Một Mô Hình Xen Canh Hiệu Quả
Sau 3 năm chọn cây ổi Đài Loan làm cây trồng xen canh trong vườn sầu riêng, chị Từ Thị Hạnh ở ấp Tân An, xã Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã có nguồn thu nhập ổn định.
Trước đây, 10 công vườn của gia đình chị Hạnh trồng nhãn tiêu Huế, mận An Phước nhưng thu nhập khá bấp bênh, vì cây già cỗi cho năng suất kém, giá bán không ổn định. Năm 2011, chị cải tạo lại vườn chuyên canh sầu riêng. Được người quen giới thiệu giống ổi Đài Loan, chị chọn cây trồng này xen canh để lấy ngắn nuôi dài khi sầu riêng chưa cho thu hoạch. Bố trí mật độ cây trồng hợp lý trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác, kinh tế gia đình chị ngày một ổn định với mô hình trồng xen.
Theo chị Hạnh, ổi Đài Loan là loại cây dễ trồng, ít tốn phân bón nên chi phí đầu tư thấp, chủ yếu định kỳ phun thuốc phòng trừ các loại rệp sáp và cung cấp đủ lượng nước cho cây. Ưu điểm của trái ổi Đài Loan là vỏ láng, nhiều nước, ít hạt, giòn ngọt và thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định.
Đặc biệt, ổi Đài Loan rất thích hợp với những hộ muốn có thu nhập nhanh hoặc lấy ngắn nuôi dài khi chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang chuyên canh các loại cây trồng khác, bởi từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất khoảng 6 tháng.
Trên 10 công đất vườn với khoảng cách trồng sầu riêng cây cách cây 10m, chị Hạnh xen 400 gốc ổi Đài Loan. Ổi ra hoa nhiều và liên tục, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, thu hoạch quanh năm.
Để ổi cho trái to, bán được giá cao, chị Hạnh chăm bón kỹ từ lúc cây mới ra hoa, thường xuyên vun gốc, xới tơi đất để rễ cây ổi phát triển, đồng thời thường xuyên tỉa đọt và cho cây mang lượng trái vừa đủ. Khi trái ổi to bằng đầu ngón chân cái, chị dùng túi xốp thưa bọc bên trong và túi nylon bọc bên ngoài để hạn chế sâu bệnh gây hại cho ổi.
Nhờ cần mẫn chăm sóc nên vườn ổi của gia đình chị Hạnh lúc nào cũng xanh tốt, không bị sâu bệnh và cho trái quanh năm. Với giá bán dao động 7.000 đồng/kg - 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chăm sóc, mỗi năm gia đình chị Hạnh thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây ổi Đài Loan, nông dân trong khu vực đã học hỏi kinh nghiệm và chọn ổi Đài Loan thay thế những cây trồng kém hiệu quả. Đáp ứng nhu cầu của bà con, chị Hạnh còn chiết nhánh bán cây giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật, để trồng đạt hiệu quả.
Những năm gần đây khi bệnh chổi rồng gây hại phần lớn diện tích vườn nhãn tiêu Huế - từng là loại cây trồng chủ lực ở xã Tân Phong, nhiều nông dân đã cải tạo vườn già cỗi, bị thiệt hại vì dịch bệnh chuyển sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng với sầu riêng, chôm chôm, nhãn Ido... ổi Đài Loan đang là cây trồng triển vọng được nông dân lựa chọn, góp phần đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn trên vùng đất cù lao.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, Chợ Lách (Bến Tre) phát huy tốt thế mạnh kinh tế vườn với nhiều loại hoa kiểng, cây ăn trái đặc sản. Làng nghề hoa kiểng - cây giống Cái Mơn (xã Vĩnh Thành) có truyền thống trăm năm, đã đưa sản phẩm của vùng đi khắp cả nước.
Người dân xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành (Yên Thành - Nghệ An) ai cũng nể phục nghị lực của ông Nguyễn Hữu Bình (SN 1958). Từ hai bàn tay trắng, ông đã vươn lên làm giàu trên vùng đất khó bằng nghề trồng cam, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương...
Đây là các bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa gây hại cho nhiều nông dân và doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu. Triệu chứng gây hại biểu hiện trên cành và trái giống nhau, những đốm trắng xuất hiện trên cành, bẹ non, trái non và trái chín chuẩn bị thu hoạch.
Được biết, Cam Hà Giang chỉ bắt đầu thu hoạch vào tháng 12 dương lịch hằng năm. Hơn nữa, cam Hà Giang có hạt, khi chín quả màu vàng, cùi dày, vị ngọt thơm. Vào mùa thu hoạch, giá cam Hà Giang được bán tại vườn khoảng 15.000 đồng/kg (chưa tính công hái, cước phí vận chuyển), cuối vụ giá lên đến 50.000 đồng/kg. Bởi vậy, cam Hà Giang trên thị trường không thể giá rẻ như vậy.
Bà Thương cho biết: "Tôi thả 7.000 cá bông giống. Cá rất dễ nuôi, mau lớn, ít bị hao hụt, giá cá thương phẩm luôn ổn định và cao hơn cá lóc. Để cá bông mau lớn thì ao phải rộng, đường thoát nước tốt, thức ăn đầy đủ. Tốt nhất là thức ăn tự nhiên từ nguồn cá linh, cá tạp hoặc cá biển".