Mở rộng triển vọng nuôi cá nước ngọt tại Quảng Bình
Vừa qua, HTX Thủy sản – Kinh doanh tổng hợp Ngọc Tâm (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã thực hiện thành công đề tài “Thử nghiệm mô hình sản xuất giống nhân tạo cá diếc tại Quảng Bình”; mở ra triển vọng lớn cho nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh.
Triển vọng từ con giống
Trong những năm gần đây, nghề nuôi cá nước ngọt ở Quảng Bình đã có những bước tiến vượt bậc, nhiều đối tượng có giá trị kinh tế cao được quan tâm phát triển như: ba ba, cá chình, lươn, cá bống, lăng chấm… Trong đó, cá diếc là loài cá bản địa đang được săn lùng bởi giá trị dinh dưỡng cao, trở thành đối tượng đặc sản được cung cấp nhiều cho các nhà hàng, quán ăn… phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân khắp cả nước.
Nguồn giống cá diếc chủ yếu là đánh bắt trong tự nhiên, tuy nhiên, gần đây, do sự thay đổi phương thức canh tác lúa nước, sử dụng phân bón và chế phẩm hóa học nhiều, cùng đó là sự khai thác quá mức đã khiến sản lượng cá diếc trong tự nhiên cạn kiệt dần. Vì vậy, nhiều năm qua nguồn giống không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Trước thực trạng đó, nhằm chủ động tạo ra con giống cá diếc để cung cấp cho người nuôi trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận, HTX Thủy sản – Kinh doanh tổng hợp Ngọc Tâm đã tiến hành thực hiện đề tài “Thử nghiệm mô hình sản xuất giống nhân tạo cá diếc tại Quảng Bình”.
Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 880 con cá diếc bố mẹ (tỷ lệ đực cái 1:1), tổng khối lượng 200 kg để nuôi vỗ thành thục. Trong quá trình nuôi vỗ, cá bố mẹ được cho ăn thức ăn thức ăn công nghiệp và mầm thóc.
Sau một thời gian, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được 352 cá cái và 396 cá đực thành thục để tiến hành sinh sản nhân tạo. Sau 30 ngày (kích thích sinh sản, ấp trứng, ương cá bột lên cá hương), cá hương được chuyển sang ao lớn hơn với mật độ ương 100 con/m2 để tiếp tục ương lên cá giống, giai đoạn này cá được cho ăn cám gạo, bột mỳ và bột cá.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, lượng cá bột thu được là 420.000 con, lượng cá hương là 260.000 con, còn cá giống là 195.000 con, tỷ lệ sống của cá hương lên cá giống khoảng đạt 75%, cao hơn so tỷ lệ sống khi ương cá bột lên cá hương (62%). Nguyên nhân có thể giải thích là do cá càng lớn khả năng thích nghi với điều kiện sống càng tốt hơn, từ đó cho tỷ lệ sống cao hơn. Sau 3 tháng ương nuôi, chiều dài trung bình cá giống đạt 4,62 cm/con, khối lượng trung bình 2,503 g/con.
Sau khi thử nghiệm thành công, HTX đã xuất bán cho người dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy gần 200.000 con giống. Hiện, các hộ nuôi đánh giá cá sinh trưởng và phát triển tốt.
Việc sản xuất thành công giống cá diếc có ý nghĩa rất lớn, không chỉ giúp bảo tồn nguồn gen giống cá nhiên mà còn góp phần giải quyết những khó khăn về con giống cho nhiều hộ nuôi.
Loài cá nhiều ưu điểm
Cá diếc có tên khoa học là Carasius auratus, thuộc họ cá chép và được phân bố chủ yếu ở khu vực đại lục Á – Âu. Loài cá này có thân hình khá dẹt, phần thân trên của cá khá tròn và nở rộng, thu hẹp lại ở phần đuôi, ngực hơi tròn. Cá có phần đầu nhỏ. Mắt của cá diếc cân đối và có màu đỏ. Mắt có viền đỏ, miệng nhỏ, thân phủ vảy lớn, không râu. Đường bên hơi uốn xuống ở đoạn vây ngực – bụng. Vây lưng dài, trong các tia gai xương thì tia thứ 3 dài nhất, có răng cưa ở cạnh sau. Cá có màu sáng ánh bạc, phần lưng có màu sẫm hơn so với phần bụng. Tùy từng môi trường sống cá sẽ có màu sắc đậm nhạt khác nhau.
Cá diếc có kích thước nhỏ, trong tự nhiên, chúng có trọng lượng không vượt quá 3 kg và kích thước chừng 45 cm. Chúng là động vật ăn tạp, nguồn thức ăn là sinh vật phù du, động vật không xương sống, thực vật, các loại vụn hữu cơ và tảo biển. Cá diếc là loài cá nước ngọt, trong tự nhiên, môi trường sống của chúng chủ yếu ở các vùng ao, hồ, sông, các khu ruộng ở vùng đồng bằng cho tới vùng miền núi phía Bắc. Khi cá diếc đạt 1 năm tuổi sẽ bước vào chu kỳ sinh sản, thời gian là khoảng từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch.
Cá diếc có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, ngọt, mát, không tanh như các loại cá khác nên thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Trong y học cổ truyền, cá diếc không chỉ dùng làm món ăn thông thường mà còn là vị thuốc chữa một số bệnh như tiểu đường, suy nhược cơ thể, đại tràng, lợi sữa cho phụ nữ sau sinh, bổ máu…
Theo anh Phạm Ngọc Quỳnh, Chủ nhiệm đề tài: Với việc làm chủ công nghệ sinh sản nhân tạo cá diếc, chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn giống để bà con nuôi thương phẩm với số lượng lớn. Hy vọng trong thời gian tới, quy trình này sẽ được nhân rộng và hỗ trợ chuyển giao cho người nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Để nuôi cá theo quy trình công nghệ này, người nuôi phải tạo “sông trong ao”. Theo đó, tạo thành trục sông có tường bê tông ngăn nước
Cá dầm xanh được thị trường ưa chuộng bởi thịt thơm ngon, giá trị kinh tế cao. Người dân xã Mai Hịch (Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã duy trì
Diễn biến thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh trên thủy sản. Vì vậy, để phòng tránh và xử lý dịch bệnh