Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nam Định Chuẩn Bị Tốt Các Điều Kiện Cho Vụ Nuôi Thủy Sản 2015

Nam Định Chuẩn Bị Tốt Các Điều Kiện Cho Vụ Nuôi Thủy Sản 2015
Ngày đăng: 07/03/2015

Những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ nông dân và các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định đã và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, đầm, chuẩn bị các điều kiện cho vụ nuôi thả thủy sản mới.

Năm 2014, các hộ NTTS đều chung một niềm vui được mùa lớn. Nhiều mô hình NTTS thành công đã được duy trì ổn định và tiếp tục phát huy tốt ở các loại hình mặt nước, ở các đối tượng nuôi chủ lực, cho năng suất lớn như tôm chân trắng, nuôi ngao, cá bống bớp, cá diêu hồng, cá lóc bông...

Các mô hình này đang được nhân rộng ở nhiều địa phương cho hiệu quả kinh tế cao. Tổng diện tích NTTS đạt 15.859ha, sản lượng đạt 65,9 nghìn tấn, trong đó sản lượng tôm sú đạt 925 tấn, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 3.250 tấn, sản lượng ngao ước đạt 24.370 tấn; sản lượng nuôi thủy sản nước ngọt đạt 31.850 tấn.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa đạt giá trị 100 - 200 triệu đồng/ha như vùng nuôi các xã Hải Đông, Hải Lộc, Hải Châu, Nghĩa Bình, Nghĩa Thắng, Nam Điền, Giao Xuân… đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tăng thu nhập cho người nông dân.

Công tác thú y thuỷ sản được duy trì ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Sau thắng lợi vụ NTTS năm 2014, cộng thêm việc cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi ngày càng được đầu tư đồng bộ, đã tạo tâm lý phấn khởi, tăng thêm niềm tin cho nông dân bước vào vụ sản xuất mới.

Năm nay, toàn tỉnh đưa vào nuôi thả 15.926ha, trong đó diện tích nuôi mặn lợ 6.518ha, diện tích nuôi nội đồng 9.408ha. Sở NN và PTNT đã tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình cải tạo ao, đầm, diện tích nuôi, lượng giống thả, đôn đốc các địa phương hướng dẫn nông, ngư dân thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi, nhất là quy trình chuẩn bị ao nuôi.

Qua các lớp tập huấn của các đơn vị trực thuộc Sở (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Phòng Nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản) trình độ kỹ thuật của người dân được nâng lên rõ rệt. Để hoạt động NTTS năm 2015 đạt hiệu quả cao, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các hộ nuôi thủy sản đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, đầm, đúng quy trình kỹ thuật nhằm thả giống đúng thời vụ.

Ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, tất cả những đầm nuôi sau khi thu hoạch xong đều được bà con nông dân tháo cạn nước, vệ sinh thu gom rác, rong rêu, cày bừa phơi khô đáy, sau đó rắc vôi bột cải tạo đáy, bờ ao để diệt khuẩn, diệt tạp và ổn định độ pH.

Nhiều địa phương có vùng NTTS tập trung đã huy động kinh phí, nhân lực để tôn cao đê bao vùng, bờ đầm, tu sửa cống đầu mối, nạo vét kênh mương chính, các mương dẫn nước vào ao phục vụ cho NTTS. Những ao lưu giữ cá qua đông đều đã đánh bắt, thu hết sản phẩm, bảo đảm thời gian cải tạo ao, đầm nuôi. Anh Ngô Văn Mạnh, thôn Bàn Kết, xã Tân Khánh (Vụ Bản) cho biết: “Qua kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá nên tôi nhận thức được tầm quan trọng của công tác cải tạo ao, đầm là yếu tố quyết định đến thành công của vụ nuôi.

Do vậy sau khi thu hoạch cá ở vụ trước, tôi đã tháo nước kết hợp bơm, bơm sục đáy ao để tẩy rửa chất thải sau đó bón vôi diệt tạp chất; bón vôi xong yêu cầu chỉ số pH của nước ao phải đạt 8 - 8,5 mới thả giống để các đối tượng nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh”.

