Trang chủ / Cây ăn trái / Bưởi

Một Số Biện Pháp Phòng, Chống Sâu Đục Trái Bưởi

Một Số Biện Pháp Phòng, Chống Sâu Đục Trái Bưởi
Ngày đăng: 02/04/2013

Thời gian gần đây, sâu đục trái bưởi xuất hiện và gây hại nhiều vùng ở các tỉnh ĐBSCL. Tại nhiều tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu đặc điểm hình thái, sinh học, tập quán sinh sản và đưa ra biện pháp hỗ trợ nhà vườn ngăn chặn dịch hại này.

Một số nông dân đã tự nghiên cứu cách quản lý sâu đục trái bưởi ngay trên mảnh vườn nhà. Bước đầu, công việc này đạt kết quả khả quan nhưng thực tế hiện nay, sâu vẫn tiếp tục phát triển mạnh và lây lan diện rộng, nhiễm sang cây có múi khác. Trong khi chờ đợi một qui trình đạt chuẩn hiệu quả để phòng trị, hạn chế lây lan, chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp tạm thời của các nhà khoa học để xử lý sâu đục trái bưởi.

TS Nguyễn Văn Huỳnh - Trường Đại học Cần Thơ: Nuôi dưỡng thiên địch trong vườn bưởi

Khác với loại sâu đục trái vỏ thường tạo u ngoài vỏ làm mất giá trị thương phẩm, loại sâu mới này đục luôn vào trong trái, từ trái non cho tới trái chín, gây hại rất lớn đến năng suất và thương phẩm bưởi da xanh. Trước mắt, để giảm thiệt hại và hạn chế lây lan, bà con có thể áp dụng 5 cách. Theo dõi sự gia tăng mật số và lây lan trên bưởi và các loại cây có múi khác để có thông tin kịp thời.

Giới hạn khả năng gây hại bằng cách thu nhặt trái rụng do bị sâu đục và chôn để tiêu diệt sâu còn bên trong. Xử lý thuốc một cách an toàn các trái bị đục, tỉa trái và bao lại. Nên dùng các loại thuốc chuyên trị đối với sâu và ít độc đối với thiên địch. Tỉa cành và trái để cây bưởi ra hoa đồng loạt, tránh xen canh với các loại cây có múi khác không cùng mùa. Nuôi giữ kiến vàng trong vườn rất có lợi, vì kiến sẽ ăn trứng sâu và quấy rối sự đẻ trứng của bướm.

TS. Nguyễn Văn Hòa - Viện Cây ăn quả miền Nam: Áp dụng giải pháp cộng đồng

Xử lý cho cây ra hoa, đậu trái đồng loạt để dễ quản lý sâu bệnh. Nếu các tỉnh thống nhất lịch thời vụ thì có thể cắt được phần nào vòng đời của sâu và điều tiết sản phẩm với việc liên kết vùng sẽ hiệu quả hơn. Thu gom và tiêu hủy trái bị nhiễm sâu, để giảm dịch hại nhanh. Trong đó, đem chôn vào đất hoặc cho vào túi ny-lon buộc chặt và phơi nắng khoảng 2-3 giờ nhằm diệt sâu bệnh còn trong trái.

Ly trích tinh dầu và sản xuất kẹo mứt, nem chua và chè bưởi từ vỏ trái. Vệ sinh sạch cỏ và rác mục để hạn chế nơi sâu sinh nhộng. Tưới phun nước vào buổi chiều mát để hạn chế sâu đẻ trứng và tưới ngập vườn để diệt nhộng nếu có điều kiện. Bao trái, sử dụng bẫy đèn, sử dụng thuốc hóa học. Về lâu dài, nghiên cứu đặc tính sinh học, tập quán gây hại và điều kiện phát sinh, phát triển của chúng để có giải pháp bền vững hơn. Nghiên cứu sử dụng Pheronmone hấp dẫn thành trùng để diệt sâu. Nghiên cứu sử dụng chất xua đuổi, thuốc thảo mộc.

TS. Hồ Văn Chiến - Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam: Sử dụng thuốc hóa học nhưng phải bảo vệ thiên địch và môi trường.

Đó là biện pháp hóa học diệt sâu non. Vì thuốc trừ loài sâu này hiện nay trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam chưa có. Nên trước mắt, đề nghị nhà vườn cần quan sát và xác định được thời điểm bướm xuất hiện. Từ 7 - 10 ngày sau khi bướm ra rộ thì kiểm tra kỹ trên trái, nếu phát hiện có dấu hiệu sâu non mới bắt đầu đục thì đó là thời điểm phun thuốc trừ sâu non tuổi 1 hiệu quả nhất. Sử dụng riêng lẻ và luân phiên một trong các loại thuốc thuộc nhóm cúc tổng hợp và dầu khoáng, như: Cypermethrin, Deltamethrin.

