Một số lưu ý khi chăm sóc heo con theo mẹ
Heo con sau khi được sinh ra tự nhiên có khả năng thích ứng chống chọi với các yếu tố như nóng, lạnh, gió, ẩm độ,..... Tuy nhiên sức đề kháng của heo con lúc này còn yếu nên cần phải có biện pháp hỗ trợ thích hợp, do đó bà con chăn nuôi cần thực hiện một số biện pháp chăm sóc heo con cụ thể như sau:
Thứ nhất, nơi heo mẹ nằm đẻ cần trải một lớp rơm dầy để heo con khi đẻ ra không bị va đập mạnh trên nền chuồng. Ngay sau khi đón heo con lọt lòng cần nhanh chóng lau khô bằng khăn sạch, tốt nhất nên dùng bột lăn như bột Mistral, bột Advance Dry,… để vừa sát trùng vừa làm khô nhớt và làm ấm heo con vì trong các chế phẩm này thường có các chất chiết xuất thực vật kích thích mao quản lớp biểu bì heo con lưu thông mạnh (như dầu khuynh diệp, dầu tràm,…). Lưu ý không nên cắt hay bứt cuống rốn, chỉ cột rốn và sát trùng khi cuốn rốn đã tự đứt. Sát trùng rốn cần làm 2 lần/ngày bằng cồn i-ốt.
Thứ hai, cần ủ ấm ngay cho heo con. Thời gian đốt đèn trong ổ úm tùy vào nhiệt độ môi trường bên ngoài, thường là 10-15 ngày. Độ cao đặt bóng đèn đến đầu heo con ít nhất 30 cm, thông thường chỉ cần 1 bóng đèn 75 watt cho 1 ổ úm. Ổ úm cần được che chắn kỹ, không để mưa tạt, gió lùa, dù vậy cũng không nên quá kín để có độ thông thoáng.
Thứ ba, cắt đủ 8 răng sữa của heo con trước khi thả heo con vào ổ úm, cần cắt sát nướu để tránh trầy bầu vú heo mẹ khi heo con bú.
Thứ tư, heo con cần được bú sữa đầu ngay sau khi đi đứng cứng cáp, nếu để lâu quá heo con sẽ bị mất sức vì đói, dễ bị cứng hàm và mất phản xạ mút bú. Những con có trọng lượng nhỏ nên cho bú các vú phía trước (nhiều sữa hơn các vú phía sau). Không nên thả heo con thường xuyên bên mẹ để tránh rủi ro heo mẹ đè chết heo con, ngoại trừ trường hợp nuôi lồng có thanh chắn.
Phản xạ mút bú của heo con bao gồm 3 giai đoạn: Nhồi vú mẹ khoảng 50-60 giây, mút bú khoảng 20-30 giây, bú vét khoảng 30 giây; qua đó người nuôi có thể biết nái có đủ sữa hay không là giai đoạn mút bú hay còn gọi là xuống nắn, lúc này toàn bộ heo con đều cong đuôi lên và mút vú mẹ, đồng thời heo mẹ kêu "ịt ịt" liên tục. Khi có heo con nào nhồi vú mẹ tiếp tức là giai đoạn mút bú chấm dứt; giai đoạn này phải trên 20 giây thì mới đảm bảo đủ sữa cho bầy con. Số lần bú trong ngày đầu tiên đối với heo con khoảng 25 lần, các ngày sau giảm dần. Khi tập ăn cho heo con để chuẩn bị cai sữa cần lưu ý tuyệt đối không cho ăn quá nhiều trong mỗi cử ăn vì dễ dẫn tới bệnh sưng mắt phù đầu.
Thứ năm, heo con 5-7 ngày tuổi bắt đầu mọc răng, nên tập ăn cho heo con lúc này là phù hợp để tránh hiện tượng heo con ngứa nướu thường cắn vú mẹ gây trầy xước dẫn tới hiện tượng viêm vú. Hơn nữa, tập ăn sớm để có thể mau cai sữa. Tập cho heo con ăn bằng cách trét một ít thức ăn vào vú mẹ trước khi bú để heo con quen dần và tạo phản xạ có điều kiện hoặc tạo tiếng động (như gõ vào thành chuồng) tạo thành thói quen cho heo con để khi rãi thức vào máng và thực hiện các động tác như trên thì heo con sẽ tới máng để ăn. Lượng thức ăn tập ăn mỗi ngày cho heo con 7-13 ngày tuổi khoảng 5 gram/con, 14-20 ngày tuổi khoảng 20 gram/con, 21-27 ngày tuổi khoảng 45 gram/con.
Thứ sáu, không nên tắm cho heo con quá sớm, nếu thời tiết nắng nóng có thể dùng giẻ lau nước ấm. Chỉ nên tắm cho heo con sớm lắm là 20 ngày tuổi và thời gian tắm không kéo dài để tránh heo bị cảm lạnh.
Thứ bảy, cần tiêm phòng vắc-xin cho heo con đầy đủ đối với các bệnh quan trọng như: Dịch tả, Tai xanh, Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Suyễn, Phó thương hàn. Về tự nhiên bất kỳ heo con nào cũng đều thiếu chất sắt để tạo máu; do đó cần tiêm các sản phẩm bổ sung sắt, hoặc tiêm vào lúc 3 và 10 ngày tuổi nếu sử dụng loại thuốc chứa 100 mg sắt/1ml, hoặc tiêm 1 lần vào lúc 3 ngày tuổi nếu dùng loại thuốc chứa 200mg/1ml. Tiêm sắt bằng đường tiêm bắp và tiêm theo chiều từ trên xuống để tránh thuốc chảy ngược trở ra, xoa đều nơi tiêm sau khi rút kim.
Thứ tám, cần cung cấp nước uống sạch, đầy đủ, thường xuyên và đặt gần máng ăn để heo con dễ nhận biết.
Thứ chín, đối với heo đực, nên thiến lúc 7-10 ngày tuổi vì dễ thực hiện và mau lành. Khi thiến chỉ cần rạch 1 vết ở ngay giữa bao chứa 2 dịch hoàn, sau đó lách sang 2 bên phía trong rạch tiếp và nặn dịch hoàn ra; sau đó rắc bột kháng sinh và chấm cồn i-ốt để sát trùng./.
Có thể bạn quan tâm
Việc thuần hóa heo rừng, lai tạo với heo bản địa đang được nhiều trang trại và các cơ sở chăn nuôi ứng dụng và ông Nguyễn Hữu Thuận là một điển hình
Trong chăn nuôi heo lâu nay, bà con chăn nuôi đã sử dụng khá phổ biến các loại chế phẩm thường được gọi là "men tiêu hóa" nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn
Trong chăn nuôi heo nái, việc đảm bảo số lượng heo sơ sinh và sức khỏe của nái là khâu rất quan trọng vì nó quyết định rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi.