Một Số Biện Pháp Kỹ Thuật Chủ Yếu Chăm Sóc Lạc Xuân
Trồng 1 sào Bắc bộ (360m2) lạc xuân cao sản cho năng suất 1,2-1,5tạ trị giá 1,2-1,5 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nước. Trồng lạc xuân, đất được luân canh, được cải tạo đảm bảo cho năng suất lúa vụ mùa cao, giảm được đầu tư phân bón và dịch bệnh hơn so với trồng 2 vụ lúa liên tiếp.
Xin giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật chủ yếu thâm canh lạc xuân.
1. Chọn giống lạc tốt:
Bà con nên trồng các giống lạc cao sản trồng vụ Xuân như: MD7; L14; L12; L18, .... Đây là những giống lạc cao sản có năng suất 120-200kg/sào Bắc bộ. Nên mua giống của những cửa hàng lớn, đáng tin cậy, có uy tín nhiều năm ở địa phương. Trước khi trồng phải phơi lại giống 1-2 nắng nhẹ, thử tỷ lệ nảy mầm.
Cách thử tỷ lệ nảy mầm như sau, bóc lấy 100củ ngẫu nhiên, ngâm trong nước ấm 2 giờ, gói vào miếng giẻ ướt, vùi vào giữa đống rơm, rạ khô, ngày dấp nước/1lần. Khoảng2-3ngày, tỷ lệ nảy mầm đạt >85% là giống đạt yêu cầu.
Lượng giống cần cho 1sào 360m2: 7,5-8kg lạc vỏ hay 180-200kg/ha.
Thời vụ trồng từ 25/1-10/3. Thời vụ tốt nhất 5/2-20/2.
2. Chọn đất, phương pháp trồng, chăm sóc:
Chọn ruộng đất cát pha, thịt nhẹ, tưới tiêu chủ động hoặc chân đất cao cấy lúa không ăn chắc nên chuyển sang trồng lạc. Làm đất kỹ nhặt sạch cỏ dại trước khi lên luống. Tốt nhất trồng theo phương pháp trồng 2 hàng dọc trên luống nhỏ, dễ thoát nước, tận dụng được "Ưu thế hàng rìa". Lên luống rộng 50-55cm; cao 25 - 30cm. Trồng hai hàng dọc trên luống cách nhau 30cm, tra 2 hạt/hốc cách nhau 12cm, đảm bảo mật độ 35-40cây/m2.
Lượng phân bón tính cho 1 sào gồm: Phân chuồng hoai mục 250 - 300kg; đạm ure 3 - 5kg; supe lân Lâm Thao 20 - 25kg; kali clorua 5 - 6kg; vôi bột 20 - 25kg hoặc bón lót 20kg NPK (5:10:3) + bón thúc 7-10kg NPK (12:5:10).
Bón lót 50% vôi bột trước khi bửa lần cuối, để hả vôi trước khi trồng 7-10ngày. Bón vào rạch giữa luống toàn bộ các loại phân. Tưới đủ ẩm vào hốc và mặt luống lạc sau đó tiến hành phun thuốc trừ cỏ ngay sau khi trồng bằng các loại thuốc như: Dual, Ronsta, Butavi, ...
Kỹ thuật che phủ nilon: Che phủ nilon cho lạc xuân nhất là các tỉnh phía Bắc có mùa đông lạnh. Che phủ nilon đảm bảo tăng nhiệt độ, ẩm độ, tránh được chim, chuột phá hại, lạc nảy mầm nhanh hơn không che phủ khoảng 10-15ngày, làm tăng 10-15% năng suất cuối vụ.
Dùng nilon màu trắng có độ dày 0,007-0,01mm, hình ống, khổ 45-50cm, dọc làm đôi chùm kín luống lạc, lấy cuốc vét đất hai bên rãnh luống chèn kỹ bốn xung quanh và giữa để gió khỏi làm bay nilon. Khi thấy lạc nảy mầm đội nilon thì dùng tay hay kéo xé nilon thành lỗ hình tròn đường kính 6-7cm cho cây lạc chui khỏi nilon. Công việc này phải tiến hành 2-3lần, mỗi lần cách nhau 2-3ngày mới xong.
Vén đất xung quanh gốc đảm bảo cho hai lá mầm vượt khỏi mặt đất. Bón thúc vôi khi cây lạc tắt hoa bón nốt 50% vôi bột còn lại, rắc trực tiếp vào gốc cây lạc.
Có thể dùng các loại phân bón qua lá như: A-H502; Bioted, Atonic, Yogen, ... kết hợp với thuốc bám dính phun cho lạc vào các giai đoạn 3- 4 lá; 7- 8 lá; quả non cho năng suất tăng thêm 15 - 20%.
Nếu lạc có hiện tượng lá xanh đen, vóng lốp giai đoạn ra hoa, củ non, tưới thêm 2-3kg phân kali/sào, đồng thời dùng thuốc P333 (Paclobutrazol) hoặc DPC (Dinocap) + Multi-K phun cho lạc, tác dụng làm tăng khả năng vận chuyển các chất vào củ.
Tưới nước cho lạc, cây lạc cần độ ẩm 65 - 70% độ ẩm đất từ khi gieo đến bói hoa và 70 - 80% từ khi ra hoa rộ đến chắc hạt mới cho năng suất cao.
3. Phòng trừ một số sâu, bệnh hại chủ yếu:
Cần chủ động phòng trừ tốt một số sâu, bệnh hại như: Sâu xám dùng thuốc Vibasu 10H rắc vào gốc lạc hoặc hạt giống lạc khi trồng.
Các loại rầy, rệp, bọ trĩ, dùng thuốc Actara 25EC; Confidor 70WG; TP-Thần Điền 78DD... Sâu xanh, sâu khoang, ... dùng thuốc vi sinh Bt; Dipel; Firi; Kuraba, thuốc hoá học Sokupi 0,36AS; Karate 2,5EC; Regent 800WG, phun trừ kịp thời khi sâu còn nhỏ tuổi 1-2.
Bệnh héo xanh, do nấm và vi khuẩn dùng thuốc: Diboxylin 2SL; Alpine 80WP; Hoả tiễn 50WP; Staner20WP. phun phòng trừ kịp thời khi bệnh mới xuất hiện.
Bệnh đốm nâu dùng Alvil 5-10EC; Carbenzim 50WP; Alpine 80WP; TP-Zep 18EC; Diboxylin 2SL, ...
4. Thu hoạch:
Khi nhổ thăm thấy 80% củ già trở lên là tiến hành thu hoạch lạc, rửa sạch phân loại củ già (phơi khô chóc vỏ lụa), củ bánh tẻ, củ non để sử dụng các mục đích khác nhau.
Có thể bạn quan tâm
Sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc thiên nhiên để vừa gia tăng năng suất vừa không tồn dư hàm lượng hóa chất độc hại trong nông sản, bảo vệ sức khỏe
Lem lép hạt là một loại dịch hại mang tới cho bà con rất nhiều nỗi lo, bởi vì khi lúa bị lem lép hạt thì làm giảm năng suất, chất lượng
Lúa là cây trồng chính và quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, khi lúa được thâm canh để tăng năng suất và chất lượng
Các nhà khoa học Trung Quốc vừa lai tạo thành công một giống lúa mới có khả năng kháng bệnh tốt và năng suất cao.
Theo Bộ NN-PTNT, vụ Hè Thu 2019, toàn vùng ĐBSCL dự kiến xuống giống hơn 1,6 triệu ha lúa.