Một số thông tin mới về thị trường rau củ và gia vị thế giới
Tỏi
Thị trường tỏi Trung Quốc trầm lắng suốt mấy năm qua do dư cung, vì vậy diện tích trồng loại cây này đã giảm khoảng 20 - 30%. Tuy nhiên, nhờ cải tiến công nghệ và sử dụng phân bón hợp lý, chất lượng và năng suất tỏi đều tăng lên. Do đó, tổng sản lượng tỏi Trung Quốc mùa này hầu như không thay đổi so với năm ngoái.
Sắp tới Quốc khánh Trung Quốc nên hầu hết các doanh nghiệp và thương gia đều tạm ngừng giao dịch vì đó là giai đoạn thường thiếu nhân lực để sơ chế, đóng gói, vận chuyển… Dự báo sau Quốc khánh, thị trường tỏi sẽ sôi động khi các doanh nghiệp tăng cường chào bán tỏi.
Hành tây
Giá hành tây trên thị trường thế giới đang tăng mạnh vì Ấn Độ, nước xuất khẩu hành lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu mặt hàng này bởi mưa lớn kéo dài khiến cho vụ thu hoạch bị trì hoãn và nguồn cung trở nên khan hiếm.
New Delhi vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu hành tây từ Ấn Độ, sau khi giá mặt hàng này trong nước tăng lên đến 4.500 rupee (63,3 USD) mỗi 100 kg, mức giá cao nhất trong gần 6 năm qua.
Kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu hành, Bangladesh – thị trường xuất khẩu hành chủ chốt của Ấn Độ - đã chuyển hướng sang các nước cung cấp khác như Myanmar, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc để gia tăng nguồn cung nhằm kéo giá hành tây đi xuống. Tuy nhiên, rất khó để thay thế sản lượng thiếu hụt khổng lồ.
Nhu cầu đối với nguồn cung thay thế lớn khiến nhiều nước như Sri Lanka đã đặt hàng với Ai Cập và Trung Quốc. Giá hành tây ở Sri Lanka đã tăng 50% chỉ trong một tuần. Trong khi đó, nhiều nước khác hầu như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chờ đợi.
Malaysia, nước đứng thứ hai về nhập khẩu hành tây từ Ấn Độ, hy vọng lệnh cấm trên chỉ là tạm thời và cho rằng không cần phải quan ngại quá mức về tình hình hiện nay. Tuy nhiên, kể cả Ấn Độ cũng đang phải nhập khẩu hành tây từ Ai Cập nhằm bình ổn giá.
Theo Cơ quan xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm chế biến và nông sản Ấn Độ, nước này xuất khẩu 2,2 triệu tấn hành tươi trong tài khóa 2018/19, kết thúc vào ngày 31/3 vừa qua. Khối lượng này lớn hơn 50% tổng lượng hành tây nhập khẩu của các nước Châu Á. Mohammad Idris, một thương gia ở Dhaka (Bangladesh) cho biết, đó là lý do khiến giá hành tây đang tăng lên ở châu Á và châu Âu. Ông cũng cho biết, các nước xuất khẩu khác đang tận dụng lệnh cấm này của Ấn Độ để nâng giá chào bán.
Tuy nhiên, việc vận chuyển từ các nơi khác như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều khá lâu. Theo ông Idris, việc vận chuyển từ Ai Cập phải mất một tháng, còn từ Trung Quốc mất khoảng 25 ngày, trong khi vận chuyển từ Ấn Độ chỉ mất vài ngày.
Ông Ajit Shah, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu hành tây ở Mumbai cho rằng giá sẽ không giảm đáng kể trước khi hành tây vụ mùa này bắt đầu được tung ra thị trường.
Thời điểm này được dự đoán sẽ vào khoảng giữa tháng 11/2019, đồng nghĩa rằng lệnh cấm xuất khẩu hành tây nói trên của Ấn Độ sẽ không sớm được dỡ bỏ.
Khoai tây
Từ cuối tháng 8, giá khoai tây cỡ nhỏ ở bắc Trung Quốc đã tăng vọt từ 500 CNY/tấn ban đầu lên khoảng 700 CNY/tấn.
Giá khoai tây cỡ nhỏ dùng để chế biến tinh bột ở miền Bắc Trung Quốc hiện đã lên tới 700 CNY/tấn, tăng rất mạnh so với khoảng 500 CNY/tấn cùng kỳ năm 2018. Giá khoai tây Atlantic và Shepody thậm chí còn cao hơn đạt gần 800 CNY/tấn, cao kỷ lục trong 20 năm qua.
Giá khoai tây cỡ nhỏ tăng cao là do thời tiết ở miền Bắc Trung Quốc năm nay thuận lợi, ít sâu bệnh nên năng suất trung bình cao và sản lượng khoai tây cỡ lớn cũng tăng; chi phí chuyên chở tăng (bởi thiếu phương tiện vận tải do các chính sách bảo vệ môi trường và kiểm soát đường bộ để chuẩn bị cho Ngày Quốc khánh lần thứ 70 ở Trung Quốc); diện tích trồng và tổng sản lượng ở Trung Quốc đều giảm, nhất là ở miền Bắc Trung Quốc, nơi diện tích trồng thấp hơn khoảng 20%. Khi nguồn cung nguyên liệu chế biến tinh bột bị thắt chặt, giá tăng theo.
Do giá tinh bột khoai tây vốn đã cao trong khoảng thời gian từ đầu năm đến tháng 8 do nhu cầu rất lớn nên khi đến mùa thu hoạch khoai tây thì nhiều công ty tinh bột đã đổ xô đi mua nguyên liệu với giá cao, dẫn đến giá vẫn ở mức cao.
Cà chua
Giá cà chua tại Trung Quốc tăng đột biến trong những ngày qua. Tại thị trường Liêu Ninh, ngày 26/9, giá cà chua đạt 2,4-4 CNY/kg, tăng hơn 113,33% so với ngày 25/9. Nguyên nhân do nguồn cung không nhiều.
Bởi các chính sách liên quan đến ngày Quốc khánh, nguồn cung tại chợ bán buôn Xinfadi (Bắc Kinh) giảm đẩy giá tăng 81,6% trong tuần này. Giá cà chua biến động mạnh tại chợ Wanbang ở Hà Nam, bởi có những ngày tăng mạnh nhưng cũng có phiên giảm sâu, chẳng hạn như ngày 26/9 giảm 15% so với 25/9.
Các khu vực phía Tây Nam gần đây đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Giá tại nơi sản xuất tăng lên và nguồn cung đã giảm, dẫn đến thị trường cà chua biến động mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện tự nhiên… nên lươn được nhiều hộ dân ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp chọn nuôi để phát triển kinh tế
Áp dụng quy trình VietGap, nhãn của Sơn La đã đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, đảm bảo sản phẩm chất lượng và an toàn.
Hiện nay tại nhiều làng hoa đã xuất hiện ngày càng nhiều nghệ nhân hoa kiểng, những người thổi hồn vào cây cảnh, làm cho cây cảnh tăng thêm giá trị thẩm mỹ