Một xã thu gần 540 tấn cá lồng bè mỗi năm, doanh thu 30 tỷ đồng
Xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) nuôi 609 lồng cá trên sông Đà, mỗi năm cho thu hoạch gần 540 tấn cá, doanh thu ước đạt 30 tỷ đồng.
Xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc (Hoà Bình) nuôi 609 lồng/bè cá trên sông Đà. Sản lượng cá cho thu hoạch gần 540 tấn mỗi năm, doanh thu ước đạt 30 tỷ đồng. Các giống cá đưa vào nuôi phổ biến như trắm đen, trắm trắng, diêu hồng, cá lăng, nheo Mỹ và cá chiên. Các xóm nuôi nhiều cá lồng nhất gồm có xóm Ngòi, xóm Nẻ, xóm Liếm, xóm Ong, xóm Thăm và xóm Mụ.
Ông Bùi Văn Hội ở xóm Ngòi nuôi 30 lồng cá đặc sản, mỗi năm thu hoạch được 7,5 tấn, doanh thu ước đạt 500 triệu đồng. Nhờ nuôi cá, gia đình ông đã thoát nghèo bền vững, đang từng bước làm giàu. Ông Hội nuôi cá từ năm 2014, ban đầu chỉ nuôi 3 - 4 lồng cá rô phi và trê lai, làm lồng/bè bằng bương, tre sẵn có tại địa phương để nhanh cho thu hoạch, lấy ngắn nuôi dài.
Sau khi tích lũy dần, mỗi năm ông Hội đầu tư xây dựng thêm một số lồng/bè và chuyển đổi sang nuôi các giống đặc sản, năng suất, chất lượng cao. "Gia đình tôi có được cơ ngơi nuôi cá lồng bè thuộc hàng nhiều nhất xã còn nhờ được nhà nước, trực tiếp là Phòng NN-PTNT huyện Tân Lạc hỗ trợ kịp thời con giống và sắt thép làm lồng nuôi kiên cố", ông Hội bày tỏ.
Cùng ở xóm Ngòi, ông Bùi Văn Nga nuôi 40 lồng cá, mỗi năm thu hoạch được 15 tấn cá các loại, doanh thu ước đạt 900 triệu đồng. Theo ông Nga, nuôi cá lồng ở đây có khá nhiều thuận lợi như nước sông rất sạch, độ sâu và sóng nước thích hợp, không bị ô nhiểm bởi nước thải công nghiệp hoặc nước thải sinh hoạt dân cư, nguồn thức ăn thô xanh dồi dào nên cá nuôi ít cho ăn cám công nghiệp vẫn tăng trọng nhanh.
Để tận dụng tốt nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, ông Nga và các hộ có lồng/bè ở đây đều cơ cấu nuôi từ 30 - 40% cá trắm trắng đặc sản, cho ăn rau cỏ là chủ yếu nhằm giảm chi phí đầu tư, tạo được thuỷ sản hữu cơ, dễ bán được giá cao. Đối với các loại cá diêu hồng, cá chiên, lăng, nheo Mỹ, rô phi..., các hộ cũng chủ yếu cho ăn bột ngô và sắn khô sản xuất tại địa phương nên cá luôn có chất lượng cao vượt trội so với cùng loại nuôi ở nhiều địa phương khác.
Chị Nguyễn Thị Phương Anh ở phường Đội Cấn, Ba Đình (Hà Nội) kể, mỗi lần đi du lịch trên nhánh sông Đà ở xã Suối Hoa, chị đều mua vài chục cân các loại cá lồng về biếu người thân và cho vào tủ lạnh trữ ăn dần vì cá ở đây rất ngon, sạch, thịt chắc, xào, rán không ra nước, ngậy thơm nhưng không béo. Theo chị Anh, đi qua khu vực này, kể cả những người sành ăn, khó tính nhất trong đoàn của chị cũng sẵn sàng xuống tiền mua cá gửi về quê làm quà biếu ông bà, cha mẹ.
Bà Bùi Thị Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Hoa cho biết, nghề nuôi cá lồng hình thành ở đây từ cuối những năm 1980 sau khi hoàn thành xây đập thuỷ điện Hoà Bình. Thoạt đầu chỉ có vài hộ nuôi cá nhỏ lẻ trên sông theo hướng thô sơ và tận dụng, sau thấy hiệu quả sản xuất cao nên các cấp, các ngành trung ương và địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi và hỗ trợ các loại vật tư như con giống, thức ăn, sắt thép xây dựng lồng/bè... nhằm giúp các hộ trên địa bàn đẩy mạnh phát triển nghề nuôi trồng cá lồng trên sông.
Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, xã Suối Hoa được UBND tỉnh Hòa Bình quy hoạch thuộc vùng lõi khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình nên đã tạo ra thị trường tiêu thụ, cung ứng cá lồng bè cho du khách, giúp đẩy mạnh hơn nữa nghề nuôi cá lồng bè.
Lồng bè nuôi cá của hộ dân xóm Ngòi, xã Suối Hoa ngày càng được đầu tư kiên cố. Ảnh: Hải Tiến.
Đến cuối năm 2024, toàn xã có 145 hộ nuôi cá lồng/bè trên sông, tăng 8 hộ và 24 lồng nuôi so với cùng kỳ 2023, quân bình mỗi hộ nuôi từ 4 - 5 lồng cá, một số hộ còn nuôi tới 30 - 40 lồng cá các loại, sản phẩm cơ bản cung ứng trực tiếp cho khách du lịch nên giá bán khá ổn định.
Nằm trong vùng lõi khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, xã Suối Hoa có cảnh quan sơn thuỷ hữu tình, các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên sông và tàu du lịch thường xuyên xuôi ngược tạo nên khung cảnh trên bến dưới thuyền quyến rũ. Nơi đây còn có 03 di tích thắng cảnh cấp quốc gia như Hang Bưng, động Hoa Tiên, động Thác Bờ, có tuyến đường 435 thuận tiện cho giao thương. Bản sắc văn hoá Mường được bảo tồn, phát huy. Nhờ đó điểm du lịch cộng đồng xóm Ngòi đã đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển ngành thủy sản gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá danh lam thắng cảnh.
Ông Đinh Văn Bượng, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Hoa cho biết, nuôi cá lồng trên sông gắn với du lịch sinh thái được coi là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế sẵn có, thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm và cảnh quan du lịch để hình thành thị trường tiêu thụ ổn định các loại cá đặc sản nuôi lồng trên sông, tạo sinh kế bền vững cho nhà nông trong xã.
Cùng với nuôi cá lồng, xã Suối Hoa còn gieo trồng được hơn 700ha lúa và rau màu các loại, trong đó có trên 300ha ngô, 150ha sắn, 80ha mía tím... Đồng thời còn chăn nuôi 45.000 con gia cầm và gần 4.300 con gia súc các loại. Lên Suối Hoa hôm nay, thực khách sẽ có đủ loại thực phẩm đặc sản sạch, cá dưới sông, gà vườn đồi, dê chăn thả trên núi, đặc biệt là khoai sọ lòng vàng thơm ngon nức tiếng.
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã thả nuôi 1.576 ha tôm, đạt sản lượng 4.439 tấn.
Xuất khẩu tôm 11 tháng của năm 2024 mang về gần 3,6 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển.