Mỗi Năm Lãi 400 Triệu Đồng Từ Nuôi Ba Ba, Rùa
Đó là mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Túy ở thôn Nghĩa Xá, xã Đại Đồng (Tứ Kỳ - Hải Dương). Ông Túy là người tiên phong ở xã Đại Đồng trong việc nuôi ba ba.
Vào khoảng những năm 1980, ông thấy nhà hàng, khách sạn có nhu cầu tiêu thụ ba ba lớn, tuy nhiên ba ba trong tự nhiên thường nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu. Từ đó, ông Túy đã nghĩ đến việc nuôi để có những con ba ba đủ trọng lượng. Ông đã đi thu mua ba ba bán ở các chợ đưa về ao nhà nuôi thêm một thời gian rồi mới xuất bán.
Thấy hiệu quả từ việc này mang lại cao, ông đã đầu tư nuôi theo cách chuyên nghiệp. Ban đầu, ông cải tạo hơn 1 sào ao cho phù hợp với nuôi ba ba như kè bằng bê-tông, làm hàng rào bảo vệ. Nguồn thức ăn cũng được ông chuẩn bị kỹ, ngoài việc đào giun, mua ốc bươu vàng, ông còn nuôi thêm giun quế để cho ba ba ăn.
Để mở rộng quy mô chăn nuôi, thời gian gần đây, ông đã mua đất ra khu mới và làm lại toàn bộ hệ thống ao nuôi. Đến nay, ông Túy đã có 4 ao nuôi ba ba với quy mô 7 sào. Trong ao luôn có khoảng 2.000 con ba ba với nhiều loại như ba ba gai, ba ba trơn... Để tăng hiệu quả kinh tế, ông Túy chọn hình thức nuôi gối. Trong ao nhà ông luôn có nhiều loại ba ba khác nhau, để vừa tận dụng hết nguồn thức ăn và lúc nào cũng có ba ba thịt để bán.
Để chủ động về nguồn con giống, năm 2000, ông Túy đã gây 60 con ba ba giống. Trung bình mỗi năm số ba ba giống này đẻ được 1.000 quả trứng, tỷ lệ nở đạt khoảng 90%. Một nửa ba ba nở ra, ông Túy bán cho khách hàng, số còn lại ông để nuôi. Năm 2012, ông Túy bán được 500 con ba ba giống và 200 con ba ba thịt, thu nhập đạt trên 500 triệu đồng.
Có kinh nghiệm từ nuôi ba ba, từ năm 2005, ông Túy đã tìm hiểu và đưa rùa cảnh về nuôi. Với quy mô hơn 20 con ban đầu, nay ông đã có trên 60 con, trong đó có 20 con sinh sản. Trung bình 1 năm, số rùa sinh sản này đẻ được khoảng 50 con rùa con. Giá bán 1 con rùa mới nở trên 2 triệu đồng, còn nếu để nuôi lớn có giá cả chục triệu đồng/kg.
Năm 2012, ông Túy cũng thu được trên 100 triệu đồng tiền bán rùa. Để mở rộng quy mô chăn nuôi, cách đây 2 tháng, ông Túy đã làm thêm chuồng để nuôi thỏ. Hiện nay, đàn thỏ đang sinh trưởng và phát triển tốt, sắp cho thu hoạch.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Túy cho biết: "Tôi luôn tìm hiểu đặc điểm của từng vật nuôi để tìm ra cách chăm sóc cho vật nuôi tốt nhất, có như vậy chúng mới lớn nhanh, ít bệnh tật, qua đó sẽ tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần tìm hiểu kỹ về thị trường tiêu thụ. Khi thị trường khó khăn thì cần phải thu hẹp quy mô hoặc tìm những con khác cho phù hợp hơn. Vì vậy, tôi chưa bao giờ bị lỗ".
Hiện gia trại của ông Túy đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động đều là người trong gia đình. Ngoài việc làm giàu cho mình, ông Túy còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với những người khác trong xã. Hằng năm, gia đình ông tham gia đóng góp hàng chục triệu đồng cho các loại quỹ của địa phương và ủng hộ các phong trào.
Related news
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Liễu Đô (Lục Yên) đã đăng ký phấn đấu trở thành xã nông thôn mới vào năm 2015.
Theo kết quả điều tra, khảo sát các cá thể cây sầu riêng từ năm 2011-2013 của Trung tâm cây ăn quả miền Đông Nam bộ, giống sầu riêng “SR HB11” được Trung tâm giao cho nhà vườn trồng tại xã Long Phước từ năm 1996 có nhiều đặc tính nổi trội về năng suất ổn định (352 kg/cây), phẩm chất và khả năng chịu sâu bệnh cao…
Có tín hiệu đáng mừng trong xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, đặc biệt một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, thông tin từ Bộ Công thương.
Thực hiện phong trào thi đua của Trung ương Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam, Ban đại diện Hội NCT tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai chương trình hành động NCT tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015 và đã phát động phong trào thi đua trong các cấp hội.
Theo Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động của các doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh.