Nắng hạn và chất lượng giống ảnh hưởng năng suất đậu nành?
NTNN giới thiệu một số nội dung hỏi và đáp tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long tổ chức mới đây.
* Tôi trồng cây đậu nành trên đất lúa xen canh hiệu quả nhưng thời gian qua do chất lượng nguồn giống không kiểm soát được nên ảnh hưởng đến năng suất. Để giúp nông dân (ND) an tâm sản xuất, các ngành chức năng có biện pháp gì trong khâu cung ứng giống? ND Nguyễn Văn Ba (ấp An Thạnh, xã Phú Thuận, huyện Châu Thành, Đồng Tháp)
- Ông Nguyễn Văn Chương – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (Viện KHKT nông nghiệp miền Nam): Để giải quyết vấn đề giống trong vụ xuân hè hay vụ hè thu sớm, thứ nhất là cần nhân giống trong vụ đông xuân để lấy giống chuyển giao cho vụ xuân hè; thứ hai là liên kết với vùng Đông Nam Bộ để sản xuất giống đưa về địa phương trồng. Hiện nay chúng tôi đã liên kết được 2 vùng sản xuất này để cung ứng giống cho ND.
Với cây đậu nành, chúng ta cần áp dụng kỹ thuật mới trồng thưa giúp cây nhận đủ ánh sáng, giảm bệnh thối lá, cho nhiều trái.
* Vùng trồng khoai lang của huyện Bình Tân có bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn hay không? Nếu trường hợp bị nhiễm mặn thì có giải pháp gì? Có bao tiêu giá khoai lang không? ND Bùi Văn Phèn (ấp Thành Nhân, xã Thành Lợi, Bình Tân, Vĩnh Long)
-Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long: Đợt mặn kỷ lục đầu năm 2016 thì ảnh hưởng đến 5 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nặng nhất là huyện Vũng Liêm; còn phía sông Hậu ngoài huyện Trà Ôn, thì ảnh hưởng một phần thị xã Bình Minh, còn ở huyện Bình Tân còn cách đó mấy chục km nữa. Trong tương lai chưa biết khi nào xâm nhập mặn ảnh hưởng đến vùng này, nhưng nếu ảnh hưởng đến vùng Bình Tân thì tôi nghĩ cả tỉnh đã bị ảnh hưởng.
UBND tỉnh đã giao cho ngành nông nghiệp xây dựng nhiều giải pháp phòng chống xâm nhập mặn, trong đó có giải pháp công trình và phi công trình. Trước mắt thì chúng ta nạo vét kênh nội đồng trữ nước ngọt để khi nước mặn đến thì đắp đập lại để sản xuất. Ngoài ra, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như chọn những giống chống chịu được mặn, tưới nước tiết kiệm hoặc sử dụng một số chất kích hoạt để tạo sức để kháng cho cây trồng.
Về bao tiêu khoai lang, chúng tôi đang làm việc với một công ty, họ sẽ sang mua khoai lang nhưng với điều kiện bà con phải trồng theo quy trình kỹ thuật của họ thì họ mới thu mua và xuất đi các nước khác.
* Thời gian gần đây nắng hạn kéo dài khiến cho năng suất đậu nành thấp, xin hỏi cách khắc phục? Các giống rau màu có chịu được mặn hay không? ND Nguyễn Văn Hải (xã Tân Thành, Bình Tân, Vĩnh Long)
- TS Nguyễn Thị Tuyết Mai – Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long: Hiện tượng nắng hạn kéo dài, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, ẩm độ thay đổi liên tục nên ảnh hưởng đến năng suất các cây trồng, nhất là cây màu rất lớn. Về giải pháp, ngoài việc tích trữ nước để tưới cho cây thì chúng ta cần bố trí thời vụ phù hợp để đến giai đoạn đó chúng ta đảm bảo được nước tưới. Bên cạnh đó, hiện tượng hạn kéo dài thì dẫn đến xì phèn, do đó vấn đề bón phân rất quan trọng, đặc biệt là cần bón lân và vôi để bổ sung cho ruộng trồng, liều lượng phân lân từ 200-250kg/ha, còn vôi thì khoảng 300-350kg/ha, đặc biệt nên chú ý đến giai đoạn bón lót.
Có thể bạn quan tâm
Long Phú (Sóc Trăng) là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 28,56% với 32.412 khẩu), có nhiều xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.
Với khu nuôi thỏ hơn 400m2, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng, ít ai biết anh Hoàng Bạch Dương, (sinh năm 1972, trú tại thôn Nghĩa Vũ, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) từng tay trắng khi phải trả giá sau song sắt nhà tù.
“Tại sao lại cần tới 7.000 loại phân bón khi Việt Nam chỉ có khoảng 10 loại cây trồng chủ lực? Theo tôi, chỉ cần khoảng 100 loại phân bón hoặc tối đa thì có khoảng 200 loại, như thế sẽ dễ kiểm soát vấn đề chất lượng phân bón hơn…”.