Kỹ sư chân đất Lê Văn Liêm: Chế tạo thành công máy xe thừng không nối
“Tôi yêu chỉ xơ dừa, vì đối với người dân nông thôn, nhất là người nghèo, chỉ xơ dừa mang lại thu nhập hằng ngày, giúp người dân cải thiện cuộc sống; tôi cho rằng, không ai có thể làm ra chiếc máy chế ngự chỉ xơ dừa tốt hơn người Bến Tre, nơi mà người ta vẫn gọi là xứ sở của dừa” là tâm sự của anh Lê Văn Liêm, tác giả đoạt giải nhất Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bến Tre năm 2016-2017 với giải pháp Máy xe thừng không nối.
Anh Lê Văn Liêm và sản phẩm sáng tạo máy xe thừng không nối.
Sửa xe đạp nuôi đam mê
Năm 21 tuổi, chàng trai Lê Văn Liêm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về quê Tân Hội và lập nghiệp bằng thùng đồ nghề sửa xe đạp - đó cũng là vốn liếng duy nhất của anh khi bắt đầu cuộc sống tự lập. Lớn lên trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em, Lê Văn Liêm chỉ học tới lớp 9 và phải quần quật với cuộc sống mưu sinh tại mảnh đất quê nhà xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam.
Anh rất thích nghề cơ khí nhưng không có tiền theo học, mỗi ngày anh cặm cụi sửa xe đạp ở góc đường gần Bệnh viện Cù lao Minh, khi có ít vốn, anh chuyển sang học nghề sửa xe máy. Vài năm dành dụm, anh đã có tiền học nghề cơ khí. Đến năm 30 tuổi, khi cuộc sống dần ổn định anh Liêm mới lập gia đình.
Từ những ngày anh ngồi sửa xe đạp, biết anh siêng năng và chịu khó, bà con ở xóm lại mang cái quay tay chỉ xơ dừa cho Liêm sửa. “Nhiều người cứ mang cái quay tay chỉ xơ dừa nhờ tôi sửa dùm, mày mò lần hồi tôi cũng làm được, nhiều người nói với tôi: “Liêm ơi, làm sao chế tạo ra cái máy mà bỏ chỉ rối vô, rồi tự nó chạy ra chỉ thì đỡ bà con biết mấy”.
“Chỉ xơ dừa cứng lắm, nó “ăn” tay người làm, người làm chỉ thủ công phải đi bộ từ đầu này sang đầu kia, ngày đi cả trăm bận. Thế nên, mỗi ngày một chút, mỗi người một câu khuyến khích tôi chế tạo máy, nhiều năm sau, tôi mới quyết định lao vào thực hiện niềm đam mê của mình”, anh Liêm kể.
5 năm trời đóng cửa chế tạo máy xe chỉ xơ dừa, anh Liêm lâm vào túng thiếu, nghèo khó do bỏ ra quá nhiều vốn và phải lao động cật lực từ sáng đến tối. “Ai cũng nói tôi bị khùng, vì tôi làm cái chưa từng có, chuyện chưa ai làm. Tôi đã khóc với chỉ xơ dừa, chúng thật cứng đầu, cọng thì cứng, cọng mỏng manh, sợi ngắn, sợi dài không đồng nhất, và tôi phải chế ngự làm cho chúng theo ý mình, tất cả loại chỉ phải quy phục cái máy, cuối cùng tôi đã thành công” - anh Liêm tâm sự.
Anh Trần Văn Cưng Anh, ngụ xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam cho biết: “Tôi đã mua của Liêm 7 cái máy xe chỉ xơ dừa, máy chạy rất tốt, có thể nói là tuyệt vời, nhờ đó công việc làm ăn của gia đình ngày một khấm khá. Sau 4 năm kể từ ngày mua chiếc máy đầu tiên của Liêm với giá 80 triệu đồng, đến nay tôi đã phát triển được hai cơ sở chuyên sản xuất chỉ xơ dừa”.
