Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa hái vải thuê

Mùa hái vải thuê
Ngày đăng: 22/06/2015

Vất vả

Bẻ vẻ thuê từ lâu đã trở thành một “nghề” mang tính chất thời vụ của một bộ phận người nông dân tại huyện Thanh Hà (Hải Dương), cũng như Lục Ngạn (Bắc Giang… Mùa thu hoặch vải lại trùng với khoảng thời gian miền Bắc nắng nóng, có hôm lên tới xấp xỉ 40 độ, nên công việc thu hái rất vất vả, vừa chịu nắng nóng, đó còn chưa tính đến sự nguy hiểm luôn rình rập khi trèo lên cây cao, nếu không may lỡ trượt chân, gãy cành thì rất nguy hiểm.

Đối với những gia đình đông nhân lực còn đỡ, chứ các gia đình neo đơn thì chuyện phải thuê mướn người bẻ vải để thu hoạch cho kịp thời vụ là bắt buộc, bởi nếu vải chín, không thu hái kịp, gặp mưa thì quả vải sẽ bị nứt ra, khi đó bán sẽ không ai mua. Vì vậy, khi kiếm nhân lực trong làng, trong xã không được, nhiều hộ trồng diện tích lớn phải đi tìm thuê mướn người tại các huyện lân cận.

Chị Lê Thị Thân, một người dân ở gần phố Kim, thị trấn Chũ, Bắc Giang, do nhà không trồng vải nên mùa thu hoạch vải nào chị cũng cùng chồng và mấy đứa con trai đi bẻ vải thuê. Xung quanh khu chị sống người ta trồng bạt ngàn vải và suốt mùa vải cả nhà chị làm không lo hết việc. Chị Thân cho biết: “Vào mùa bẻ vải là cả nhà tôi đều ở vườn vải từ sáng sớm tới tối mịt. Từ chủ vườn cho tới người làm thuê đều làm cật lực rồi ăn, nghỉ trưa ngay tại dưới tán vải. Thi thoảng có những hôm trời râm mát còn đỡ, chứ nắng chang chang mà trèo lên cây phơi đầu bẻ vải thì cực lắm.

Hôm nào nhận bẻ theo khoán cây, khoán vườn còn đỡ, bởi mệt mình có thể nghỉ, chứ bẻ thuê kiểu công nhật thì chủ vườn cho nghỉ lúc nào mới được nghỉ...”. Việc bẻ vải thuê bao giờ cũng kết hợp với nhiều công đoạn khác nữa, như gom vải đã bẻ rơi ở dưới gốc cây lại rồi tỉa lá, sắp lại từng nhánh vải vào các bó theo định lượng, sau đó bó lại bằng lạt cho chắc chắn. Nói chung để bẻ được một khối lượng vải khoảng vài, ba tạ thì một nhân công phải cật lực suốt từ sáng tới tối mịt mới đạt được.

Vào những ngày đầu tháng 6, chúng tôi về huyện Lục Ngạn khi các vườn vải đang vào mùa thu hoạch rộ và chứng kiến người lao động bẻ vải rất vất vả, cực nhọc. Ngoài việc phải chịu cái nắng nóng hầm hập, phải làm việc luôn tay ra thì nhiều người phải đương đầu với cả hiểm nguy tính mạng khi “treo” mình trên các thang cao chông chênh, trên những cành vải không thể đảm bảo sự chắc chắn, bởi chúng rất giòn nên dễ gẫy.

Anh Nguyễn Tiến Cương, một người bẻ vải thuê tại xã Tân Hoa (Lục Ngạn) kể rằng, nhiều lần đi bẻ vải thuê nghĩ mà thấy rùng mình, bởi đang đứng trên cành, với tay bẻ chùm vải trên cao thì cành mà mình đang đứng kêu răng rắc chực gẫy. Lúc đó phải dừng tay mà thụt chân vào phía trong của cành chứ không thì ngã nhào từ trên cao cách mấy mét xuống đất. Dẫu biết rằng các vật hỗ trợ việc bẻ vải có thang, thậm chí bắc giàn giáo, sào, móc sắt... nhưng nếu chủ quan, không cẩn thận sẽ bị ngã gãy chân tay là thường.

Thu nhập cao

Công việc bẻ vải thuê vất vả, cực khổ và không kém phần nguy hiểm, nhưng bù lại nó mang lại cho người làm nghề này mức thu nhập khá, nếu không muốn nói là rất cao. Qua tìm hiểu từ mùa vải đang diễn ra ở Bắc Giang và Hải Dương, chúng tôi được biết người trồng vải thường thuê nhân công theo công nhật, nghĩa là nuôi cơm ăn và trả từ 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày, tùy theo là đàn ông hay phụ nữ. Thường đàn ông được trả công cao hơn phụ nữ, vì với sức vóc khỏe họ luôn phải đảm nhận công việc trẻo cây để bẻ vải, trong khi đại đa số phụ nữ hay đảm nhận phần việc thu gom và bó vải.

