm chết hàng loạt tại các địa phương vừa qua, chúng tôi trao đổi với ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, ông cho biết: “Hiện toàn tỉnh đã thả 1.220 ha tôm, trong đó có 1.200 ha tôm thẻ chân trắng.
Theo thống kê đến 30/5 của Chi cục Nuôi trồng thủy sản thì diện tích tôm chết gần 28 ha. Nguyên nhân tôm chết có thể do thời tiết nắng nóng quá khiến tảo trong ao phát triển rất nhanh và đậm đặc, loại tảo này tôm rất thích ăn, trong số này có nhiều loại tảo độc hoặc tảo chết phân hủy, khi tôm ăn quá nhiều tảo độc cộng với nắng nóng dẫn đến mắc bệnh tiêu hóa. Một nguyên nhân nữa là người nuôi thường cho tôm ăn quá nhiều trong mùa nắng nóng, trong khi chúng tôi đã khuyến cáo hạn chế cho tôm ăn.
Lượng thức ăn dư thừa trong ao cũng dễ gây ra ngộ độc cho tôm bởi nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, nguồn cấp nước cho các đầm tôm ở TX. Hoàng Mai từ sông Mai Giang, nguồn nước ở đây cũng đang bị nhiễm khuẩn nặng nề, sông đã có dấu hiệu bị bồi, mực nước không còn dồi dào như trước, khiến cho mầm bệnh trong nguồn nước lưu cữu. Và thêm nguyên nhân nữa khiến tôm bị chết là có thể do tôm bị bệnh gan tụy, bệnh đốm trắng...”.
Về hướng khắc phục đối với các đầm tôm bị chết, ông Trần Xuân Học cho biết: Chi cục Nuôi trồng thủy sản thường xuyên có công văn khuyến cáo các hộ nuôi tôm trước những diễn biến của thời tiết. Khi tôm chết nhiều, người nuôi tôm cần đóng cống để xử lý ao.
Phải báo ngay với cán bộ thú y xã và xử xử lý đúng quy trình. Người nuôi tôm cần phối hợp với thú y xã để xét nghiệm chính xác bệnh trên tôm. Nếu bị bệnh gan tụy và đốm trắng, nhà nước sẽ hỗ trợ Clorin để xử lý ao đầm, còn các bệnh khác thì không được hỗ trợ. Sau khi bỏ hóa chất xuống đầm tôm, cần để nguyên 5 - 7 ngày, sau đó vớt xác tôm đưa đi tiêu hủy. Việc tiêu hủy cần đúng chỗ, tránh mầm bệnh tồn dư phát tán. Diện tích ao nhiễm bệnh sau khi xử lý phải đợi 1 tháng mới được nuôi tiếp. Bà con cũng cần lưu ý đó là mật độ thả tôm, không nên thả quá dày, không kiểm soát được số lượng dễ cho ăn bừa bãi.
Ngô khô “cháy”
Nắng hạn gay gắt làm nhiều diện tích ngô xuân muộn - hè thu sớm ở địa bàn các huyện: Nghi Lộc, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông… bị chết khô. Diện tích ngô bị khô cháy ở các địa phương khoảng 400 ha. Bà Nguyễn Thị Loan, xóm 12, Nghi Ân (TP. Vinh) có diện tích ngô nếp bị chết, bóc ngô ra cho chúng tôi xem thì đúng thật ngô chỉ có mấy hạt do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan và không nhận đủ chất dinh dưỡng khi đúng kỳ làm hạt. Gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, xóm 20, Nghi Văn (Nghi Lộc) cũng có 2 sào ngô bị chết, chị phải thu hoạch về làm thức ăn cho gia súc. Được biết xã Nghi Ân sử dụng giống ngô lai PAC 399 được vài ba năm nay. Những vụ trước, dù thân cây thấp nhưng hầu như cây nào cũng có 2 bông, bông to và mẩy hạt. Thế nhưng năm nay, cả vùng đều mất.
