Chuối, sầu riêng tăng giá mạnh
Ghi nhận của P.V cho thấy, chuối bán tại nhà vườn Đồng Nai và các tỉnh phía Bắc đang ở mức 13.500-14.000 đồng một kg, tăng gấp đôi so với hai tháng trước. Giá sầu riêng ở Cái Bè (Tiền Giang) cũng dao động 80.000-85.000 đồng một kg, tăng 22% so với tháng 10 (lúc giá xuống thấp).
Anh Thành - nhà vườn ở Đồng Nai - cho biết hơn tuần nay, giá chuối liên tục được thương lái báo tăng. "Giá chuối đã tăng gấp đôi so với trước đây giúp người trồng có lãi 5.000-6.000 đồng mỗi kg", anh Thành nói.
Sở hữu hai ha sầu riêng ở Tiền Giang, anh Toàn cho rằng đây là năm đầu tiên bán hàng cho thương lái với giá cao kỷ lục. "Hơn tháng nay, sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP của chúng tôi được các thương lái lùng mua. Giá mỗi kg lên đến 80.000 đồng - mức cao nhất 5 năm qua", anh Toàn nói.
Báo cáo của các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cho thấy, giá thu mua sầu riêng giống Ri6, khổ hoa xanh, chuồng bò giá đều trên 80.000 đồng một kg, còn Monthong 95.000-100.000 đồng. Đối với sầu riêng loại 2 hoặc 3, giá bán để tiêu thụ nội địa khoảng 50.000 đồng một kg.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cũng cho biết, giá trái cây liên tục biến động trong tháng gần đây. Ngoài chuối, sầu riêng tăng cao, thanh long đỏ đang được bán với giá 22.000 đồng một kg, hàng ruột trắng là 16.000 đồng. Ngoài ra, xoài cát, chôm chôm nhãn cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa cho trái sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch, công ty này đã xuất được hơn 1.000 tấn sang nước này. Hiện nhu cầu tại thị trường Trung Quốc vẫn tăng cao và giá hấp dẫn nhưng nguồn cung để xuất khẩu chính ngạch còn khiêm tốn.
Tương tự, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cho hay, cuối tháng 10, Nghị định thư xuất khẩu quả chuối tươi chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết đã tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, mùa đông nhu cầu sử dụng chuối tại Trung Quốc tăng cao, trong khi diện tích thu hoạch tại nước này bị ảnh hưởng thời tiết nên họ tăng cường nhập khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - cũng cho rằng có hai nguyên nhân chính giúp giá trái cây liên tục tăng cao. Thứ nhất là nhờ Trung Quốc mở cửa thị trường xuất khẩu và tăng nhập cho nhu cầu Tết. Thứ hai, Việt Nam vừa ký hàng loạt nghị định thư xuất khẩu sang nước này với các nông sản như chuối, sầu riêng khiến sức mua nông sản tăng mạnh. Ngoài ra, nguồn cung mặt hàng này trong nước giảm do ảnh hưởng thời tiết cũng khiến giá liên tục đi lên.
Các chuyên gia dự báo tháng cuối năm và quý I/2023, giá những nông sản này sẽ còn tăng khi nhu cầu cho dịp lễ, Tết Nguyên đán năm nay tăng mạnh. Đặc biệt, thời gian tới, nếu Việt Nam thực hiện tốt nội dung của Nghị định thư giúp giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, thông quan nhanh, xuất khẩu nông sản sẽ đạt nhiều kết quả khả quan.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, diện tích chuối cả nước khoảng 154.000 ha, sản lượng hơn 2,3 triệu tấn (chiếm khoảng 14,5% về diện tích cây ăn quả cả nước). Tại phía Bắc, diện tích chuối ước đạt 70.000 ha, sản lượng 1,2 triệu tấn; toàn miền Nam có 83.800 ha, sản lượng 1,1 triệu tấn. Trong thời gian tới, Cục Trồng trọt định hướng phát triển khoảng 165.000-175.000 ha chuối, sản lượng 2,6-3 triệu tấn.
Còn sầu riêng, tổng diện tích cả nước lên đến 90.000 ha với sản lượng hàng năm khoảng 1,3 triệu tấn quả. Trong đó, mới có gần 3.000 ha, khoảng 68.000 tấn sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ông Phạm Tấn Tài, sinh năm 1977, ấp Phú Thạnh, xã Phú Ngãi (nay là Phước Ngãi), huyện Ba Tri chăn nuôi bò sữa được 7 năm, tạo thu nhập phát triển kinh tế.
Tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp (KN&TVDVNN) phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.