Mô hình nuôi lươn tạo sinh kế cho nông dân vùng biên
Dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện tự nhiên… nên lươn được nhiều hộ dân ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp chọn nuôi để phát triển kinh tế gia đình trong những năm gần đây.
Anh Nguyễn Thanh Khắc (bên phải) thu hoạch trứng lươn để ép lươn giống.
Trở về quê hương sau những năm dài thuê đất trồng lúa mà vẫn “tay trắng”, anh Nguyễn Thanh Khắc, ngụ ấp 2, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự bắt tay khởi nghiệp lại với mô hình nuôi lươn. Mặc dù thời gian đầu do thiếu kinh nghiệm nên vụ lươn đầu tiên của anh bị hao hụt khá nhiều, tuy nhiên sau từng vụ nuôi rút tỉa kinh nghiệm đến nay mô hình nuôi lươn không những giúp gia đình anh Khắc phát triển kinh tế ổn định mà vươn lên khá giả với vật nuôi này.
“Khoảng 10 năm trước tôi trở về quê nhà thấy nhiều anh em trong xóm phát triển mô hình nuôi lươn hiệu quả, nên tôi cũng gom vốn liếng để nuôi lươn. Vụ đầu tôi mua khoảng 300 lươn giống được săn bắt từ tự nhiên về nuôi. Song do không có kinh nghiệm nuôi và chọn mua nguồn lươn giống không chất lượng nên vụ đó tỷ lệ hao hụt trên 70%. Dù thất bại nhưng qua vụ mùa đầu tiên tôi cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm, từ đó mà các mùa vụ sau lươn không còn hao hụt nhiều. Hiện gia đình tôi có 19 hồ xi măng chuyên dụng dùng để nuôi lươn thương phẩm và lươn giống. Doanh thu mỗi năm từ nghề nuôi lươn của gia đình khoảng 200 triệu đồng, trừ hết các khoản chi phí đầu tư, lợi nhuận mỗi năm cũng khoảng 150 triệu đồng.” - anh Khắc phấn khởi.
Đến vùng biên giới Thường Phước 1, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên bởi công việc chăn nuôi lươn không chỉ dành cho cánh “mày râu”, mà công việc chăm sóc vật nuôi này được nhiều chị em phụ nữ đảm nhận. Gắn bó với nghề nuôi lươn được 7 năm, bà Phạm Thị Nhôm, ngụ ấp 2, xã Thường Phước 1, tâm sự: “Nhờ mấy hồ lươn của tôi kinh tế ổn rất nhiều so với 10 công đất canh tác lúa của chồng tôi. Nuôi lươn không khó vì không phải đòi hỏi nhiều kỹ thuật như những vật nuôi khác. Thông thường lươn chỉ bị một vài bệnh như: Phù đầu, lở loét… nhưng nuôi lâu có kinh nghiệm thì sẽ kiểm soát được hết. Ở đầu nguồn lượng cá tạp và ốc bươu vàng khá dồi dào mà con lươn lại rất ưa mấy món này, chị em phụ nữ chỉ cần bỏ công một chút là có thể nuôi lươn được. Từ ngày nuôi lươn mà kinh tế gia đình của tôi cũng “dễ thở” hơn trước rất nhiều”.
Khoảng 2 năm trở lại đây giá lươn thương phẩm khá cao và ổn định nên nhiều hộ dân ở khu vực biên giới cũng mạnh dạn cải tạo diện tích xung quanh nhà để phát triển nuôi lươn. Hiện giá lươn thương phẩm loại I được thương lái thu mua có giá dao động từ 230.000-250.000 đồng/kg, cao hơn cách đây 2 năm khoảng 100.000 đồng/kg. Theo nhiều thương lái, lươn thương phẩm sau khi được thu mua tại địa phương sẽ được tiêu thụ tại các nhà hàng ở những thành phố lớn của khu vực ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.
Theo thống kê của UBND xã Thường Phước 1, hiện nay trên địa bàn xã có trên 80 nuôi lươn thương phẩm. Nghề nuôi lươn phát triển ở địa phương đã được gần 8 năm trở lại đây, từ hiệu quả kinh tế trong những năm qua cho thấy mô hình nuôi lươn bước đầu giúp nhiều gia đình, thoát nghèo, ổn định kinh tế. Ông Phạm Hồng Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, cho biết: Mô hình nuôi lươn phát triển ở địa phương đã nhiều năm nay, tuy nhiên bên cạnh những hộ chăn nuôi hiệu quả thì vẫn còn một số hộ do thiếu kinh nghiệm nên chăn nuôi không hiệu quả. Nhận thấy thời gian gần đây, nhu cầu của thị trường về lươn thương phẩm khá cao, giá lươn thương phẩm ổn định, vì vậy UBND xã đã mạnh dạn đề xuất với UBND huyện Hồng Ngự cho thành lập Hội Quán nuôi lươn trên địa bàn xã. Mục đích của việc thành lập Hội Quán nuôi lươn là góp phần giúp cho bà con trên địa bàn xã có được nơi để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm nuôi lươn. Ngoài ra, thông qua Hội Quán nuôi lươn UBND xã cũng có kết nối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp để mở các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình nuôi lươn bài bản cho bà con có nhu cầu nuôi lươn trên địa bàn xã.
Nhận thấy triển vọng mà mô hình nuôi lươn mang lại, ngành nông nghiệp huyện Hồng Ngự cũng hỗ trợ nông dân xây dự mô hình chăn nuôi lươn sinh sản. Đây là mô hình được nhiều hộ chăn nuôi lươn của địa phương đặt nhiều kỳ vọng bởi nếu mô hình này hiệu quả sẽ giúp người nuôi lươn vùng biên giới giải quyết được bài toán khan hiếm lươn giống tự nhiên hiện nay. Bên cạnh đó, thông qua mô hình sản xuất lươn giống, ngành nông nghiệp địa phương cũng mong muốn bước đầu giúp nông dân giảm bớt chi phi sản xuất, từng bước tổ chức sản xuất, xây dựng mô hình nuôi lươn thành một chuỗi khép kín.
Có thể bạn quan tâm
Thụ tinh nhân tạo có ưu điểm, là chất lượng con giống được nâng lên rõ rệt, nguồn con giống được kiểm soát, hạn chế tối đa lây lan bệnh tật
Trước tình hình hạn hán kéo dài tại tỉnh Gia Lai, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp đồng bộ và có tính dài hạn để giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng
Nhằm đáp ứng nhu cầu cải tạo vườn tạp, chuyển sang chuyên canh các loại cây đặc sản, nhiều cơ sở cây giống ở Chợ Lách, Bến Tre đã không ngừng tìm kiếm giống