Mỗi Năm Lãi 400 Triệu Đồng Từ Nuôi Ba Ba, Rùa

Đó là mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Túy ở thôn Nghĩa Xá, xã Đại Đồng (Tứ Kỳ - Hải Dương). Ông Túy là người tiên phong ở xã Đại Đồng trong việc nuôi ba ba.
Vào khoảng những năm 1980, ông thấy nhà hàng, khách sạn có nhu cầu tiêu thụ ba ba lớn, tuy nhiên ba ba trong tự nhiên thường nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu. Từ đó, ông Túy đã nghĩ đến việc nuôi để có những con ba ba đủ trọng lượng. Ông đã đi thu mua ba ba bán ở các chợ đưa về ao nhà nuôi thêm một thời gian rồi mới xuất bán.
Thấy hiệu quả từ việc này mang lại cao, ông đã đầu tư nuôi theo cách chuyên nghiệp. Ban đầu, ông cải tạo hơn 1 sào ao cho phù hợp với nuôi ba ba như kè bằng bê-tông, làm hàng rào bảo vệ. Nguồn thức ăn cũng được ông chuẩn bị kỹ, ngoài việc đào giun, mua ốc bươu vàng, ông còn nuôi thêm giun quế để cho ba ba ăn.
Để mở rộng quy mô chăn nuôi, thời gian gần đây, ông đã mua đất ra khu mới và làm lại toàn bộ hệ thống ao nuôi. Đến nay, ông Túy đã có 4 ao nuôi ba ba với quy mô 7 sào. Trong ao luôn có khoảng 2.000 con ba ba với nhiều loại như ba ba gai, ba ba trơn... Để tăng hiệu quả kinh tế, ông Túy chọn hình thức nuôi gối. Trong ao nhà ông luôn có nhiều loại ba ba khác nhau, để vừa tận dụng hết nguồn thức ăn và lúc nào cũng có ba ba thịt để bán.
Để chủ động về nguồn con giống, năm 2000, ông Túy đã gây 60 con ba ba giống. Trung bình mỗi năm số ba ba giống này đẻ được 1.000 quả trứng, tỷ lệ nở đạt khoảng 90%. Một nửa ba ba nở ra, ông Túy bán cho khách hàng, số còn lại ông để nuôi. Năm 2012, ông Túy bán được 500 con ba ba giống và 200 con ba ba thịt, thu nhập đạt trên 500 triệu đồng.
Có kinh nghiệm từ nuôi ba ba, từ năm 2005, ông Túy đã tìm hiểu và đưa rùa cảnh về nuôi. Với quy mô hơn 20 con ban đầu, nay ông đã có trên 60 con, trong đó có 20 con sinh sản. Trung bình 1 năm, số rùa sinh sản này đẻ được khoảng 50 con rùa con. Giá bán 1 con rùa mới nở trên 2 triệu đồng, còn nếu để nuôi lớn có giá cả chục triệu đồng/kg.
Năm 2012, ông Túy cũng thu được trên 100 triệu đồng tiền bán rùa. Để mở rộng quy mô chăn nuôi, cách đây 2 tháng, ông Túy đã làm thêm chuồng để nuôi thỏ. Hiện nay, đàn thỏ đang sinh trưởng và phát triển tốt, sắp cho thu hoạch.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Túy cho biết: "Tôi luôn tìm hiểu đặc điểm của từng vật nuôi để tìm ra cách chăm sóc cho vật nuôi tốt nhất, có như vậy chúng mới lớn nhanh, ít bệnh tật, qua đó sẽ tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần tìm hiểu kỹ về thị trường tiêu thụ. Khi thị trường khó khăn thì cần phải thu hẹp quy mô hoặc tìm những con khác cho phù hợp hơn. Vì vậy, tôi chưa bao giờ bị lỗ".
Hiện gia trại của ông Túy đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động đều là người trong gia đình. Ngoài việc làm giàu cho mình, ông Túy còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với những người khác trong xã. Hằng năm, gia đình ông tham gia đóng góp hàng chục triệu đồng cho các loại quỹ của địa phương và ủng hộ các phong trào.
Có thể bạn quan tâm

Anh Khá cho biết: “Nếu như mọi năm, sau khi thỏa thuận được giá cả, thương lái sẽ giao hết tiền và nhanh chóng thu hoạch hết mía chỉ trong 1 - 2 ngày. Năm nay, thương lái chỉ đặt cọc khoảng 70% và sau cả tuần lễ họ cũng chưa chặt hết mía trên ruộng”.

Chính quyền Trung Quốc đã chính thức cấm nhập khẩu gạo theo đường tiểu ngạch từ Việt Nam, nhằm thắt chặt kiểm tra các khoản thu thuế đối với các nhà nhập khẩu nước này.

Một con gà Hồ trưởng thành nặng 5 - 6kg có giá 2,5 - 3 triệu đồng. Thịt gà thơm ngon, giá cao ngất nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn, thực khách muốn ăn phải chờ đến Tết.

Sinh năm 1977 trên vùng đất chiêm trũng chưa mưa đã lụt Thanh Miện, chàng thanh niên Cao Văn Lâm vốn ôm ấp nhiều giấc mộng đổi đời, thoát khỏi cảnh... làm ruộng. Lang bạt mãi và làm đủ nghề rồi cũng không đến đâu, anh đã chọn con đường riêng là trở về quê để… đi cấy.

Từ năm 2011, mô hình nuôi cá không cần cho ăn hình thành ở sông La Ngà (huyện Định Quán), Đồng Nai, đến nay đã có nhiều gia đình ứng dụng cách làm này.