Một số yêu cầu trong chăn nuôi gà hữu cơ
Chăn nuôi hữu cơ tập trung vào việc nâng cao điều kiện sống của vật nuôi và làm tăng khả năng miễn dịch của chúng. Muốn vậy, cần phải bắt đầu từ tạo, chọn giống đến chăm sóc nuôi dưỡng phải đạt các tiêu chuẩn tối ưu: đủ không gian, ánh sáng, không khí, chuồng khô ráo, sạch sẽ, vật nuôi được vận động thường xuyên, được vệ sinh phù hợp.
1. Vị trí, điều kiện về chuồng trại và bãi chăn thả
1.1. Vị trí khu vực chăn nuôi
- Khu vực chăn nuôi được khoanh vùng, có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với các khu vực khác.
- Vị trí khu vực chăn nuôi ở khu cao ráo, dễ thoát nước, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện.
- Phải có nơi chứa phân, ủ phân, chất thải rắn, có hố xử lý chất thải lỏng đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.
1.2. Điều kiện về chuồng trại, bãi chăn thả
* Chuồng nuôi gà phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Phải được thiết kế phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi của gà và mục đích sản xuất; Phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu vùng miền để gà phát triển tốt nhất.
- Không xây chuồng gà chung với chuồng gia súc, gia cầm khác.
- Thông gió tốt, đảm bảo lưu thông không khí và có sự tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng tự nhiên, thuận lợi trong việc cho ăn, uống, vận động của gà; giữ nhiệt, đảm bảo ấm vào mùa Đông, thoáng mát vào mùa Hè.
- Chuồng nuôi gà có kết cấu chắc chắn. Có thể dùng rơm rạ, vỏ bào, cát khô làm độn chuồng.
- Tường, nền chuồng và rãnh thoát nước đảm bảo dễ vệ sinh.
* Bãi chăn thả: Thông thường diện tích ít nhất bằng 2 diện tích chuồng nuôi. Bãi chăn thả cần phẳng và có độ dốc để dễ thoát nước, dễ vệ sinh.
* Diện tích chuồng trại, bãi chăn thả
Chuồng cố định: Trong chuồng: 10 gà/m2; Ngoài trời: 1 gà/4m2.
Chuồng di động: Trong chuồng: 16 gà/m2; Ngoài trời: 2,5 m2/con.
Chăn thả tự do ngoài trời: Mật độ nuôi tối đa trên 1 ha không quá 580 con.
2. Tiêu chuẩn giống gà chăn nuôi hữu cơ
Trong các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh để duy trì sức khỏe tốt cho gà, việc lựa chọn giống phù hợp với điều kiện địa phương là vô cùng quan trọng. Các giống gà truyền thống trong trang trại, sẵn có ở địa phương có thể là điểm xuất phát tốt đối với công tác gây giống trong chăn nuôi hữu cơ. Con giống có thể được lựa chọn theo từng cá thể phù hợp đặc biệt với điều kiện canh tác hữu cơ.
Con giống cũng có thể được lai tạo giữa giống truyền thống của địa phương có khả năng thích ứng tốt với môi trường với các giống mới năng suất, chất lượng cao nhằm tạo ra con lai mang những đặc điểm mới nổi trội hơn, đáp ứng tốt hơn trong môi trường hữu cơ. Để gây giống, chăn nuôi hữu cơ sử dụng kỹ thuật sinh sản tự nhiên là chính.
* Giống gà phải đảm bảo yêu cầu, bao gồm:
- Giống thích nghi với điều kiện ở địa phương, ưu tiên sử dụng các nguồn giống bản địa như: gà ri, gà Đông tảo, gà Hồ, gà Mía, gà H’Mông, gà ác, gà tre, gà Lương Phượng…, và các con lai đã thích nghi;
- Giống gà phải khỏe mạnh và có khả năng kháng bệnh;
- Không có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc các vấn đề về sức khỏe;
- Không dùng kỹ thuật ghép phôi và xử lý sinh sản bằng hoóc môn;
- Không dùng kỹ thuật gen trong việc nhân giống;
* Giống gà phải do cơ sở sản xuất giống phù hợp với tiêu chuẩn này hoặc phải là con của các cặp ông bà, bố mẹ hoặc đàn hạt nhân được nuôi dưỡng suốt đời trong hệ thống chăn nuôi hữu cơ. Không được chuyển đổi qua lại gà nuôi giữa khu vực chăn nuôi hữu cơ và khu vực chăn nuôi không theo phương pháp hữu cơ.
* Nếu không có sẵn giống gà hữu cơ theo tiêu chuẩn trên thì có thể sử dụng gà nuôi thông thường để chăn nuôi hữu cơ từ trước 3 ngày tuổi.
3. Quản lý thức ăn cho gà
Cần đảm bảo đầy đủ cả về số lượng và chất lượng thức ăn cho gà theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ, phù hợp đối tượng, lứa tuổi nhằm phát huy tối đa khả năng sinh trưởng và phát triển của gà. Nên được cung cấp mức tối ưu 100 % thức ăn hữu cơ cho gà, kể cả thức ăn trong thời kỳ chuyển đổi. Trong thời gian chuyển đổi, sử dụng tỷ lệ thức ăn hữu cơ không ít hơn 65% (tính theo khối lượng chất khô).
