Một ngày ra biển của ngư dân
Chúng tôi có mặt tại Cảng cá Cửa Tùng khoảng 4 giờ chiều một ngày cuối tháng 5. Cảng cá bắt đầu sôi động bởi tiếng nói cười của ngư dân trở về từ biển cùng tiểu thương thu mua hải sản đợi thuyền về. Sau khi xuống khoang thuyền bưng từng thùng xốp chứa tôm hùm, mực nang... đưa lên mạn thuyền cho các thuyền viên chuyển lên bến bán cho các tiểu thương, ngư dân Lê Văn Lánh (64 tuổi) ở khu phố An Hòa II (thị trấn Cửa Tùng) lên bờ trò chuyện với chúng tôi.
Ông Lánh cho biết, chuyến ra khơi lần này, thuyền ông đánh bắt được 22 kg tôm hùm; 15 kg mực nang cùng vài tạ cá tạp các loại. Nếu bán được giá thì thu được khoảng 30 triệu đồng cho chuyến biển 3 ngày (cả đi lẫn về). Như vậy, mỗi thuyền viên được chia khoảng 2 triệu đồng sau khi trừ chi phí xăng dầu, mua thực phẩm... phục vụ chuyến biển. Hiện tại, giá bán các loại thủy hải sản ở Cảng cá Cửa Tùng như tôm hùm có giá 850.000 đồng/kg; mực nang có giá 120.000 đồng/kg; ốc dừa có giá 55.000 đồng/kg; ốc tù và 750.000 đồng/ kg...
Ông Lánh phấn khởi nói: “Bây giờ, đang vào chính vụ đánh bắt tôm hùm, mực nang...nên hầu hết ngư dân thị trấn Cửa Tùng phải ra biển nhiều ngày. Sở dĩ ra biển nhiều ngày là vì khi ra đến biển về mùa này sóng lặng, biển êm nên phải tìm dòng hải lưu, chờ con nước, đón hướng gió...thì mới đánh bắt được nhiều tôm hùm, mực nang. Mặc dù làm nghề đánh bắt tôm hùm, mực nang thì thuyền phải mang theo nhiều ngư lưới cụ và công việc đánh bắt cũng nặng nhọc hơn các nghề khác. Đổi lại, chuyến biển nào cũng có thu nhập cao nên ngư dân chúng tôi vui lắm, càng quyết tâm bám biển hơn”.
Đang rôm rả trò chuyện với ông Lánh thì ngư dân Lê Cảm (một thuyền viên của thuyền ông Lánh) đến góp chuyện: “Nghề đánh bắt tôm hùm, mực nang thường diễn ra từ đầu tháng 2 cho đến khoảng cuối tháng 6 (âm lịch). Ngư lưới cụ dùng để đánh bắt tôm hùm, mực nang thường là loại lưới mãnh, có 3 lớp lưới gồm lớp lưới chính cùng 2 lớp lưới bọc bên ngoài lớp lưới chính. Khi tôm hùm, mực nang mắc vào lớp lưới chính chỉ cần vùng vẫy nhẹ là sẽ bị bọc chặt bởi 2 lớp lưới bên ngoài không thể thoát ra được. Muốn làm nghề đánh bắt tôm hùm, mực nang thì mỗi thuyền viên trên thuyền phải tự đầu tư mua sắm 15 - 20 tay lưới (mỗi tay lưới có chiều dài khoảng 50 - 60 m) và một thúng chai. Như thuyền của ngư dân Lê Văn Lánh có công suất 100 CV thì có 10 thuyền viên tham gia đánh bắt tôm hùm, mực nang...”.
Cũng theo anh Cảm, công việc của ngư dân thị trấn Cửa Tùng thường bắt đầu từ chiều hôm trước với việc chuẩn bị tất cả các thứ nhu yếu phẩm cho chuyến ra khơi như xăng dầu, đá lạnh, thức ăn cho chuyến biển kéo dài 4 -5 ngày. Sáng hôm sau, khoảng 4 giờ sáng là thuyền viên phải tập trung đầy đủ tại Cảng cá Cửa Tùng để lên thuyền ra khơi. Khi thuyền ra đến ngư trường (thường cách bờ khoảng 15 hải lý), việc đầu tiên là thuyền trưởng phải xác định đúng con nước, hướng gió sau đó mới quyết định có buông lưới hay không.