Được biết, để hỗ trợ người dân ở nông thôn có thêm thu nhập trong lúc giá heo sụt giảm, chỉ trong năm 2018, anh Lê Văn Liêm đã bán máy xe chỉ xơ dừa với giá 45 triệu đồng/cái (giá hiện tại của máy là 60 triệu đồng).
Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ V năm 2014 - 2015, máy xe chỉ xơ dừa 8 trục của tác giả Lê Văn Liêm được Ban tổ chức hội thi chấm giải nhất và xếp vào 17 giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội cũng như góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đây là tiền đề để chàng kỹ sư “chân đất” Lê Văn Liêm tiếp tục sáng tạo máy xe thừng không nối.
Công nghệ mới sản xuất dây thừng
Bến Tre có rất nhiều loại dừa, do đó nguồn nguyên liệu chỉ rối cũng rất đa dạng với cọng chỉ to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Máy xe chỉ xơ dừa 8 trục của anh Lê Văn Liêm đã chế ngự được nguồn nguyên liệu chỉ rối và cho ra đời sản phẩm chỉ xơ dừa hoàn chỉnh với chiều dài không giới hạn.
Sau hai năm nghiên cứu, anh Lê Văn Liêm tiếp tục chế tạo thành công máy xe thừng không nối, chiếc máy có ưu điểm sợi thừng xoắn chặt hơn so với làm thủ công, độ dài không giới hạn và không có những phần nối to do phải nối dây chỉ, nhờ đó dễ cho ra những sản phẩm dệt thảm liền mạch, có tính thẩm mỹ cao.
“Tôi là cha đẻ của chiếc máy xe chỉ xơ dừa và máy xe thừng không nối, tôi đã đăng ký độc quyền sáng chế vì điều đó chứng tỏ tôi là người sống có ích”. Từ những suy nghĩ rất thực tế, anh Lê Văn Liêm đã cho ra đời hai thiết kế sao cho phù hợp với dáng dấp nhỏ bé của phụ nữ, kể cả người già và người khuyết tật, anh Liêm cho rằng ở nông thôn đó là lực lượng lao động vừa đông, vừa rất cần việc làm tại gia để tăng thu nhập.
Quá trình làm ra dây thừng theo cách làm trước đây (bán tự động) thường theo 3 bước. Bước 1: tạo cuộn có 2 sợi, chuyển 2 sợi đơn vào 1 cuộn thành cuộn có 2 sợi song song. Bước 2: nối và xe đôi, để xe được thừng cần có 1 công nhân dùng lực kéo dây chạy tới - lui, 2 sợi thẳng ra - nối lại - móc vào hệ thống làm điểm cố định một đầu, đầu còn lại nối vào hệ thống mô-tơ để xe thành sợi đôi.
Thường sợi đôi được tạo ra bị giới hạn về chiều dài (từ 13 - 20m), tùy thuộc vào chiều dài mặt bằng khu vực sản xuất. Khi khách hàng yêu cầu sản phẩm có chiều dài vài trăm mét thì không thực hiện được. Mặt khác, các sản phẩm có mối nối xoắn cục từng đoạn khi đưa vào dệt thảm bằng máy không phù hợp.
Nguyên lý hoạt động máy xe thừng không nối: trục chính nhận truyền động từ động cơ giảm tốc thông qua bộ truyền đai làm cho khung quay. Khi khung 3 quay sẽ kéo chỉ đơn từ các cuộn ra khỏi ống. Các ống rút dây sẽ kéo chỉ đơn vào vị trí bộ xe thừng. Ống dây quấn dây thừng hoàn thiện.
Phần khung được làm bằng sắt V, kích thước D 2,7m x R 1,3m x C 1,2 m. Vùng nạp liệu: đầu vào sản phẩm là các trục chỉ đã xe sẵn, gắn vào 4 trục cố định theo phương thẳng đứng. Hai cần đánh chỉ và ổ trục kéo. Máy vận hành bằng công-tơ điện 0,5 kW.
Sản phẩm được đánh giá là đạt theo yêu cầu của khách hàng về đường kính và chiều dài (đường kính từ 14 - 20 li), chiều dài không giới hạn, 1 công nhân có tay nghề cao có thể vận hành từ 1 đến 2 máy. Giá một máy 40 - 50 triệu đồng.
