Nâng cao năng suất, chất lượng bưởi da xanh
Bưởi da xanh, một trong những loại cây ăn trái đặc sản, chủ lực của tỉnh và là một trong 12 loại cây ăn trái chủ lực được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch trồng tập trung ở Nam Bộ. Do có chất lượng ngon nên bưởi da xanh có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Vườn bưởi da xanh sai trái nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác theo Dự án JICA.
Nâng cao sản lượng, chất lượng
Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 và hướng đến năm 2020. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thời gian qua, bưởi da xanh được tập trung đầu tư phát triển theo vùng chuyên canh, hướng đến thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, sản xuất gắn với tiêu thụ. Để thực hiện các mục tiêu đề ra, một trong những vấn đề quan trọng là nâng cao chất lượng trái bưởi da xanh Bến Tre.
Khởi nguồn từ xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Bắc), bưởi da xanh Bến Tre không ngừng phát triển về diện tích, năng suất và sản lượng. Do giá luôn ở mức cao, bình quân từ 40 - 60 ngàn đồng/kg, cùng với thị trường đầu ra ổn định, nên diện tích bưởi da xanh tăng lên từng năm. Hiện toàn tỉnh có trên 7.212ha, chiếm gần 25% tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh. Trong đó, có 4.836ha đang cho trái với sản lượng đạt gần 57 ngàn tấn/năm.
Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên doanh, liên kết “4 nhà” và các chính sách của tỉnh về chương trình phát triển bưởi da xanh, đến nay, năng suất, sản lượng bưởi trong tỉnh được nâng cao. Nếu như trước đây, năng suất bình quân đạt khoảng 9 tấn/ha, thì hiện nay, năng suất bình quân tăng lên từ 11 - 15 tấn/ha. Nhờ năng suất, sản lượng tăng, giá ổn định ở mức khá cao, hiện nay, sau khi trừ chi phí, bình quân thu nhập của hộ trồng bưởi khoảng 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; đặc biệt, một số mô hình có hiệu quả thu nhập từ 600 - 800 triệu đồng/ha/năm.
Sản xuất theo chuẩn xuất khẩu
Tuy khá nổi tiếng và hàng năm cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn tấn, nhưng bưởi da xanh Bến Tre đa phần tiêu thụ trong thị trường nội địa. Mặc dù có tiềm năng phát triển và được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư trên rất nhiều lĩnh vực nhằm xúc tiến thương mại cho sản phẩm, nhưng đến nay, hành trình phát triển sản phẩm bưởi da xanh ra thị trường thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là vùng sản xuất chưa được tập trung theo hướng chuyên canh; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Thực trạng, trình độ canh tác của nông dân chưa đồng đều, đa số vẫn còn canh tác theo tập quán cũ như: vườn không được cải tạo, cây giống chưa đảm bảo về tiêu chuẩn; đa số nông dân trồng dày, cây có nhiều độ tuổi khác nhau; kỹ thuật canh tác và chăm sóc không đạt yêu cầu nên năng suất không cao, sản phẩm không đồng nhất về hình thái, trọng lượng và chất lượng...
Thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và đến năm 2025, trong năm 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và địa phương đã thành lập 21 tổ hợp tác (THT), 3 hợp tác xã (HTX) bưởi da xanh. Đó là HTX Tân Long, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc với 42 thành viên, canh tác 8,5ha; HTX bưởi da xanh Lương Phú, huyện Giồng Trôm với 53 thành viên, canh tác 11,7ha và HTX bưởi da xanh Bến Tre với 89 thành viên, diện tích 50ha. Hầu hết các THT và HTX bưởi da xanh đều thực hiện ký hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, trong năm 2018, bưởi da xanh Bến Tre được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là điều kiện thuận lợi, là cơ hội cho trái bưởi da xanh được nhiều nơi trong và ngoài nước biết đến.
Trong quá trình canh tác, để nâng cao chất lượng bưởi da xanh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, người dân cần được trang bị kỹ thuật mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; đồng thời, đẩy mạnh công tác liên kết giữa nông dân với nông dân và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp…
Áp dụng kỹ thuật từ Dự án JICA
Kế thừa kết quả Dự án “Tăng cường hệ thống khuyến nông, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cây có múi cho nông dân nghèo ở 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”, gọi tắt là Dự án JICA. Dự án đã áp dụng tại tỉnh từ năm 2010 - 2014 trên cây cam sành. Dự án đã đạt kết quả rất cao về kỹ thuật canh tác, năng suất, sản lượng và chất lượng trên cây cam sành, được Chính phủ 2 nước Việt Nam và Nhật Bản đánh giá cao. Từ dự án này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã xây dựng Dự án “Đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật từ dự án cây có múi JICA nhằm nâng cao năng suất, chất lượng bưởi da xanh Bến Tre”.