Khi đã xác định được con nước, hướng gió, các thuyền viên trên thuyền cứ phân chia 2 người lên một thúng chai với 20 tay lưới để bắt đầu công việc thả lưới. Thúng chai cùng thuyền viên được thuyền thả xuống biển với khoảng cách giữa các thúng chai chừng 1 km. Và các điểm thả lưới đều được thuyền trưởng cẩn thận bấm tọa độ định vị trên hệ thống máy định vị được trang bị trên thuyền. Ngoài ra, những thuyền viên trên thúng chai có nhiệm vụ canh lưới để đề phòng tàu lớn chạy qua làm rách lưới hoặc bị trộm lưới. Lưới khi thả xuống biển phải chờ đến 24 giờ mới được kéo lên.
Ông Lánh kể: “Làm nghề đánh bắt tôm hùm, mực nang nhiều khi ngư dân cũng gặp lắm tình huống “cười ra nước mắt”. Ví như, thả lưới xong phải ngồi chờ 24 giờ trên thuyền, trên thúng chai để kéo lưới. Đến giờ kéo lưới, tâm trạng chúng tôi cũng hồi hộp lắm. Nhưng rồi khi kéo đến tay lưới cuối cùng mà chẳng thấy con tôm hùm, mực nang nào dính lưới thì lúc đó chúng tôi buồn đến nỗi chẳng ai muốn nhìn mặt nhau. Có hôm thả lưới đúng rạn đá làm lưới mắc vào rạn khi kéo lưới thấy nặng tay cứ tưởng dính nhiều tôm hùm, mực nang nhưng khi kéo lên trước mắt là tay lưới rách bươm không thể tiếp tục sử dụng được...”.
Ngư dân Lê Cảm cho biết thêm, để đảm bảo giá trị của con tôm hùm đánh bắt được (tôm hùm phải còn sống khỏe mạnh khi mang vào đến bờ thường bán với giá cao gấp nhiều lần tôm chết, tôm bị gãy râu, gãy chân..) thì công đoạn gỡ tôm hùm ra khỏi mắt lưới cũng đòi hỏi sự công phu, tỉ mẫn. Tôm hùm khi kéo lên khỏi mặt nước, ngay lập tức thuyền viên phải dùng tay nhẹ nhàng nắm lấy con tôm. Sau đó, thuyền viên dùng kéo hoặc dao mang theo trên thuyền để từ từ cắt bỏ hết mắt lưới mắc vào thân tôm hùm. Gỡ tôm hùm ra khỏi lưới rồi cũng phải nhẹ nhàng bỏ tôm xuống khoang thuyền (nhiều thuyền còn mang theo máy sục khí o xy để duy trì sự sống cho tôm). Còn mực nang cùng nhiều loại thủy hải sản khác thì không cần công đoạn trên mà chỉ cho vào thùng xốp sau đó rải đá lạnh lên để bảo quản là đảm bảo tươi nguyên khi thuyền về đến bờ.
Như để chứng minh cho chúng tôi thấy, anh Cảm cầm con tôm hùm nặng gần 2 kg vẫn còn nguyên hai sơi râu đang búng tanh tách đưa cho tôi xem với nụ cười mãn nguyện. Chúng tôi chia sẻ niềm vui của anh cũng như niềm vui chung của ngư dân thị trấn Cửa Tùng sau mỗi chuyến ra khơi bám biển.
Có thể bạn quan tâm
Theo đánh giá của các ngành chức năng, chăn nuôi là một trong những ngành sẽ bị tổn thương nhiều nhất trong quá trình hội nhập, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, để họ không bị “chìm” trong “cơn bão” này, rất cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể và đủ mạnh.
Được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2015 là năm thứ 3 Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ được tham gia dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm chuyển đổi cơ cấu vật nuôi” với mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học thực hiện tại xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê (năm 2013), xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh (năm 2014) và xã Chu Hóa, TP.Việt Trì (năm 2015).
Ông Trần Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị cho biết, hiện nay có nhiều thương lái đến địa phương, thu mua chuối quả trong dân, với giá cao, gấp từ 2 đến 2,5 lần so với 6 tháng trước.
Người nông dân Bình Thuận từng một thời nhờ cây thanh long đổi đời, khá giả lên. Nhưng cũng chính cây thanh long đã mang đến nợ nần chồng chất khiến nhiều người điêu đứng, trắng tay. Vấn đề là thị trường tiêu thụ thanh long chủ yếu lệ thuộc vào Trung Quốc, giá cả bấp bênh…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về sự cần thiết của việc triển khai Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030, nhằm bảo vệ nguồn gen quý, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam.