Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nấm linh chi không bị ũng nước nhờ thiết kế giàn treo

Nấm linh chi không bị ũng nước nhờ thiết kế giàn treo
Tác giả: Châu Hà
Ngày đăng: 20/02/2017

Với mô hình trồng theo kiểu treo giàn, không phủ đất, anh Phan Quốc Hưng - một hộ trồng nấm ở Đầm Hà, Quảng Ninh đã khắc phục được tình trạng ũng nước, hạn chế dịch bệnh, mang lại sản lượng tốt, chất lượng cao cho nấm linh chi.

Trong ảnh: Nấm linh chi tại cơ sở của gia đình anh Hưng. Ảnh: Bizmedia.

Từng gắn bó với nghề trồng lúa, chăn nuôi nhưng năng suất thu được thấp, gia đình anh Phan Quốc Hưng ở thôn Xóm Giáo, Đầm Hà, Quảng Ninh đã tìm tòi, thử nghiệm với mô hình phát triển cây nấm linh chi. Trước anh, nhiều hộ tại thôn Xóm Giáo đã triển khai trồng loại nấm này nhưng không thành công; thậm chí, nhiều nhà còn rơi vào tình trạng lỗ vốn. Tuy nhiên, nhờ tinh thần quyết tâm, không ngại khó và chăm chỉ tích lũy kiến thức, anh đã quyết định trồng thử nghiệm giống cây.

Thời gian đầu, vợ chồng anh Hưng đi học hỏi kỹ thuật trồng nầm từ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cũng như tìm kiếm thêm các thông tin trên mạng. Sau đó, anh tự rút kinh nghiệm về những thất bại và khó khăn của các hộ khi trồng nấm. Theo anh Hưng, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nấm bị nhiễm bệnh, chết nhiều là do ũng nước. Bởi vậy, thay vì trồng nấm dưới đất như các hộ vẫn làm, anh lại lựa chọn phương pháp mới là làm giàn cho nấm linh chi.

Kết hợp các kinh nghiệm tích lũy tại những khóa học, anh Hưng mạnh dạn cải tiến kỹ thuật, mua sắm thêm nồi hơi khử trùng và các thiết bị để phát triển mô hình trồng nấm của gia đình. Cụ thể, về nguyên liệu để trồng, anh tận dụng ngay khối lượng gỗ sẵn có ở địa phương. Gỗ keo được cắt khúc khoảng 40-50cm và thanh trùng ở nhiệt độ cao. Sau 14-15 tiếng, nguyên liệu này sẽ nguội và có thể tiến hành cấy giống. Lán trại cũng được khử trùng sạch sẽ và đảm bảo khô thoáng để nấm không bị nhiễm bệnh.

Nấm linh chi được trồng thành giàn, không tiếp đất nên hạn chế được tình trạng nhiễm bệnh từ đất, lại tiết kiệm tối đa diện tích trồng và một phần chi phí đầu vào cho nguyên liệu. Vào mùa hè, thời tiết khô nóng, cây nấm của anh thường xuyên được tưới nước để giữ độ ẩm, cân bằng nhiệt độ phù hợp. Đây là điều kiện để phôi nấm phát triển đồng đều.

Sau khoảng 4 tháng chăm sóc, phôi nấm sẽ cho thu hoạch lần thứ nhất. Theo chu kỳ, một phôi nấm linh chi cho thu hoạch khoảng 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 tháng. Thời gian đầu, anh Hưng chỉ thí điểm trồng nấm trên một diện tích rất nhỏ. Ở vụ đầu tiên, nấm sinh trưởng tốt và mang lại cho anh nguồn thu nhập khá. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích.

Hiện tại, với trên 300m2, anh Hưng trồng được hơn 25.000 bịch nấm, trong đó, tỷ lệ nấm phát triển tốt đạt trên 90%. Mỗi vụ nấm mang về cho gia đình anh hơn 700 triệu đồng. Với chu kỳ sinh trưởng đều đặn, khoảng 3 vụ mỗi năm, anh có thể thu về cả tỷ đồng. Trại nấm không chỉ giúp gia đình anh vươn lên làm giàu mà còn mang lại công việc cho nhiều người dân trong làng.


Có thể bạn quan tâm

Đất trồng hành tím màu mỡ nhờ công nghệ tưới phun hiện đại Đất trồng hành tím màu mỡ nhờ công nghệ tưới phun hiện đại

Áp dụng công nghệ tưới phun hiện đại trong canh tác hành tím tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng vừa giúp bảo vệ nguồn nước, vừa tiết giảm chi phí sản xuất nông nghiệp

20/02/2017
Nông dân Philippines trồng dừa qua thiết bị di động Nông dân Philippines trồng dừa qua thiết bị di động

Khi thời tiết bất lợi hay nguy cơ dịch bệnh xảy ra với cây dừa, hệ thống cảnh báo sẽ tự động gửi tin nhắn đến nông dân để họ chủ động phòng tránh.

20/02/2017
Dùng tia hồng ngoại xác định giới tính trứng gà Dùng tia hồng ngoại xác định giới tính trứng gà

Công nghệ TeraEgg sử dụng ánh sáng hồng ngoại kết hợp cùng thuật toán phức tạp cho phép phân tích các dấu hiệu về giới tính và sinh sản ngay từ giai đoạn đầu

20/02/2017