Có thể phối hợp thuốc nhóm cúc tổng hợp với dầu khoáng để tăng tính hiệu quả và hạn chế tính kháng thuốc của sâu. Tuy nhiên, hết sức thận trọng ở các vườn có ao cá nuôi, gia súc, gia cầm. Lưu ý sử dụng loại thuốc đặc trị đối với sâu và ít độc đối với thiên địch, môi trường. Trước khi phun thuốc, nên thu gom tất cả các trái bị sâu đục rụng xuống đất hay còn trên cây, đem đi tiêu hủy bằng cách đào hố chôn hoặc cho vào bao ny-lon buộc kín để diệt sâu còn trong bao trái, bảo vệ thiên địch.

Hiện, kiến vàng được xem là thiên địch của nhiều loại sâu hại trên cây có múi, loại kiến này sẽ ăn trứng sâu, tấn công bướm. Cho nên, cần tạo điều kiện cho kiến vàng phát triển trong vườn cây có múi; có biện pháp bảo vệ kiến khi phun xịt thuốc hóa học. Nguyên tắc trong phòng trừ côn trùng có hại nói chung, sâu đục trái nói riêng là phải áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, phòng trừ phải mang tính đồng loạt trong từng khu vực để hạn chế việc tái nhiễm, hay bộc phát dịch hại, nhất là trong điều kiện sâu đang bùng phát thành dịch như hiện nay.

Ông Đỗ Quốc Hùng - nông dân trồng bưởi ở xã Phú Đức (Châu Thành): Bao trái là biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Trước đây, gia đình ông sử dụng bao trái trên vườn bưởi nhưng chỉ bao được những trái dưới thấp, còn trên cao, xa không thể bao được nên phải phun thuốc, nhưng khi phun không giáp trái vẫn bị sâu hại. Biện pháp bao trái giúp nhà vườn giảm được ít nhất từ 12 - 15 lần phun thuốc, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật rơi vãi ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp sản xuất. Trước khi bao trái, cần phun thuốc bảo vệ thực vật để diệt trứng sâu non mới nở. Sau đó tiến hành phun thuốc vào gốc để ngừa nấm bệnh giúp mẫu mã trái đẹp.

Thời gian bao trái từ tháng 3 trở đi. Tuy nhiên, bao trái cũng có một số hạn chế không thể quan sát (qua lớp ny-lon) xác định trái già, trái chín do lớp phấn bao còn nguyên vẹn dễ nhầm lẫn với trái non. Nếu không xử lý nấm bệnh trước khi bao, dễ bị nấm bồ hóng và rệp sáp tấn công. Những trái trên cao hoặc trái ra giữa mương thì rất khó bao. Biện pháp khắc phục, nắm được thời gian sinh trưởng từ lúc hoa đổ cánh đến lúc bao trái là bao nhiêu tháng. Sau đó cộng thêm khoảng thời gian đến thời điểm thu hoạch, ghi sổ ký hiệu bên ngoài bằng bút lông. Như vậy, nhà vườn sẽ xác định được thời gian thu hoạch mà không cần phải mở bao ra xem trái.

Đối với các trái xa thân cây, người trồng nên cải tiến dụng cụ bao trái vú sữa của nông dân Tiền Giang cho phù hợp với bao trái bưởi. Việc tự chế tạo cây bao trái rất đơn giản và dùng vật liệu dễ kiếm, rẻ tiền, khoảng 20.000 đồng. Cách làm là dùng cây trúc có đường kính khoảng 20cm, độ dài tùy theo chiều cao cây bưởi. Dây kẽm loại lớn dùng làm vòng vợt và cần kéo để rút dây miệng túi. Sử dụng miếng nhựa cứng dùng làm miếng chận dây miệng túi.


Có thể bạn quan tâm

Phòng trừ sâu bệnh hại bưởi Diễn Phòng trừ sâu bệnh hại bưởi Diễn

Bưởi Diễn là một trong những loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều loại sâu bệnh gây hại tới đối tượng cây trồng này.

08/01/2019
Bí quyết “chế” trái… hồ lô của lão nông Bí quyết “chế” trái… hồ lô của lão nông

Khâu định hình là khâu quan trọng nhất đánh dấu sự thành công hay thất bại khi làm bưởi hồ lô. Khi hoa kết trái từ 1,5 – 2 tháng

18/01/2019
Bao trái bưởi, biện pháp quan trọng đem hiệu quả cao trong phòng trừ sâu đục trái Bao trái bưởi, biện pháp quan trọng đem hiệu quả cao trong phòng trừ sâu đục trái

Sản phẩm bưởi da xanh rất dễ tiêu thụ và bán với giá khá cao đặc biệt vào dịp lễ, tết, đó là lý do khiến người trồng Bười da xanh yên tâm đầu tư sản xuất.

18/01/2019
Phòng trừ rệp sáp hại bưởi da xanh Phòng trừ rệp sáp hại bưởi da xanh

Bưởi da xanh là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được nhiều hộ nông dân mở rộng diện tích canh tác.

24/01/2019
Cân bằng độ pH cho đất trồng bưởi sau mưa Cân bằng độ pH cho đất trồng bưởi sau mưa

Cây bưởi ưa đất trung tính hơi kiềm, có độ pH cao thường là 5,5 - 6,5. Mưa lớn khiến lớp rễ tơ của bưởi, rễ ăn màng trên lớp đất mặt bị hư hại đã ảnh hưởng lớn

18/02/2019