Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa đông xuân đầu vụ

Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa đông xuân đầu vụ
Tác giả: Bùi Văn Viện - Trạm Khuyến nông huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương
Ngày đăng: 12/02/2019

Hiện nay, các tỉnh thành miền Bắc cơ bản đã hoàn thành gieo cấy lúa xuân, một bộ phận trà sớm đang hồi xanh đến đẻ nhánh. Để giúp cho lúa xuân sinh trưởng phát triển tốt, giảm sâu bệnh, hạ giá thành, nâng cao năng suất và thu nhập cho người làm lúa thì việc chăm sóc lúa giai đoạn đầu vụ là hết sức quan trọng, sau đây xin trao đổi một số biện pháp kỹ thuật như sau:

1. Điều tiết nước

Đối với lúa cấy, chân ruộng chủ động tưới tiêu: sau cấy, duy trì mực nước nông 3 - 5 cm. Khi lúa đẻ được 7 – 8 nhánh/khóm, tiến hành rút nước lộ ruộng, khi ruộng nứt chân chim thì đưa nước trở lại, sau đó rút và đưa nước xen kẽ.

Đối với lúa gieo thẳng: sau gieo, giữ ẩm, khi mạ mũi chông trở đi thì duy trì mực nước nông. Sau tỉa dặm khoảng 10 ngày, rút nước lộ ruộng để hạn chế lúa đẻ nhánh lai rai.

2. Bón thúc đẻ nhánh:

Căn cứ vào chất đất, cao trình của ruộng, giống lúa, lượng phân bón lót để xác định lượng phân bón thúc đẻ nhánh cho phù hợp. Bón vào ngày ấm, khi lá lúa đã khô.

Đối với lúa cấy: bón thúc khi lúa bén rễ, hồi xanh, rễ trắng dài khoảng 2,5cm. Đối với lúa gieo thẳng: bón kết hợp với tỉa dặm, khi lúa có 3 – 4 lá (mật độ tỉa dặm: 80 - 100 dảnh/m2).

Lượng phân bón thúc đẻ nhánh: trung bình 3 - 4 kg Urê/sào Bắc Bộ, nếu ruộng chưa bón lót phân kali thì bón 2kg kali/sào.

Đối với diện tích lượng phân bón lót ít hoặc chưa bón lót hoặc bón chưa cân đối đạm, lân, kali thì cần bón đủ lượng phân bón lót và bón thúc đẻ nhánh, trung bình cho 1 sào Bắc Bộ là: phân chuồng khoảng 200kg, Urê 6 – 8 kg, phân Lân super 10 – 15 kg, Kaliclorua 2 – 3 kg. Có thể chia bón thúc đẻ nhánh làm 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 5 – 7 ngày. Đối với phân chuồng, phân lân, kali bón ngay lần đầu.

Chú ý: Phân Urê bón lót và bón thúc đẻ nhánh đối với các giống lúa ngắn ngày chiếm 80 – 90% tổng lượng phân bón cả vụ, đối với giống trung ngày và dài ngày chiếm 70 – 80% để phù hợp với thời gian sinh trưởng của các giống, cung cấp đủ dinh dưỡng cho lúa bước vào làm đòng, nuôi đòng, nuôi hạt để cho năng suất cao.

Đối với chân ruộng trũng, các giống mềm cây nên giảm lượng phân Urê khoảng 10%. Tăng lượng phân Kali đối với ruộng trũng, ruộng đầu lô làm đất bằng máy lớn vì ruộng trũng tiếp nhận lượng phân bón rửa trôi từ chân ruộng cao, do ruộng luôn ngập nước, quá trình khử oxy tăng dẫn đến thiếu Kali.

Đối với chân ruộng vụ trước trồng màu, phân bón tồn dư còn nhiều nên điều chỉnh lượng phân bón đạm, lân, kali cho phù hợp.

Tăng cường sử dụng phân bón tổng hợp NPK, NPKS, phân DAP, phân Urê chậm tan. Căn cứ vào hàm lượng phân tổng hợp quy đổi ra phân đơn để xác định lượng phân bón tổng hợp kết hợp với phân đơn để bón cho phù hợp.