Hiện nay, các đối tượng nuôi truyền thống như trắm, chép, mè, trôi… vẫn là thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế khá, ít gặp rủi ro, sản phẩm có thể thu tỉa, thả bù quanh năm, thị trường tiêu thụ nội địa ổn định. Do các hộ nuôi có kinh nghiệm và được tập huấn kỹ thuật, công tác cải tạo ao, hồ luôn được đảm bảo, công tác quản lý chăm sóc tốt nên đã đạt năng suất từ 4 - 6 tấn/ha/năm.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều hộ chưa thực sự chú trọng sử dụng mặt nước ao, hồ để NTTS mà sử dụng diện tích mặt nước theo kiểu tận dụng để thả rau, bèo chăn nuôi gia súc với thả ghép các loại cá không hợp lý dẫn đến lãng phí mặt nước, hiệu quả thấp. Tại các vùng nuôi tôm tập trung tại các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, các hộ nuôi và các doanh nghiệp cũng tích cực huy động máy xúc, máy bơm, các phương tiện… đào mới, cải tạo ao, đầm, nạo vét, tu sửa bờ ao, xử lý môi trường nước, chuẩn bị điều kiện để bước vào vụ nuôi tôm mới.

Anh Nguyễn Văn Phúc, xã Hải Đông cho biết: Trong năm 2014, gia đình anh nuôi thả 1ha tôm thẻ chân trắng. Công tác cải tạo đầm luôn được anh chú trọng cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh cho tôm tốt nên gia đình anh đã thu lãi trên 500 triệu đồng từ 2 vụ nuôi tôm. Tại các vùng nuôi ngao, các hộ dân đang tập trung làm sạch cọc, lưới, vây bao bãi, xử lý hà, đảo cát để lưu thông dòng chảy cho ngao… Tính đến nay, toàn tỉnh đã cải tạo ao, đầm được trên 90% tổng diện tích NTTS.

Hiện Sở NN và PTNT chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống nước ngọt làm tốt công tác tuyển chọn, nuôi vỗ và cho sinh sản nhân tạo các loài cá nước ngọt; các cơ sở sản xuất giống hải sản làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất giống, làm tốt công tác vệ sinh bể, xử lý nước, chuẩn bị nguồn tôm cá bố mẹ đảm bảo chất lượng tốt phục vụ sản xuất. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản làm tốt công tác quản lý chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm và trong quy trình nuôi, làm tốt công tác quản lý chất lượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ khi thu hoạch;

Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản làm tốt công tác chuẩn bị ra quân khai thác cá vụ Nam, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khai thác giống tự nhiên, đặc biệt là giống ngao; Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tăng cường tổ chức tập huấn cho nông, ngư dân về kỹ thuật sản xuất thủy sản.

Đồng thời, kiện toàn và sớm đưa vào hoạt động Ban quản lý giống thủy sản và Ban quản lý thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ, đảm bảo làm tốt công tác quản lý giống và kiểm soát chất lượng nhuyễn thể thu hoạch ngay từ đầu năm. Toàn tỉnh phấn đấu tổng sản lượng NTTS năm 2015 đạt 70,5 nghìn tấn.


Có thể bạn quan tâm

Đất Chuyên Trồng Lúa Nước - Không Được Bỏ Hoang Từ 12 Tháng Trở Lên Đất Chuyên Trồng Lúa Nước - Không Được Bỏ Hoang Từ 12 Tháng Trở Lên

Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-7-2012. Theo đó, hàng năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

14/05/2012
Vườn Mẫu Cà Phê Ở Lâm Đồng Vườn Mẫu Cà Phê Ở Lâm Đồng

Khi tham gia vào mô hình này, các hộ nông dân sẽ được hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê theo mô hình 4C, từ khâu trồng trọt đến khâu thu hái.

15/05/2012
Chăn Nuôi Gà Giò Trong Thời Tiết Nóng Chăn Nuôi Gà Giò Trong Thời Tiết Nóng

Nhiệt độ cơ thể gà thường ở mức 41 độ C. Nhiệt độ cao giúp gà bù tổn thất nhiệt, nước, đây cũng là cơ chế giúp gà điều phối nhiệt, lưu thông máu trong cơ thể đến các bộ phận như cánh, cổ, chân

05/06/2011
Nông Dân Thua Lỗ Vì Heo Giống Kém Chất Lượng Nông Dân Thua Lỗ Vì Heo Giống Kém Chất Lượng

Hơn 2 năm nay, hàng chục hộ chăn nuôi heo ở xã Núi Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) lỗ lớn vì mua heo giống kém chất lượng từ một cơ sở cung cấp và nguy cơ gây dịch bệnh cho đàn heo trong vùng.

30/05/2012
Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Vụ 2 Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Vụ 2

Hiện nay, người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Long An đang bước vào vụ 2 khoảng 1 tháng. Trong vụ 1, ở các huyện vùng Hạ, dịch bệnh trên tôm xảy ra nghiêm trọng, trong đó chủ yếu là bệnh do sốc môi trường và bệnh đốm trắng

05/06/2011