Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Năm 2014 Ngành Chăn Nuôi Thắng Đậm

Năm 2014 Ngành Chăn Nuôi Thắng Đậm
Ngày đăng: 28/02/2015

Sau hơn 2 năm thua lỗ, năm 2014 được cho là năm thắng lớn của ngành chăn nuôi khi các hộ nông dân nuôi heo đều có lãi khoảng 20% trên mỗi kg thịt.

Về thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội, anh Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi hơn 500 con heo tươi cười cho biết năm nay là năm thắng lợi nhất từ trước tới nay đối với gia đình anh. Giá cả ổn định ở mức 43.000 đến 44.000 đồng/kg, có lúc lên tới 49.000 đến 50.000 đồng/kg nên gia đình anh có lãi khá cao. “Với hơn 500 con heo năm nay gia đình tôi để ra khoảng vài trăm triệu” – anh Lâm nói.

Anh Nguyễn Văn Tiến, một trong những chủ trại heo và gà lớn nhất ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho hay hai năm trước, gia đình anh điêu đứng vì giá heo tăng giảm thất thường, dịch bệnh nhiều. Nhưng năm nay cả giá heo và gà đều bình ổn ở mức người chăn nuôi có lãi khá. Vì vậy, sau năm 2014, gia đình anh đã trang trải được nợ nần từ những năm trước và còn gần 400 triệu đồng.

Không chỉ các trang trại, các công ty chăn nuôi cũng hưởng lợi lớn từ thị trường thịt năm nay. Công ty Liên doanh Austfeed, với qui mô đàn heo trên 10.000 heo nái và 70.000 heo thịt, được gia công tại 40 trại chăn nuôi ở các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, năm 2014 cũng có mức lãi lớn. Trong năm 2014, doanh thu của Austfeed đã đạt 1.500 tỉ đồng và lợi nhuận tăng 35% so với năm 2013.

Mức lợi nhuận của các hộ chăn nuôi gia công cho Austfeed cũng khá cao và ổn định. Mỗi trại chăn nuôi có quy mô trung bình khoảng 2.000 heo thịt sẽ thu được khoản lợi nhuận trên 2 tỉ đồng mỗi năm.

Ông David John Whitehead, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Austfeed cho hay, năm 2014, giá vật tư đầu vào ổn định, không tăng đột biến như các năm trước đó, trong khi sản phẩm thịt đầu ra luôn ở mức cao. Giá heo nạc bình quân trong năm từ 47.000 - 52.000 đồng/kg. Người dân chăn nuôi heo, bò sữa, trứng gia cầm có lời khá cao.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam nhận định năm 2014 là một năm thành công của ngành chăn nuôi Việt Nam. Nguyên nhân thành công là nhờ thức ăn chăn nuôi có nhiều cải thiện, chất lượng con giống được quan tâm hơn, nhất là con giống gia cầm cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đặc biệt, một nguyên nhân thành công nữa là do cơ cấu sản xuất chăn nuôi chuyển đổi nhanh theo hướng trang trại, hộ chuyên nghiệp. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình liên kết trong sản xuất như mô hình chăn nuôi gia công, hợp tác xã và chuỗi sản phẩm khép kín thịt, trứng sạch tại Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, TPHCM, Đồng Nai… Công tác kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi được tăng cường.

Theo đó, các hộ chăn nuôi lớn, theo chuỗi và tự chủ được con giống, thức ăn chăn nuôi có lãi lớn, từ 20 - 30%. Song, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do không tự chủ được con giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí chăn nuôi cao nên chỉ lãi được bằng một nửa so với các hộ chăn nuôi lớn, có những thời điểm, chỉ lãi được 5% trên giá thành sản phẩm.

Không lo thịt nhập khẩu

Một trong những vấn đề mà các chủ trang trại chăn nuôi lo ngại và không chắc chắn về triển vọng thị trường chăn nuôi năm 2015 chính là sự ồ ạt nhập khẩu thịt từ nước ngoài khi một loạt các hiệp định tự do thương mại được ký kết.

Song, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho hay, cuối năm 2015 Cộng đồng kinh tế chung Asean sẽ được hình thành nhưng điều này cũng không đáng lo ngại đối với ngành chăn nuôi trong nước.

Hiện nay, đa phần thịt nhập từ các nước trong khu vực châu Á vào Việt Nam đều hưởng mức thuế chỉ 5% nhưng chưa có một kg thịt nhập nào từ châu Á vào Việt Nam trong những năm qua mà chủ yếu lượng thịt nhập khẩu từ thị trường Mỹ, chiếm hơn 50%. Năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 3.300 tấn thịt heo, chiếm chưa tới 0,1% lượng thịt tiêu thụ trong nước mỗi năm.