3. Trừ cỏ, ốc bươu vàng, rêu rớt

a. Ốc bươu vàng: Những ruộng trũng, đầu mương, ven vùng chuyển đổi nhiều ốc bươu vàng, sử dụng một trong các thuốc trừ ốc như: Snail, Dioto, Catfist…

b. Rêu rớt: Những ruộng có rêu rớt nếu không trừ kịp thời thì lúa đẻ nhánh muộn và đẻ ít; sử dụng 0,5 - 0,7 kg Sun-phát đồng để rắc hoặc phun trừ; phun, rắc khi trời nắng. Rút nước trong ruộng để khoảng 2 – 3cm hoặc rút nước phơi ruộng 2 – 3 ngày, sau đó đưa nước trở lại.

c. Cỏ:

Đối với lúa gieo thẳng: sau gieo 1 – 2 ngày phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như Sofit 300 EC, Vithafit 300 EC…

Đối với lúa cấy: có 2 nhóm thuốc trừ cỏ:

+ Nhóm thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như: Heco 600 EC, Butan 60 EC … dùng cho ruộng cỏ chưa mọc.

+ Nhóm thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm như: Sunrise, Alyrus 200 WG… dùng cho ruộng cỏ đã mọc.

Chú ý: Khi rắc thuốc trừ cỏ, lá lúa phải khô, nước trong ruộng nông từ 3 - 5cm, nếu ngập nõn sẽ làm cho lúa bị trùn ngọn, lúa phát triển chậm, nếu quá nặng lúa chuyển màu vàng… Rắc khi trời lặng gió hoặc gió nhẹ để tránh ảnh hưởng của thuốc đến rau màu gần ruộng.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn trên bao bì.

4. Xử lý hiện tượng nghẹt rễ do ngộ độc hữu cơ

Thường gặp ở chân ruộng trũng, ruộng chua, ruộng có nguồn nước thải ở khu dân cư.

Biểu hiện lúa bị nghẹt rễ: Lúa sau cấy không phát triển hoặc chậm phát triển, cây lúa vàng đỏ, lúa không ra rễ mới hoặc rễ trắng rất ít, rễ thâm đen, có mùi thối và tanh, lúa bén rễ hồi xanh không đều và lụi tàn dần.

Biện pháp khắc phục: đưa nước vào ruộng lớn, làm cỏ sục bùn, tháo cạn nước để rửa trôi chất độc trong đất rồi bón vôi bột với lượng 20 – 30 kg/sào. Để ruộng khô 2 – 3 ngày mới đưa nước trở lại, bón phân lân với lượng 10 kg/sào và phân chuồng hoai mục. Phun phân bón lá kích thích lúa ra nhiều rễ trắng và ra lá mới thì mới bón phân thúc đẻ nhánh hoặc bón bổ sung bằng phân tổng hợp NPK.

5. Phòng trừ sâu bệnh

Trong giai đoạn đầu của lúa xuân, thường xuất hiện một số loại sâu bệnh hại chính sau: bọ trĩ, rầy mềm, dòi đục lá, bệnh đạo ôn lá.

Đối với bọ trĩ, rầy mềm, rầy nâu, dòi đục lá: phun trừ bằng một trong các thuốc sau: Regent 800WG, Abamectin, Actara…

Phun phòng trừ bệnh đạo ôn lá bằng một trong các loại thuốc sau: New Hinosan, Filia, Beam …


Có thể bạn quan tâm

Kinh nghiệm bón phân cho lúa ngắn ngày vụ hè thu ở Nam Bộ Kinh nghiệm bón phân cho lúa ngắn ngày vụ hè thu ở Nam Bộ

Cày ải sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân, thời gian cách ly giữa 2 vụ từ 3 - 4 tuần để cho đất phục hồi, giảm ngộ độc hữu cơ.

17/01/2019
Phương pháp phòng trừ lúa cỏ hiệu quả cao Phương pháp phòng trừ lúa cỏ hiệu quả cao

Lúa cỏ là một loại dịch hại nguy hiểm, làm thất thu năng suất, lây lan rất nhanh và rất khó phòng trừ vì lúa cỏ cũng có đặc tính giống lúa trồng.

24/01/2019
Cách ủ thóc giống nẩy mầm đều Cách ủ thóc giống nẩy mầm đều

Bà con nông dân cần tránh một số cách ủ thóc giống không đúng sau:

24/01/2019
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.