Còn ở Nghi Văn (Nghi Lộc), mặc dù trồng ngô lai nhưng do hạn nặng cả đồng ngô gồm 250 ha đã bị chết. Ông Đặng Bá Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thạch cho biết thêm: Ngô của Nghi Thạch trồng trên đất cát bạc màu, những năm được mùa, năng suất ngô cũng chỉ đạt mức 2,5 - 2,7 tạ/sào. Năm nay, 70 ha làm muộn do gặp nắng nóng, hạn hán kéo dài đúng giai đoạn ngô trổ bông, thụ phấn nên đậu hạt rất kém, khoảng 15 ngày nữa cho thu hoạch nhưng năng suất may ra chỉ đạt mức 50 - 60 kg/sào. Còn ông Nguyễn Văn Sao, Chủ tịch UBND xã lo lắng: Nghi Văn có 250 ha ngô bị chết cháy, hầu như không cho năng suất. Bên cạnh đó, 330 ha lạc xuân mặc dù đã đến kỳ thu hoạch nhưng đất quá khô cứng nên người dân chưa thu hoạch được.
Được biết, vụ xuân năm nay, với chủ trương ưu tiên phát triển diện tích ngô, toàn tỉnh gieo trồng gần 17 nghìn ha ngô, với các giống ngô có tiềm năng năng suất cao như DK 6818, DK 9901, C919, LVN 14… Đến nay, những diện tích ngô bãi ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên đã thu hoạch xong. Tuy nhiên, ở một số diện tích ngô gieo trồng sau (ngô xuân muộn - hè thu sớm) ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Nghi Lộc… đang trổ cờ phun râu, hoặc những diện tích ngô trên đất cát ở một số địa phương tại TP. Vinh, Nghi Lộc chuẩn bị đến kỳ thu hoạch thì bị ảnh hưởng rất nặng nề do nắng hạn. Nếu những ngày tới, nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài, khả năng sẽ có thêm nhiều diện tích ngô bị chết cháy không cho năng suất.
Tính đến ngày 2/6, nắng hạn trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng diện rộng đến sản xuất nông nghiệp: Tại Anh Sơn, 138 ha chè có nguy cơ chết, 800 ha đất trồng lúa không thể sản xuất; Tân Kỳ khoảng 500 ha ngô xuân hè mất trắng; Quỳnh Lưu khoảng 3.000 ha đất trồng lúa cũng không có nước để sản xuất vụ hè thu; sông Lam cũng trong tình trạng dần cạn kiệt... Nhiều địa phương đang vất vả chống hạn để có thể sản xuất hè thu kịp thời vụ.
Có thể bạn quan tâm
Theo ông Bình, cây iều trước đây là loại rất phổ biến ở địa phương theo kiểu ăn chơi. Do nước lũ, người dân đã chặt bỏ để trồng bắp, cà, sả… nên từ rất lâu không còn nghe ai nhắc đến và cây iều gần như “tiệt chủng”. Trong một lần đi học tập kinh nghiệm làm ăn ở các tỉnh miền Đông, gặp cây iều có cái tên là lạ, ông đã xin giống đem về trồng.
Cây nhãn Thạch Kiệt trồng khoảng 24 tháng là có thể xử lý cho trái. Giống nhãn này có nhiều ưu điểm như: Kháng được bệnh “chổi rồng”, cơm dầy, khô giòn, hạt nhỏ, thơm, trái sai, có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với thổ nhưỡng vùng đất ven sông Tiền.
Mô hình trồng chuối tiêu hồng bằng phương pháp cấy mô do UBND xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) thực hiện tại thôn Định Trường, với diện tích 1 ha, có 5 hộ tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ 100% giá giống, phân bón và được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...
VASEP cho rằng cá hồi đông lạnh chủ yếu được NK về để phục vụ gia công xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước. Mặt hàng cá hồi hiện nay ở Việt Nam chưa phải là sản phẩm đã sản xuất được ở cấp độ hàng hóa, việc NK không mang tính cạnh tranh với sản xuất trong nước. Do đó, Hiệp hội đề xuất giảm mức thuế NK với cá hồi về 0% nhằm phong phú nguồn nguyên liệu chế biến gia công XK thủy sản.
Ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và ngành nông nghiệp các địa phương cùng các nhà vườn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh vàng lá gân xanh trên cây cam sành, để khống chế sự lây lan bệnh trên cây có múi.