Dự án được triển khai tại 5 huyện có vùng trồng bưởi nhiều và tập trung gồm Châu Thành, Giồng Trôm, Chợ Lách, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc và TP. Bến Tre. Mục tiêu của dự án là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật từ Dự án JICA cho 90 cán bộ kỹ thuật và khoảng 900 nông dân của 5 huyện, thành phố vùng dự án. Xây dựng mô hình 30ha bưởi da xanh trồng theo kỹ thuật mới của dự án JICA; có tối thiểu 30 vườn bưởi da xanh mẫu đạt chất lượng, tăng 10 - 15% và sau 5 năm, năng suất bình quân đạt 12 - 14 tấn/ha, tăng 20 - 30%. Bên cạnh đó, dự án biên soạn quy trình trồng bưởi da xanh theo kỹ thuật mới; thành lập và củng cố các tổ hợp tác và hợp tác xã bưởi da xanh vùng dự án thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.
Trong quy trình kỹ thuật canh tác theo Dự án JICA, điểm mới và tiên tiến nhất là kỹ thuật canh tác, nhất là kỹ thuật trồng và tỉa cành, tạo tán. Kỹ sư Nguyễn Phúc Hiệp - Trưởng phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Trồng bưởi da xanh theo phương pháp được chuyển giao từ Dự án JICA là trồng với mật độ thưa. Mật độ trồng 35 cây/1.000m2, tương đương với khoảng cách trồng 5x6m. Tán cây được kéo tròn đều.
Tham quan Dự án chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng bưởi da xanh Bến Tre.
Hiệu quả bước đầu
Ngoài chọn giống, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, việc chăm sóc bưởi da xanh từ Dự án JICA cũng rất quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng và nhất là sự phát triển bền vững của cây. Các mô hình mẫu được ứng dụng kỹ thuật do các chuyên gia JICA nghiên cứu hướng dẫn như: thiết kế bờ bao, mương liếp, đảm bảo quản lý nước tưới tiêu, mật độ trồng thưa, đắp mô cao, bón lót phân hữu cơ; sử dụng giống cây sạch bệnh, chọn thời điểm xuống giống để hạn chế rầy chổng cánh tấn công truyền virus gây bệnh vàng lá Greening. Bón phân đúng thời kỳ, đáp ứng nhu cầu của cây...
Sau gần 3 năm triển khai xây dựng mô hình, nhiều vườn bưởi da xanh áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác theo Dự án JICA đã mang lại kết quả khả quan. Điển hình là vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Tân, ở ấp Xẻo sâu, xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm. Sau khi được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông áp dụng vào vườn bưởi của mình. Hiện nay, vườn bưởi đang phát triển xanh tốt, cây có tán đều và đã cho lứa trái đầu tiên. Ông Tân cho biết, nếu so với cách trồng truyền thống thì trồng bưởi da xanh theo kỹ thuật JICA hiệu quả hơn. Cây cho trái nhiều hơn, trong khi đó, lượng phân bón sử dụng ít hơn.
Do các vườn bưởi khoảng 3 năm tuổi, cây mới bắt đầu cho trái, nên chưa thể đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án, nhưng theo tính toán, sau 5 năm, cây đã cho trái ổn định thì hiệu quả của dự án đạt rất cao so với biện pháp canh tác truyền thống do năng suất cao hơn khoảng 20%. Trong khi đó, do trồng thưa nên chi phí đầu tư thấp hơn. Ngoài hiệu quả kinh tế, dự án còn đạt về hiệu quả xã hội và hiệu quả về môi trường. Chính vì thế, dự án sẽ có cơ hội được nhân rộng.
Dự án JICA bước đầu đã đạt kết quả khả quan. Nông dân vùng dự án đã dần thay đổi tập quán, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất, năng suất và chất lượng bưởi da xanh được nâng lên, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực; trong đó, có bưởi da xanh.
Có thể bạn quan tâm
Trồng bưởi quan trọng nhất là chủ động được vùng đất, nước tưới và bón phân hợp lý
Nhân giống cây có múi sạch bệnh là biện pháp quan trọng để nâng cao năng suất và chất lượng cây có múi.
Sau hai năm nghiên cứu, anh Lê Văn Liêm tiếp tục chế tạo thành công máy xe thừng không nối, chiếc máy có ưu điểm sợi thừng xoắn chặt hơn so với làm thủ công