Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung
Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.
Lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/ha
Nhằm chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng các phương pháp nuôi mới giúp nâng cao năng suất, chất lượng gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện dự án khuyến nông trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Duyên hải miền Trung”. Qua 1 năm triển khai, mô hình mang lại hiệu quả ban đầu hết sức khả quan.
Dự án được triển khai từ năm 2024 đến năm 2026 tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Với vai trò là đơn vị chủ trì, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng trị đã triển khai nuôi, cấp và thả 750.000 con giống tôm sú P15 tại 3 tỉnh với quy mô 3ha của 6 hộ tham gia, mỗi điểm trình diễn được thực hiện tại vùng nuôi tôm mặn, lợ thuộc các xã ven sông, ven biển.
Với quy trình nuôi này, giai đoạn đầu tôm giống được ương trong ao ương có diện tích nhỏ với diện tích từ 150 - 250m2, mật độ ương từ 800 – 1.200 con/m2, môi trường được xử lý tốt nhờ sử dụng men vi sinh, chế phẩm sinh học thường xuyên trong suốt quá trình nuôi giúp tôm khỏe mạnh, mau lớn, đạt tỉ lệ sống cao. Sau khoảng thời gian từ 25 – 30 ngày nuôi ở giai đoạn 1, tôm đạt kích cỡ từ 1.500 – 1.700 con/kg thì tiến hành sang tôm.
Giai đoạn 2 thả nuôi với mật độ 25 con/m2. Trong quá trình chuẩn bị sang tôm, môi trường nước ao nuôi giai đoạn 2 với ao gièo giai đoạn 1 được thuần hóa nhằm đảm bảo các chỉ số môi trường tương đồng nhau nên tôm được sang ra giai đoạn 2 được đảm bảo tỉ lệ sống, phát triển tốt.
Để triển khai thực hiện dự án, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã phối hợp với các địa phương tổ chức 3 lớp tập huấn trong mô hình và 5 lớp tập huấn nhân rộng mô hình với gần 240 hộ tham gia. Qua đó giúp các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn và các vùng lân cận có cơ hội tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật mới áp dụng vào nuôi trồng.
Sau hơn 4 nuôi, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, đạt kích cỡ từ 28 – 30 con/kg. Ảnh: Việt Toàn.
Sau hơn 4 tháng triển khai mô hình, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, đạt kích cỡ từ 28 – 30 con/kg, tỉ lệ sống trên 80%, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 5 tấn/ha, từ đó mang lại lợi nhuận cho các hộ nuôi trên 500 triệu đồng/ha.
Anh Văn Phong Hải ở thôn 10, xã Điền Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết: Gia đình có 4 ao nuôi với diện tích trên 5.000m2, trước đây thả tôm thẻ, vì dịch bệnh nên ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, anh chuyển đổi qua hình thức nuôi tôm sú 2 giai đoạn.
"Áp dụng đối tượng nuôi mới, hình thức nuôi mới 2 giai đoạn môi trường nuôi được bổ sung định kỳ men vi sinh giúp ổn định màu nước, duy trì lượng vi khuẩn có lợi trong ao nuôi nên hạn chế dịch bệnh, cho hiệu quả cao. Hiện tôi đang nhân rộng thêm 3 ao gồm 2 ao thả 30 vạn và 1 ao thả 12,5 vạn con, hiện tôm nuôi phát triển tốt”, anh Hải cho biết.
Hướng chuyển đổi cho vùng nuôi tôm bị dịch bệnh
Ông Lê Vỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết năm 2024, địa phương được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ mô hình 1ha nuôi tôm công nghệ cao 2 giai đoạn. Mô hình giảm được chi phí nuôi. Theo ông Vỹ, hiện xu hướng thị trường giá tôm có chiều hướng tốt, nuôi tôm 2 giai đoạn năng suất, sản lượng rất cao. Thời gian tới xã Vĩnh Giang sẽ tiếp tục quy hoạch vùng nuôi tôm để phát triển công nghệ nuôi tôm 2 giai đoạn trên diện tích 10ha.
Thành công của mô hình mở ra nhiều triển vọng nhân rộng ở các vùng nuôi tôm theo phương thức truyền thồng gặp nhiều rủi ro dịch bệnh. Ảnh: Việt Toàn.
Mô hình triển khai nhằm thay đổi hình thức nuôi từ quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh 1 giai đoạn sang 2 giai đoạn. Áp dụng quy trình nuôi 2 giai đoạn giúp giảm chi phí đầu tư từ 20 – 30% cho tháng nuôi đầu tiên. Mô hình giúp quản lý tốt môi trường, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là hội chứng chết sớm ở tôm; rút ngắn thời gian nuôi, tôm phát triển nhanh; không sử dụng hóa chất, kháng sinh, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng, sản lượng tôm sú, tăng giá trị kinh tế.
Ông Châu Ngọc Phi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Trong quá trình triển khai dự án, cán bộ kỹ thuật khuyến nông Thừa Thiên - Huế thường xuyên phối hợp, hỗ trợ cho người dân trong việc chăm sóc, quản lý, theo dõi, ghi chép tất cả các thông tin về mô hình để tổng hợp, báo cáo cho dự án.
"Với mô hình này, chúng tôi đánh giá đạt hiệu quả bước đầu trong việc đa dạng hóa đối tượng nuôi, đặc biết với các ao nuôi trên cát lâu nay ở tỉnh Thừa Thiên - Huế độc canh tôm thẻ chân trắng gây ô nhiễm, giá cả bấp bênh. Mô hình giúp người dân có thêm sự lựa chọn, việc luân canh, thay đổi đối tượng nuôi giúp nghề nuôi thủy sản trên địa bàn Thừa Thiên - Huế ổn định và bền vững hơn", ông Phi cho hay.
Thông qua mô hình, các hộ dân trong vùng có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi tôm sú thâm canh 02 giai đoạn, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mô hình được người dân đánh giá cao và có nhiều triển vọng mở rộng trong thời gian tới. Ảnh: Việt Toàn.
Trong điều kiện con tôm đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức về tình hình dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, để rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu rủi ro và chi phí thì việc áp dụng quy trình mới, thâm canh hai tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sẽ tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp bà con chuyển đổi sản xuất hiệu quả.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị - ông Phan Văn Phương cho biết, dự án phát triển các mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn là sự hợp tác, cùng đồng hành giữa các bên liên quan như nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp thu mua để hướng đến sự bền vững cho nghề nuôi tôm sú. Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn giúp kiểm soát được tỷ lệ sống, quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm qua từng giai đoạn, giảm thiểu chi phí trong vụ nuôi, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh do biến động môi trường.
"Những năm tiếp theo, trên cơ sở hiệu quả bước đầu của dự án, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này nhằm đánh giá hiệu quả để nhân rộng cho bà con, từ đó giúp bà con nuôi trồng thủy sản thay đổi tư duy, cách làm trong việc lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp tại mỗi thời điểm, hình thức nuôi, phương pháp nuôi nhằm nuôi tôm sú hiệu quả, ổn định, bền vững", ông Phan Văn Phương cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Ngành nông nghiệp đang đi phục hồi dinh dưỡng đất; thủy sản cũng đã bắt đầu đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi, Cục trưởng Trần Đình Luân nói.
Theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã thả nuôi 1.576 ha tôm, đạt sản lượng 4.439 tấn.
Xuất khẩu tôm 11 tháng của năm 2024 mang về gần 3,6 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.