Máy tạo ra sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng, nhu cầu xuất khẩu dây thừng hiện được cho là rất cao, từ đó tạo được công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho người động ở nông thôn.
Tăng giá trị chỉ xơ dừa
Từ vỏ dừa đánh tơi thu về sản phẩm là chỉ và mụn dừa (chỉ thu được ở công đoạn này là chỉ rối), tùy theo nhu cầu khách hàng mà các đơn vị sản xuất làm ra các mặt hàng khác nhau từ chỉ xơ dừa như: chỉ xơ dừa ép kiện, chỉ đánh thành sợi, lưới xơ dừa, thảm xơ dừa, dây thừng…
Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ sử dụng khá phổ biến chỉ xơ dừa dệt thảm để làm tấm phủ mặt đường lớn, lộ nông thôn… có tác dụng chống trượt, trong nông nghiệp làm màn phủ giữ ẩm rất tốt.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, giải pháp Máy xe thừng không nối của tác giả Lê Văn Liêm, sinh năm 1970, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam đã đạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ VI năm 2016-2017, lĩnh vực Cơ khí, tự động hóa, xây dựng, giao thông.
Dự kiến, Ban tổ chức hội thi sẽ trao giải cho các tác giả đoạt giải nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5-2018.
Giá chỉ rối hiện khoảng 3.700 đồng/kg (số liệu tháng 4-2018), khi sử dụng máy xe chỉ xơ dừa, giá mỗi ký chỉ đã xe từ 7 - 13 ngàn đồng/kg (tùy cỡ chỉ), năng suất tăng gấp 20 lần so với làm thủ công, thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 200 - 350 ngàn đồng/người/ngày. Với máy xe thừng không nối, mỗi ký chỉ dây thừng hiện có giá khoảng 12 ngàn đồng.
Bà Huỳnh Thị Như Thủy - Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành - Sở Khoa học và Công nghệ, thành viên Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VI đánh giá máy xe thừng không nối của anh Lê Văn Liêm: “Tính mới, tính sáng tạo của máy xe thừng không nối là có thể sản xuất ra sản phẩm dây thừng có chiều dài không giới hạn, vùng nạp liệu cố định, thiết kế theo phương thẳng đứng, cuồng sợi nguyên liệu xoay tự nhiên theo lực kéo, sợi thừng được xe bởi khung quay, hệ thống kéo không có trục cuốn và hệ thống kẹp”.
“Giải pháp có tính sáng tạo về công nghệ do chưa có thiết kế nào được đưa vào sản xuất và ứng dụng trước đây ở trong tỉnh cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long” - bà Huỳnh Thị Như Thủy cho biết.
Về hiệu quả kinh tế, bà Như Thủy nhận xét: “Máy xe thừng không nối vận hành bằng công-tơ điện 0,5 kW + 02 cần đánh chỉ và ổ trục chứa sản phẩm hoàn tất có kết cấu gọn, nhẹ nên 1 công nhân có tay nghề cao có thề vận hành từ 1 đến 2 máy. Sản phẩm được tạo ra từ máy xe thừng không nối có tính thẩm mỹ cao, giúp gia tăng giá trị kinh tế cho các sản phẩm từ dừa”.
Có thể nói, những sáng tạo của kỹ sư “chân đất” Lê Văn Liêm đã giúp nâng cao giá trị chỉ xơ dừa của tỉnh Bến Tre, đồng thời đóng góp giải pháp cho huyện Mỏ Cày Nam trong quá trình thực hiện chuỗi giá trị chỉ xơ dừa - một trong những mặt hàng được huyện xác định là sản phẩm mũi nhọn kinh tế huyện.
Có thể bạn quan tâm
Ông Trắc được người dân xã Lương Quới mệnh danh là “vua cút”, người tiên phong của kiểng lá ở xứ cây có múi.
Trồng bưởi quan trọng nhất là chủ động được vùng đất, nước tưới và bón phân hợp lý
Nhân giống cây có múi sạch bệnh là biện pháp quan trọng để nâng cao năng suất và chất lượng cây có múi.