* Các chất sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phụ gia thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
- Tiêu chí chung: Chỉ sử dụng các chất trong danh mục trong phụ lục B (TCVN 11041-3:2017) và đáp ứng các quy định hiện hành về an toàn. Các chất nêu trên cần thiết để duy trì sức khoẻ và quyền vật nuôi.
- Các chất này phải: Góp phần vào chế độ ăn thích hợp, đáp ứng nhu cầu về sinh lý và tập tính của vật nuôi. Không sử dụng các loại thức ăn biến đổi gen như: ngô biến đổi gen, đỗ tương biến đổi gen,...
- Chủ yếu có nguồn gốc từ thực vật, khoáng chất hoặc động vật.
* Tiêu chí đối với nguyên liệu phối trộn thức ăn và các chất dinh dưỡng:
- Thức ăn có nguồn gốc thực vật từ các nguồn không hữu cơ chỉ được dùng trong danh mục quy định và chúng được sản xuất không dùng các dung môi hóa học hoặc xử lý bằng hóa chất;
- Thức ăn có nguồn gốc từ khoáng chất, các nguyên tố vi lượng, vitamin, tiền chất vitamin được dùng có nguồn gốc tự nhiên từ sữa và các sản phẩm sữa, thủy sản và sản phẩm thủy sản;
- Không được dùng các hợp chất nitơ tổng hợp hoặc nitơ phi protein.
* Tiêu chí đối với các chất phụ gia và các chất hỗ trợ chế biến (chỉ sử dụng các chất có nguồn gốc tự nhiên):
- Chất liên kết, chất chống vón cục, chất nhũ hóa, chất ổn định, chất làm đặc, chất hoạt động bề mặt, chất đông tụ;
- Chất chống oxy hóa;
- Chất bảo quản;
- Chất tạo màu, chất tạo hương, chất kích thích ngon miệng;
- Probiotic, enzym và vi sinh vật: được phép dùng;
- Thuốc kháng sinh, thuốc trị cầu trùng, thuốc trị bệnh, chất kích thích tăng trưởng hoặc bất cứ chất nào nhằm kích thích sinh trưởng hoặc kích thích sinh sản đều không được dùng.
- Có thể sử dụng nấm men, enzym, đường, các sản phẩm đường và mật ong làm phụ gia và chất hỗ trợ chế biến để ủ chua, các chất này không được có nguồn gốc từ các sinh vật biến đổi gen.
4. Quản lý sức khỏe của gà
* Một số nguyên tắc quản lý sức khỏe vật nuôi
- Chọn giống gà thích hợp. Áp dụng các biện pháp thực hành chăn nuôi phù hợp với yêu cầu đối tượng vật nuôi, tăng cường sức đề kháng và khả năng phòng bệnh. Dùng thức ăn hữu cơ có chất lượng tốt, kết hợp với việc cho gà vận động để tăng miễn dịch tự nhiên.
- Đảm bảo mật độ nuôi, đủ không gian, ánh sáng và độ thông thoáng. Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Nên tiến hành chăn thả luân phiên càng nhiều càng tốt. Việc chăn thả luân phiên làm cho các mầm bệnh tồn tại nhưng ở mức độ thấp, hạn chế bệnh cho vật nuôi. Đảm bảo chất lượng và số lượng thức ăn chăn nuôi có một tầm quan trọng quyết định đối với sức khỏe của vật nuôi.
* Dùng thuốc thú y
- Thực hiện phòng bệnh bằng vắc xin đối với các bệnh không kiểm soát được bằng các biện pháp quản lý.
- Nếu vật nuôi bị bệnh, ưu tiên điều trị bệnh bằng các loại thảo dược. Trong trường hợp thảo dược này không hoặc kém tác dụng thì sử dụng các loại thuốc tổng hợp theo chỉ định của cán bộ thú y với thời gian thải trừ thuốc gấp 2 lần hướng dẫn của nhà sản xuất và trong mọi trường hợp tối thiểu là 48 giờ.
* Trong chăn nuôi hữu cơ nhấn mạnh đến công tác phòng ngừa bệnh để giữ vật nuôi khỏe mạnh hơn là điều trị bệnh. Chăn nuôi hữu cơ tập trung vào việc nâng cao điều kiện sống của vật nuôi và làm tăng khả năng miễn dịch của chúng. Muốn vậy, cần phải bắt đầu từ tạo, chọn giống đến chăm sóc nuôi dưỡng phải đạt các tiêu chuẩn tối ưu: đủ không gian, ánh sáng, không khí, chuồng khô ráo, sạch sẽ, vật nuôi được vận động thường xuyên, được vệ sinh phù hợp.
Khi tất cả các biện pháp phòng ngừa này được thực hiện tốt thì gà rất ít nhiễm bệnh. Vì vậy, điều trị thú y chỉ đóng vai trò thứ yếu trong chăn nuôi hữu cơ.
Có thể bạn quan tâm
Ông Phạm Tấn Tài, sinh năm 1977, ấp Phú Thạnh, xã Phú Ngãi (nay là Phước Ngãi), huyện Ba Tri chăn nuôi bò sữa được 7 năm, tạo thu nhập phát triển kinh tế.
Tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp (KN&TVDVNN) phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giá chuối, sầu riêng tại các nhà vườn đang tăng 20-100% so với cách đây hai tháng nhờ "rộng cửa" sang Trung Quốc.