Nam thanh niên nuôi cà cuống thu nhập hàng trăm triệu đồng ở Sài Gòn
Sau những lần thất bại với một số trang trại chăn nuôi và trồng trọt, anh Lê Thanh Tùng đã phát triển được mô hình nuôi cà cuống, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Mỗi năm anh thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề nuôi cà cuống. Ảnh: An Huy
Không bỏ cuộc sau thất bại
Xuất thân trong một gia đình thuần nông ở TP.HCM, anh Lê Thanh Tùng (40 tuổi, ngụ ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi) đã sớm làm quen với sản xuất nông nghiệp. Năm 1995, anh mạnh dạn bỏ hàng chục triệu đồng vào đầu tư 350 con vịt siêu trứng và 1.800 con vịt cỏ lấy thịt.
"Tôi dùng vợt lưới đi khắp các cánh đồng trên địa bàn H.Hóc Môn và Củ Chi tìm bắt cà cuống. Nhiều người thấy tôi đi bắt côn trùng cho rằng tôi hết chuyện làm, đi làm mấy việc dở hơi, nhưng tôi mặc kệ và theo đuổi quyết tâm của mình. Sau hơn 1 tháng, tôi đã bắt được 5 con cà cuống giống đem về nhà nuôi". Anh Lê Thanh Tùng
Nghề nuôi vịt của anh đang thuận lợi thì năm 1996 – 1997, trứng vịt và trứng gà Trung Quốc ào ạt nhập vào TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, làm thị trường trứng gia cầm trong nước đảo lộn. Mỗi trứng vịt thời điểm đó anh bán 1.200 đồng/trứng, trong khi trứng vịt Trung Quốc tung ra thị trường chỉ 150 - 200 đồng/trứng. Trứng sản xuất ra bán ế ẩm do cạnh tranh không nổi, gia đình anh lỗ vốn khoảng 38,5 triệu, phải ngưng nuôi vịt.
Không nản chí, anh Tùng tiếp tục vay tiền thuê nhiều hecta đất nông nghiệp, đầu tư trồng rau xanh cung cấp hàng cho các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM. Việc kinh doanh tương đối thuận lợi mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, thì đến năm 2000, trên địa bàn H.Củ Chi xảy ra tình trạng “sốt đất”, người dân đồng loạt rủ nhau đem đất phân lô, bán kiếm tiền. Những hecta đất anh thuê cũng được chủ đất lấy lại và đem bán. Mất đất canh tác, anh Tùng phải ngưng việc trồng rau xanh từ đó.
Cà cuống được anh Tùng bán với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/con, con giống anh bán giá 400.000 đồng/con. Ảnh: An Huy
“Cũng may, sau tình trạng sốt đất thì nhà cửa cũng nhanh chóng được người dân xây lên. Thời gian đó, tranh thủ chưa có việc gì làm, tôi chuyển qua nghề thợ hồ tiếp tục kế sinh nhai nuôi sống gia đình. Sau hai lần thất bại khi đầu tư nông nghiệp, tôi cứ nghĩ mình không thể làm thêm được bất kỳ mô hình đầu tư lớn nào nữa, thế nhưng tôi lại phát hiện ra hướng đi mới và tiếp tục thực hiện”, anh Tùng chia sẻ.
Năm 2008, trong một lần xem phóng sự truyền hình trên tivi, thấy chương trình nuôi cà cuống mang lại thu nhập cao ở nước ngoài, tuy nhiên địa bàn phía Nam hiện chưa có ai nuôi con vật này; đồng thời, cũng xuất hiện một số người bán cà cuống ở các tỉnh phía Bắc nhưng chủ yếu đánh bắt ngoài tự nhiên, số lượng không nhiều. Sau nhiều lần suy nghĩ, anh Tùng bắt đầu lội ruộng ròng rã hơn một tháng ở các cánh đồng trên địa bàn tìm kiếm cà cuống tự nhiên bắt về nuôi thử nghiệm.
