Nữ tỷ phú say mê nghề vườn
Xưa nay, đa phần nông dân ăn nên làm ra đều là đàn ông, lực điền, có đủ sức khỏe mới có thể đảm đương được công việc nặng nề. Vậy mà tại ấp Phước Thủy, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long có một phụ nữ nổi tiếng về sản xuất cây giống và trồng cây ăn trái, mỗi năm thu nhập trên bạc tỷ.
Bà Trần Thị Hiền chăm sóc cây giống vừa ghép
Người đó là bà Trần Thị Hiền, 61 tuổi, suốt ngày cặm cụi gắn bó với mảnh vườn không thua gì đàn ông.
Bà Hiền tâm sự, trước đây vợ chồng bà đều là nông dân tay lấm chân bùn, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhất là từ khi chồng qua đời năm 2001 đến nay, cuộc sống càng vất vả hơn, nhưng nhờ say mê nghề vườn nên bà đã nối nghiệp chồng, ngày ngày lặn lội đi tìm hạt giống về ươm trồng bán cho các nhà vườn và các cơ sở sản xuất cây giống. Ngoài ra, bà còn là một nông dân trồng sầu riêng nổi tiếng ở địa phương.
Bà cho biết, thời gian đầu do thiếu vốn, thiếu đất, lại thiếu kinh nghiệm nên công việc làm ăn gặp không ít khó khăn. Sau đó nhờ quan hệ tốt với khách hàng, đặc biệt là các cơ sở sản xuất cây giống (cây ghép) nên sản phẩm làm ra tiêu thụ ngày càng nhiều. Nhờ vậy mà lần hồi bà thuê thêm đất, mở rộng diện tích sản xuất.
Năm 2016 bà bán ra trên 100.000 cây giống gồm sầu riêng, xoài, mít, bưởi da xanh và nhiều loại cây trồng khác do khách hàng đặt mua. Bà phấn khởi cho biết, hai năm 2017 - 2018 các loại cây giống đều tăng lên gấp rưỡi. Phần lớn cây trên 1 năm tuổi đều có thương lái đặt hàng bỏ cọc.
Bà chia sẻ, niềm đam mê lớn nhất của bà là nghề vườn. Hiện bà đang đầu tư trống 15 công sầu riêng loại Mongthong Thái và cơm vàng hạt lép Ri 6, trong số đó 10 công đã bắt đầu cho trái chín, năm 2018 thu nhập trên 300 triệu đồng.
Để cây phát triển tốt, năng suất chất lượng cao bà thường xuyên theo dõi báo chí và học hỏi kinh nghiệm từ những nông dân thành đạt. Nhờ vậy mà vườn sầu riêng nhà bà lúc nào cũng xanh mướt, trái sai, trái to, chất lượng thơm ngon, thương lái sẵn sàng mua với giá cao.
Khu vườn ươm cây giống
Khi hỏi về cách chăm sóc cây sầu riêng, nhiều người không ngờ một phụ nữ như bà mà đã nắm bắt kỹ thuật một cách tỉ mỉ, khoa học từ khâu chọn cây giống, cách làm đất, xử lý phân, thuốc cho đến sau khi thu hoạch phải làm gì cho cây tiếp tục ra hoa kết trái vào mùa sau. Không những vậy, bà còn biết chủ động xử lý cho cây ra hoa đậu trái theo ý muốn.
Bà nói: Sầu riêng trồng gốc ghép chỉ sau ba, bốn năm là có trái, nhưng muốn cho cây tăng trưởng tốt và tuổi thọ cao, cây trồng phải sạch bệnh, mắt ghép không bị sâu bệnh, đất trồng phải xẻ mương, lên liếp, đắp mô cao để tránh úng vào mùa mưa.
Bà Trần Thị Hiền chuẩn bị cây giống sầu riêng để giao cho khách hàng
Điều quan trọng hơn nữa là cây trồng phải được chăm sóc chu đáo, thường xuyên bổ sung dinh dưỡng bằng phân hữu cơ hoặc chất mùn, tuyệt đối không được sử dụng phân, thuốc quá liều lượng làm cây dễ bị suy kiệt.
Với thành quả đã đạt được, bà không những nhận được giấy khen của địa phương về kinh doanh sản xuất giỏi mà còn nhận được bằng khen của Ủy ban nhân dân huyện Mang Thít về thành tích tiêu biểu xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Để khách hàng tin tưởng, bà sử dụng phân, thuốc theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất, đồng thời bảo vệ được môi trường.
Bà chia sẻ, một trong những nguyên nhân giúp bà thành công như hôm nay, trước hết là nhờ bà đã gắn bó với nông thôn, yêu thích nghề vườn từ nhỏ nên đi đến đâu bà cũng tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật canh tác và chăm sóc thích ứng mang lại hiệu quả cao.
Hơn nữa, bà có một người con trai cũng yêu thích nghề vườn đã giúp bà áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong nuôi trồng và sản xuất.
Cụ thể như thay vì trước đây tưới bằng thùng, bằng vòi phun thì nay được thiết kế bằng hệ thống tưới tự động, vừa giảm tốn kém chi phí vừa tiết kiệm được nhân công.
Một gốc sầu riêng của bà Trần Thị Hiền
Có thể bạn quan tâm
Đó là anh Trần Văn Vỵ (TP Vũng Tàu). Ngoài con giống hàu sữa (hàu Thái Bình Dương), anh còn nghiên cứu sản xuất thành công giống nghêu hai vòi (sò mía).
Ông Nguyễn Thái, 53 tuổi, quê ở ấp Bình Điền, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là một nông dân có ý chí vươn lên làm giàu từ chăn nuôi.
Anh Linh đầu tư nuôi khoảng 1.000 con/năm, trung bình mỗi con giá khoảng 450.000 đồng, sau khi trừ đi chi phí cũng cho thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.