"Tính trung bình, 3 năm ăn thịt heo trong nước sản xuất mới có một bữa ăn thịt heo nhập khẩu", ông Vang nói vui.

Hơn nữa, thịt heo nhập của nước ngoài chủ yếu là đông lạnh nên không phù hợp với văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Chính vì vậy, lượng thịt nhập khẩu trong năm 2015 cũng sẽ không nhiều và không ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi trong nước.

Song, điều đáng lo ngại, theo ông Vang, là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang còn đàm phán. Theo ông Vang, thịt heo và thịt bò sẽ là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi thịt heo nhập khẩu từ Mỹ và thịt bò từ Úc.

Đối với chăn nuôi heo, theo ông Vang, trong 2 năm tới, nếu tổ chức tốt khâu giống và thức ăn chăn nuôi theo chuỗi tốt thì giá thành có thể giảm được ít nhất 10 %, khi đó hoàn toàn có thể cạnh tranh được với thịt nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với thịt bò thì nước ta không có lợi thế cạnh tranh so với các nước khác.

“Cái lo ngại lớn nhất là thịt bò vì nước ta đồng cỏ ít, thiếu thức ăn để phát triển đàn bò. Trong khi đó, để cải tạo đàn bò phải mất rất nhiều thời gian, trung bình phải 100 năm trong khi những năm qua nước ta cải tạo chưa toàn diện. Đây là về phía nhà nước, về phía hộ chăn nuôi, chăn nuôi bò trung bình phải mất 3 năm mới giết thịt, thời gian quá lâu gây ứ đọng vốn đến hàng chục triệu đồng/con, trong khi nuôi heo, gà chỉ vài tháng là có thể thu hồi vốn.

Chính vì vậy, khi TPP hình thành, ngành chăn nuôi bò sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ thịt bò nhập khẩu, đặc biệt là bò Úc”, ông Vang lo ngại.


Có thể bạn quan tâm

Trăn Trở Chè VietGAP Ở Lộc Thanh (Lâm Đồng) Trăn Trở Chè VietGAP Ở Lộc Thanh (Lâm Đồng)

Năm 2012, các thôn Tân Bình 1, Tân Bình 2, Thanh Xuân 1 và Thanh Xuân 2 (xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) được chọn làm vùng quy hoạch để triển khai Dự án sản xuất chè VietGAP của tỉnh. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, đến nay, những khó khăn của dự án đã bắt đầu nảy sinh.

25/06/2014
Vụ Mới Lắm Khó Khăn Vụ Mới Lắm Khó Khăn

Theo kế hoạch, lịch gieo sạ lúa đại trà vụ đông xuân 2014 – 2015 bắt đầu từ ngày 25.12.2014 đến ngày 10.1.2015. Đối với chân ruộng trũng, chưa rút nước kịp thời thì gieo mạ để cấy và phải chấm dứt gieo cấy trước ngày 15.1.2015. Cơ cấu giống lúa tập trung ở các loại trung, ngắn ngày.

27/11/2014
Trồng Mãng Cầu Theo Hướng Vietgap Hiệu Quả Cao Nhưng Cần Nhiều Vốn Trồng Mãng Cầu Theo Hướng Vietgap Hiệu Quả Cao Nhưng Cần Nhiều Vốn

Ngày nay, xu hướng sản xuất theo hướng an toàn đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong vấn đề an toàn thực phẩm. Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là những nguyên tắc được thiết lập nhằm bảo đảm một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và các khả năng nhiễm bẩn thực phẩm, an toàn cho người tiêu thụ.

25/06/2014
Thất Thu Vì Ruộng Trầm Thủy Thất Thu Vì Ruộng Trầm Thủy

“Vụ hè cũng như vụ đông, chỗ khác thì lo thiếu nước, còn nông dân ở dọc kênh chìm này thì lúc nào cũng lo thừa nước. Thừa đến nỗi chả trồng được cây gì”- ông Huỳnh Ngọc Vàng ngụ ở đội 3 thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi than thở khi nhắc đến hơn 2 sào ruộng ở xứ đồng Tiểu Giang.

27/11/2014
A Xing Chung Tay Xây Dựng Nông Thôn Mới A Xing Chung Tay Xây Dựng Nông Thôn Mới

Là một xã vùng sâu của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), kinh tế chậm phát triển nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, sự đoàn kết, đồng lòng, góp sức của người dân, xã A Xing đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành quả nổi bật trên các lĩnh vực. Trong đó nổi bật nhất là kết quả xây dựng nông thôn mới.

27/11/2014