“Tôi dùng vợt lưới đi khắp các cánh đồng trên địa bàn H.Hóc Môn và Củ Chi tìm bắt cà cuống. Nhiều người thấy tôi đi bắt côn trùng cho rằng tôi hết chuyện làm, đi làm mấy việc dở hơi, nhưng tôi mặc kệ và theo đuổi quyết tâm của mình. Sau hơn 1 tháng, tôi đã bắt được 5 con cà cuống giống đem về nhà nuôi”, anh Tùng hồ hởi kể.
Nghề khỏe, thu nhập hàng trăm triệu đồng
Từ 5 con cà cuống ban đầu đem về nuôi trong chậu xi măng, đến nay anh Tùng đã tạo được một trang trại nuôi cà cuống quy mô lớn với hàng chục ngàn con được nuôi trong 4 bể xi măng, rộng khoảng 6 mét vuông/bể.
“Năm 2017, tôi bán được khoảng 10.000 con cà cuống, mang về thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Năm nay tôi tiếp tục nhân rộng mô hình lên gấp đôi. Nếu cà cuống sinh trưởng tốt như mọi năm, tôi sẽ thu về khoảng gần 1 tỉ đồng”, anh Tùng chia sẻ.
Ban đầu nuôi cà cuống, anh Tùng cũng gặp nhiều khó khăn bởi con vật này sống trong môi trường tự nhiên, khi bắt về thuần hóa trong hồ, phải tập cho chúng quen với môi trường nuôi nhốt. Đồng thời, anh cũng mất nhiều thời gian tìm hiểu về thức ăn để cho con vật có độ sinh trưởng tốt.
Cà cuống là loại côn trùng có giá trị kinh tế cao. Ảnh: An Huy
“Con cà cuống ăn thịt động vật các loại như: cá con, ếch, nhái, dế mèn…, mình kiếm các loại côn trùng như vậy cho vào hồ thì nó sẽ tự săn mồi. Tôi cung cấp cà cuống chủ yếu cho các nhà hàng. Người ta mua cà cuống về làm nước mắm, giá 35.000 – 40.000 đồng/con. Con cà cuống được xem là món đặc sản bởi nhiều người đã biết đến từ lâu và săn tìm, trong khi ngoài tự nhiên giờ rất hiếm nên không bao giờ thiếu đầu ra trên thị trường. Tôi nuôi xong đợt nào là xuất bán hết liền chứ không dư thừa”, anh Tùng nói.
Cũng theo anh Tùng, cà cuống giống mỗi năm đẻ được khoảng 3 - 4 lứa. Một con cà cuống sinh ra đến khi trưởng thành xuất bán trong vòng 45 ngày, nếu nuôi dưỡng thành con giống phải mất 75 ngày. Vòng đời con cà cuống sống được khoảng 14 tháng, đẻ tối đa được khoảng 5 lứa, mỗi lứa được từ 150 – 200 trứng, tỉ lệ nở khoảng 98%. Mỗi con cà cuống giống anh bán 400.000 đồng/con. Con cà cuống có nhiều dinh dưỡng bồi bổ sức khỏe tốt, đặc biệt dùng để chữa bệnh còi xương cho trẻ em. Nếu làm nước nắm từ cà cuống sẽ rất thơm ngon.
Ngoài nuôi cà cuống, anh Lê Thanh Tùng hiện cũng phát triển mô hình nuôi dế mèn trên diện tích khoảng 500 mét vuông. Mỗi ngày anh cung cấp đều đặn 10 kg dế thịt cho các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn TP.HCM với giá 200.000 – 250.000 đồng/kg. Đồng thời, anh còn mở quán ăn các sản phẩm từ dế, bọ cạp, cà cuống tại nhà mang lại thu nhập khá cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Bằng tâm huyết và áp dụng đúng kỹ thuật, đến nay, số lượng đàn vịt trời của ông đã tăng lên đến gần 7.000 con gồm vịt trời giống, vịt đẻ và vịt bán thương phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Vinh đã nhân giống, mở rộng được quy mô đàn lên hàng nghìn con gà sao kết hợp nuôi vịt trời, chim trĩ, heo rừng…, lãi 250 - 300 triệu đồng/năm.
Vườn cam canh 50 ha của ông Lâm Thành Thương (Bình Dương) có thể cho trái đến 60 năm.