Chính vì giá công bẻ vải cao như vậy nên những người làm nghề thời vụ này đều kiếm được một khoản kha khá. Như gia đình chị Lê Thị Thân có 4 người đi bẻ vải thuê mỗi ngày kiếm được gần 1 triệu đồng. Mỗi vụ vải kéo dài trong khoảng vài chục ngày cũng là tương ứng với gần vài chục triệu thu nhập của gia đình. Số tiền kiếm được trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy quả là giải quyết được rất nhiều việc đối với một hộ nông dân nghèo.

Vì mùa vải cần nhiều nhân lực bẻ vải nên không chỉ thuê người lớn, mà nhiều chủ vườn vải còn chấp nhận thuê trẻ nhỏ độ hơn chục tuổi, với mức công khoảng 150.000 đồng/trẻ, bởi chúng thường đi theo bố mẹ. Những em nhỏ này chỉ đảm nhận công việc nhẹ nhàng là quanh quẩn ở dưới gốc cây gom, sắp bó vải… và cũng góp một phần vào thu nhập cùng cha mẹ.

Ngoài việc bẻ vải thuê ăn heo công nhật thì cũng có một hình thức chủ vườn thuê mướn khác, đó là bẻ khoán, hoặc bẻ theo trọng lượng vải. Việc bẻ vải khoán thường được giao kèo thỏa thuận theo kiểu tù mù, nghĩa là mỗi cây vải bẻ hết, bó gọn sẽ được tính công là bao nhiêu, cứ thế mà nhân lên.

Tuy vậy, việc bẻ khoán cũng bị chủ vườn khống chế thời gian, chứ không thể kéo dài quá, bởi như vậy vải chín quá sẽ bị hỏng nếu việc thu hái chậm trễ... Theo, anh Lê Văn Quyền - một người bẻ vải thuê ở xã Kim Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang, thì việc bẻ vải theo kiểu này là hên - xui, nghĩa là cũng có thể được nhiều, cũng có thể được ít tiền hơn so với bẻ thuê công nhật. Chính vì vậy mà anh Quyền thường chỉ nhận bẻ khoán gọn các vườn vải cây thấp, chứ các vườn cây cao, bẻ lâu công sẽ không ăn thua...

Hình thức bẻ vải thuê ăn theo trọng lượng vải bẻ cũng khá phổ biến. Năm nay, ở Bắc Giang và Hải Dương đều thuê người bẻ vải với giá 1-1500 đồng/kg. Thực ra, các chủ vườn vải cũng tính cả rồi, bởi một nhân công to, khỏe và làm cật lực trong ngày cũng chỉ có thể bẻ, gom và bó gọn gàng được khoảng trên 2 tạ vải là cùng. Nếu bẻ ở những cây vải cao, lâu năm thì trọng lượng còn khó đạt được như vậy. Chính vì thế mà số tiền công mà một nhân công bẻ vải giỏi theo hình thức này cũng chỉ đạt khoảng 300 ngàn đồng/ngày là hết cỡ ...

Mùa thu hoạch vải luôn là thời điểm thu hút một bộ phận những người nông dân tranh thủ đi bẻ vải thuê. Dẫu công việc vất vả, sức lực họ bỏ ra là không ít nhưng đồng tiền công kha khá cũng giúp gia đình họ vượt qua được những thời khắc khó khăn.


Có thể bạn quan tâm

Câu được cá lăng trên sông Sêrêpốk Câu được cá lăng trên sông Sêrêpốk

Hai con cá lăng lớn, một con nặng 20 kg, con khác nặng 18 kg, cả 2 con đều dài gần 1 mét đã được bà Lê Thị Hồng Cẩm (59 tuổi) - chủ nhà hàng Phương Dung tại TP. Buôn Ma Thuột, Đak Lak mua.

10/04/2015
Nuôi tôm theo VietGAP nhằm hạn chế dịch bệnh Nuôi tôm theo VietGAP nhằm hạn chế dịch bệnh

Năm 2014, sản xuất tôm nuôi đóng góp 50% giá trị xuất khẩu thủy sản và 13% giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp lớn, nuôi tôm vẫn gặp nhiều thách thức và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Để tháo gỡ khó khăn, nuôi tôm theo VietGAP đang ngày càng phổ biến ở nhiều nơi.

10/04/2015
Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai các mô hình thủy sản năm 2015 Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai các mô hình thủy sản năm 2015

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành xây dựng 10 mô hình nuôi trồng thủy sản tại các huyện Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc, Châu Đức và TP. Vũng Tàu.

10/04/2015
Diện tích nuôi trồng thủy sản ở An Giang tăng 2,3% Diện tích nuôi trồng thủy sản ở An Giang tăng 2,3%

Quý I-2015, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang gần 545 héc-ta (tăng 2,3% so cùng kỳ), trong đó, diện tích nuôi cá tra gần 340 héc-ta (tương đương cùng kỳ). Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 52.000 tấn (tăng 4,8% so cùng kỳ), trong đó, sản lượng cá tra 44.000 tấn (tăng 2,1% so cùng kỳ).

10/04/2015
Huyện Phước Long (Bạc Liêu) nghiệm thu mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt bằng giá thể Huyện Phước Long (Bạc Liêu) nghiệm thu mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt bằng giá thể

Ngành Nông nghiệp huyện Phước Long (Bạc Liêu) vừa nghiệm thu thành công mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt bằng giá thể tại xã Vĩnh Phú Tây.

10/04/2015