Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Một số biện pháp phòng chống EMS tại các địa phương

Một số biện pháp phòng chống EMS tại các địa phương
Tác giả: Hương Trà
Ngày đăng: 27/12/2018

Thời gian qua, bệnh hoại tử gan tụy đã trở thành nỗi ám ảnh lớn của người nuôi tôm trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Mặc dù các nhà khoa học đã tìm ra tác nhân gây ra Hội chứng chết sớm/Hoại tử gan tụy cấp (EMS/AHPNS) nhưng đến nay vẫn chưa có một phác đồ điều trị cụ thể nào được đưa ra. Việc xác định được bệnh thường xuất hiện trên tôm từ giai đoạn giống đến nuôi thương phẩm và trầm trọng hơn khi các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, pH trong ao nuôi cao và hàm lượng oxy hòa tan thấp đã giúp cho các ngành chức năng chủ động đề xuất các giải pháp phòng và chống dịch bệnh. 

Chất lượng giống

Một biện pháp để hạn chế bệnh chết sớm, hoại tử gan tụy là ương tôm giống trước khi thả nuôi. Bắt đầu từ mô hình thành công ở Thái Lan, việc ương tôm giống đã được chú ý hơn. Thay vì thả trực tiếp tôm giống từ trại giống xuống ao nuôi, người nuôi tôm ương tôm giống trong bể xi măng hoặc composite, từ 10-25 ngày bằng nguồn nước ao nuôi. Điều này sẽ giảm thiệt hại nếu như tôm giống bị chết, người nuôi tôm không mất công xả ao đi và cải tạo lại.

Các hộ nuôi cần chọn tôm giống sạch bệnh, được kiểm dịch, không mang các tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy, không có dấu hiệu bất thường ở gan tụy. Các post tôm giống cũng cần phải được thả nuôi thích hợp: thả giống cỡ post 12 trở lên đối với tôm thẻ và post 15 trở lên đối với tôm sú. Khi nuôi, nên thả nuôi mật độ dày (tôm sú 10 - 15 con/m2, tôm thẻ 30 - 60 con/m2 đối với tôm nuôi vùng triều).

Nuôi ghép tôm với đối tượng khác

Phương pháp hiện nay được nhiều nhà khoa học quan tâm đó là nuôi ghép tôm với một số đối tượng khác, chẳng hạn như cá rô phi sẽ giảm được thiệt hại do bệnh gan tụy gây ra. Ông Jeffrey K.C.Lee, Giám đốc trại tôm thẻ chân trắng giống ở Kuantan, Pahang (Malaysia) cho biết, một số người nuôi tôm ở đây đã sử dụng nước từ ao nuôi cá măng biển (milkfish) và cá rô phi bơm sang ao nuôi tôm đã hạn chế được thiệt hại do bệnh gây ra và đã thành công. Việc nuôi ghép giữa tôm sú, tôm thẻ chân trắng với cá rô phi hay cua không phải là vấn đề mới, ở nước ta cũng nhiều mô hình thành công từ nuôi ghép giữa tôm và các đối tượng khác.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, theo Tiến sĩ Donald Lightner – chuyên gia nghiên cứu bệnh tôm hàng đầu thế giới, nuôi đa canh có sự an toàn về dịch bệnh cao hơn hẳn nuôi đơn canh. Bởi vì, nuôi tôm đơn canh sẽ làm mất yếu tố cân bằng vốn có trong tự nhiên. Thông thường, các loài sinh vật khác sẽ tiêu diệt các loài thiên địch có hại để bảo vệ sự cân bằng. Chúng sẽ ăn các vi khuẩn có hại cho tôm và tôm không ăn phải những loài vi khuẩn có hại này. Nếu nuôi tôm đơn canh thì tôm ăn cả những vi khuẩn có hại nên dễ bị mắc bệnh.

Tuy nhiên, một vấn đề kỹ thuật mà người nuôi tôm hay gặp phải đó là nuôi đa canh giữa tôm với cá rô phi, cua như thế nào cho hiệu quả bởi nếu nuôi không đúng kỹ thuật thì cá và cua sẽ ăn hết tôm trong ao. Bên cạnh đó, nuôi đa canh sẽ đạt năng suất thấp hơn nuôi đơn canh nên trước mắt đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Chế phẩm sinh học

Người nuôi cần sử dụng chế phẩm sinh học có chất lượng để khống chế, lấn áp vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi; sử dụng thức ăn thích hợp, không để dư thừa thức ăn trong ao nuôi tôm. Kinh nghiệm từ người nuôi tôm cho thấy, khi tôm nuôi có dấu hiệu bị gan tụy nên hạn chế cho ăn hoặc giảm lượng thức ăn sẽ giảm được tỷ lệ chết của tôm.

Nuôi tôm không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, chỉ sử dụng hoàn toàn bằng chế phẩm vi sinh; không nuôi tôm liên tiếp nhiều vụ, cần phải có thời gian cách ly nhất định; cải tạo ao thật kỹ, thường xuyên theo dõi mật độ tảo trong ao nuôi để điều chỉnh kịp thời.

