Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nâng Cao Nghề Nuôi Thủy Sản

Nâng Cao Nghề Nuôi Thủy Sản
Ngày đăng: 28/09/2014

Sau khi tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ Trung ương, huyện Hoằng Hóa xét các điều kiện, lợi thế phát triển nghề NTTS nước lợ ở xã Hoằng Lưu để dạy nghề cho nông dân.

Từ kinh phí Trung ương phân bổ theo Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), vừa qua xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã đào tạo thành công nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) cho 50 học viên.

Lâu nay việc lựa chọn nghề để đào tạo cho LĐNT, dù là nghề chính hay nghề phụ cũng làm đau đầu các cơ quan đầu ngành, bởi nghề truyền thống nếu không tìm được đầu ra thì cũng khó phát triển, còn nghề mới du nhập, đòi hỏi người học phải đam mê, chịu khó thì mới thành công được.

Chính vì thế, có không ít địa phương lựa chọn nghề chưa phù hợp với nhu cầu của người dân đưa vào đào tạo nên hiệu quả đạt thấp.

Rút kinh nghiệm từ một số địa phương, sau khi tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ Trung ương, huyện Hoằng Hóa xét các điều kiện, lợi thế phát triển nghề NTTS nước lợ ở xã Hoằng Lưu để dạy nghề cho nông dân. Cuối tháng 5/2014, Cty TNHH Hạnh Tường (chuyên đào tạo nghề cho LĐNT) được giao phụ trách 2 lớp học với 50 học viên là chủ các ao đầm NTTS trên địa bàn xã.

Dù bận rộn với khối tài sản hàng trăm triệu thậm chí lên đến hàng tỷ đồng nhưng các học viên đều rất chăm chỉ đến lớp, ai ai cũng phấn khởi, bởi theo ông Lê Văn Giàu, thôn Nghĩa Lập: “Việc đào tạo nghề NTTS đối với dân Hoằng Lưu có ý nghĩa rất quan trọng. Lâu nay chúng tôi bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư nuôi tôm sú, cua, cá… nhưng lại thiếu KHKT nên hiệu quả nuôi trồng đạt chưa cao”.

Trong thời gian 2,5 tháng, các học viên vừa được học lý thuyết vừa được giáo viên cầm tay chỉ việc, thực hành tất cả các kiến thức cơ bản cần thiết nhất để nâng cao chất lượng, hiệu quả nuôi trồng.

Ông Lê Ngọc Hạnh, Giám đốc Cty TNHH Hạnh Tường cho hay, Cty đã dành hơn 2/3 thời gian, đưa các thiết bị cần thiết ra ao, đầm hướng dẫn học viên từ cách vệ sinh môi trường; phân tích độ mặn của nước; cách chọn giống; đặc tính sinh học của từng con nuôi; cách cho ăn, lựa chọn thức ăn cho đến cách phát hiện, phòng trị bệnh; xác định thời vụ thả nuôi phù hợp để tránh rét, tránh dịch bệnh…

“Lâu nay nông dân NTTS chủ yếu theo kiểu được chăng hay chớ, thiếu KHKT nên chỉ cần một trận mưa, không phát hiện được sự thay đổi của nguồn nước để điều chỉnh là tôm, cua có thể chết hoặc hạn chế sự phát triển. Còn bây giờ 100% học viên tham gia lớp đào tạo đều đã chủ động được trong việc chọn giống, thức ăn cũng như phát hiện, phòng trừ dịch bệnh kịp thời”, ông Hạnh nói.

Hộ dân Chu Hữu Đỗ, thôn 1, xã Hoằng Lưu thừa nhận, hạn chế lớn nhất của nông dân là thiếu kiến thức cơ bản về NTTS. Trước đây mua giống bà con không quan tâm nhiều đến nguồn gốc giống hay việc kiểm dịch; nước trong ao, đầm thay đổi cũng không nhận biết được… nhưng bây giờ chỉ cần nhìn qua họ đã phát hiện được thay đổi của cả con tôm, con cua để có giải pháp điều chỉnh sao cho phù hợp.

“Những kiến thức tích lũy được đối với tôi rất bổ ích, chúng sẽ là hành trang để tôi mạnh dạn đầu tư, phát triển nghề NTTS ngày càng bền vững”, ông Đỗ phấn khởi. Được biết, hộ ông Đỗ đầu tư 80 triệu đồng nuôi gần 1 ha tôm sú và cua, kết quả thu hoạch vụ đầu tiên được hơn 50 triệu đồng. Hiện ông đang chuẩn bị con giống để thả nuôi vụ thứ 2.

Đánh giá hiệu quả 2 lớp đào tạo nghề NTTS ở xã Hoằng Lưu, ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Hoằng Hóa nói: “Khóa học đã đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân, giúp họ ứng dụng các tiến bộ KHKT vào nuôi trồng, nâng cao thu nhập trên đơn vị canh tác. Đồng thời, giúp bà con an tâm bám nghề, khai thác thế mạnh của địa phương”.

Ông Hải cũng cho hay, hiện xã Hoằng Lưu đang còn khoảng 30 hộ dân có nhu cầu học nghề NTTS, vì vậy chính quyền địa phương rất mong Trung ương, tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề cho những đối tượng này.

Xã Hoằng Lưu có 86 hộ NTTS nước lợ với tổng lao động từ 200 – 250 người. Quy mô đầu tư bình quân khoảng 200 – 300 triệu/hộ, cá biệt có những gia đình đầu tư lên đến hàng tỷ đồng; thu nhập ổn định 300 – 350 triệu đồng/năm.


Có thể bạn quan tâm

Sức ép cho ngành trồng trọt Sức ép cho ngành trồng trọt

Diễn biến thời tiết bất thường, lũ xuất hiện trái mùa xảy ra cuối tháng 3 vừa qua khiến nông dân dọc vùng sông Vu Gia - Thu Bồn thiệt hại về hoa màu không nhỏ. Chính điều này, buộc ngành trồng trọt phải cơ cấu lại sản xuất, dần bỏ thói quen canh tác theo… kinh nghiệm.

21/05/2015
Tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp

Với ngành nông nghiệp hiện chiếm khoảng 17% trong cơ cấu kinh tế của địa phương, nhưng tác động trực tiếp tới đời sống của gần 70% dân số như Quảng Ngãi thì việc tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế là hết sức cần thiết.

21/05/2015
Ngư dân Quảng Ngãi phấn khởi được nhận tàu vỏ thép hiện đại Ngư dân Quảng Ngãi phấn khởi được nhận tàu vỏ thép hiện đại

Sau gần 7 tháng thi công đóng mới, sáng 20.5, hai chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Ngãi đã chính thức về cảng Sa Kỳ trong niềm vui của ngư dân và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

21/05/2015
Vụ đông xuân 2014-2015 diện tích tăng, sản lượng giảm Vụ đông xuân 2014-2015 diện tích tăng, sản lượng giảm

Vụ đông xuân 2014-2015, khi cuối mùa đi đến đâu cũng thấy có nhiều ruộng lúa chín vàng rất đẹp khiến cho nhiều người cứ tưởng đây là vụ lúa được mùa bội thu, nhưng tính ra sản lượng lại không đạt.

21/05/2015
Gắn đào tạo nghề với xây dựng nông thôn mới Gắn đào tạo nghề với xây dựng nông thôn mới

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tiền đề quan trọng của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn mà mục tiêu trước mắt là thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trên cơ sở khảo sát về nhu cầu học nghề của người dân, những năm qua tỉnh đã có kế hoạch đào tạo nghề cụ thể, hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động nông thôn.

21/05/2015