Tuy nhiên, do hiện nay trên thị trường quá nhiều loại chế phẩm vi sinh khiến người nuôi không biết chọn lựa nhãn hiệu sản phẩm nào là chất lượng và kinh tế nhất. Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý các chế phẩm này và chất lượng con giống giúp người nuôi tôm.

Cải thiện cơ sở hạ tầng/ Kiểm tra môi trường ao nuôi

Điểm yếu cố hữu của nghề nuôi tôm nước lợ tồn tại suốt thời gian qua ở nhiều địa phương của nước ta là hạ tầng sơ sài: không có ao xử lý nước cấp, nguồn nước cấp; nước thoát nằm gần nhau nên khi bệnh xảy ra không thể khống chế, dịch bệnh lây lan nhanh. Các dịch bệnh đốm trắng, taura… liên tục xảy ra suốt thời gian qua gây mất mùa, thua lỗ. Ước tính, cứ 10 tấn tôm mà nông hộ thu hoạch được trên 1ha diện tích phải thải ra ao nuôi 7 tấn chất thải. Tuy nhiên, các hộ nuôi chưa chú trọng đầu tư hệ thống xử lý chất thải mà xả thẳng ra môi trường gây mặn hóa nguồn nước ngầm. Hiện tượng này là “môi trường” thuận lợi cho bệnh và dịch bệnh phát tán trên tôm nuôi.

Dù chính vụ hay trái vụ tôm đều bị bệnh như nhau, nhất là đối với bệnh EMS, vấn đề là người nuôi phải đầu tư chiều sâu và áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới như thế nào để hạn chế hay vượt qua được bệnh EMS. Để giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, người nuôi phải có đầy đủ trang - thiết bị (như máy sục khí), có ao ương tôm trước khi thả nuôi mật độ thưa và trong quy trình nuôi phải có ao lắng, ao xử lý nước, thường xuyên khống chế tảo trong ao nuôi. Mô hình thử nghiệm nhà ương giống có mái che trước khi thả nuôi bước đầu cho thấy có thể hạn chế được bệnh. Mặt khác, một số công ty, cơ sở nuôi tôm lớn có tiềm lực kinh tế đang xúc tiến mô hình nuôi BioFloc trong nhà có mái che để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.

Cần tẩy dọn ao triệt để trước khi tiến hành nuôi, xây dựng ao chứa lắng, ao xử lý nước riêng biệt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật diệt giáp xác. Để đảm bảo tôm nuôi phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh, các ao nuôi cần kiểm tra môi trường nước, khống chế mật độ vi khuẩn Vibrio/ml nước trước khi thả nuôi, luôn đảm bảo oxy hòa tan cao, duy trì độ mặn và nhiệt độ nước không quá cao, độ pH trong ao nuôi đảm bảo từ 7,8 - 8,2. Mực nước trong ao nuôi cũng phải ở mức thích hợp: từ 1,2 - 1,4m, luôn tiến hành định kỳ diệt khuẩn trong ao nuôi. Các ao nuôi khi có tôm bệnh phải tẩy trùng triệt để, khoanh vùng, cách ly, không xả nước thải, tôm chết ra ngoài môi trường.

Bên cạnh thiệt hại do các bệnh thường gặp như bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy, trong quá trình nuôi tôm còn bị thiệt hại do khí độc trong ao (mêtan, nitríc…). Do đó, người nuôi tôm cần kiểm tra hàm lượng khí độc, mật số Vibrio trong ao và cả trên tôm post trước khi thả nuôi, khống chế mật số Vibrio luôn nằm trong ngưỡng cho phép. Dùng men vi sinh để khống chế hoặc sử dụng kháng sinh trong 40 ngày đầu tiên vẫn cho hiệu quả. Khi phát hiện tôm bắt đầu thiệt hại, cần kiểm tra, xét nghiệm mẫu để xác định nguyên nhân và sớm có giải pháp thích ứng. Do đó, các quy trình nuôi hiện nay cần phải linh hoạt với điều kiện biến đổi của môi trường để có sự thích ứng cao mới hy vọng thành công.


Có thể bạn quan tâm

Phòng trị bệnh do Vibrio trên tôm Phòng trị bệnh do Vibrio trên tôm

Để có một vụ tôm thắng lợi thì ngoài yếu tố con giống, thời vụ... thì các biện pháp kỹ thuật để phòng trị bệnh cho tôm là vô cùng quan trọng.

18/12/2018
6 yếu tố trong cải tạo ao nuôi tôm 6 yếu tố trong cải tạo ao nuôi tôm

Trước mỗi vụ nuôi cần chuẩn bị ao theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất và tránh các thiệt hại không đáng có xảy ra.

25/12/2018
Nuôi tôm hai giai đoạn Nuôi tôm hai giai đoạn

Quy trình cho kết quả về sinh trưởng tốt, không sử dụng hóa chất, kháng sinh nên sản phẩm sạch. Bên cạnh đó, có thể rút ngắn thời gian nuôi giai đoạn 2

26/12/2018