Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mở hướng cho nghề muối

Mở hướng cho nghề muối
Ngày đăng: 27/10/2015

Có thể nói, việc chuyển đổi từ sản xuất muối truyền thống sang muối sạch là hướng đi tất yếu...

Mô hình làm muối sạch lót bạt đã được ngành NN&PTNT triển khai ở đồng muối Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước và Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát từ vụ muối năm 2011;

Song khó nhân rộng do chi phí đầu tư ban đầu khá cao, trong khi đời sống của diêm dân còn khó khăn.

Đáng mừng là gần đây đã có những động thái tích cực để góp phần nâng cao hiệu quả nghề muối.

 

Đóng bao muối sạch tại Công ty Cổ phần Muối và Thực phẩm Bình Định.

Những tín hiệu vui

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt, làm cơ sở để Bộ KH&CN xét duyệt dự án (DA) đầu tư nhà máy chế biến và nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết bị sản xuất muối sạch và muối tinh dùng cho dược phẩm và các ngành Công nghiệp khác tại Bình Định.

DA được thực hiện trong giai đoạn 2016-2018, tổng vốn đầu tư gần 110 tỉ đồng.

Chuẩn bị cho DA này, năm 2014, Công ty Cổ phần Muối và Thực phẩm Bình Định được đầu tư gần 2 tỉ đồng để xây dựng “Mô hình sản xuất muối nguyên liệu sạch theo công nghệ trải bạt trên nền đất” với diện tích 4,7 ha tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.

Mô hình này có ưu điểm rút ngắn được thời gian kết tinh từ 5-7 ngày, giảm một nửa thời gian so với phương pháp truyền thống (diêm dân thường gọi là muối đất);

Tăng năng suất; chất lượng muối tốt; dễ quản lý nguồn nước; cải tạo lại sân nền nhanh; chi phí đầu tư tái sản xuất thấp; hạn chế thiệt hại khi gặp mưa bất thường.

Giá bán muối trải bạt cũng cao hơn muối đất từ 500-700 đồng/kg.

Với công nghệ sản xuất muối trải bạt, trong thời gian 4 tháng, có thể lãi từ 50-70 triệu đồng/ha.  

“Hiệu quả mô hình thì thấy rõ, nhưng để bà con tin và làm theo, trong năm 2015, công ty đặt vấn đề cùng chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ một số hộ dân ở xã Mỹ Cát, Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) và xã Cát Minh (Phù Cát) trực tiếp làm muối sạch trải bạt” - ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Công ty Cổ phẩn Muối và Thực phẩm Bình Định - cho hay. 

Theo Trạm Khuyến nông huyện Phù Mỹ, kết thúc vụ muối năm nay, mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt tại Mỹ Cát gồm 1,8 ha ruộng muối liên kết của 4 hộ dân ở đây đã cho lợi nhuận cao hơn so với sản xuất muối đất.

Ông Ngô Thanh Minh, Trưởng nhóm liên kết sản xuất muối sạch của xã Mỹ Cát, chia sẻ: “Sản xuất muối lót bạt đạt năng suất 152 tấn/ha, cao hơn muối đất 32 tấn/ha; giá bán muối sạch cao hơn muối đất 500 đồng/kg; tính ra lợi nhuận từ sản xuất muối sạch cao hơn muối đất là 35,7 triệu đồng/ha.

Ban đầu nghe phổ biến làm muối sạch theo quy trình công nghệ ai cũng lo.

Nhưng chỉ qua một mùa thực hiện thì thấy không có gì khó cả.

Bây giờ, ai cũng thấy rõ hiệu quả của mô hình, lợi đủ thứ.

Quan trọng là không còn lo đầu ra và giá cả trồi sụt nữa”.

Mở rộng quy mô

Theo DA đầu tư nhà máy chế biến và nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết bị sản xuất muối sạch và muối tinh dùng cho dược phẩm và các ngành Công nghiệp khác tại Bình Định, bắt đầu từ vụ muối 2016, muối trải bạt sẽ được triển khai trên diện tích 100 ha ở vùng muối đầm Đề Gi thuộc 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát.

“Định hướng chung là phải quy hoạch lại cánh đồng lớn, chỉnh sửa đồng muối, ghép nhiều ruộng muối lại thành từng đám lớn khoảng 2 ha để thuận tiện cho việc thu hoạch, vận chuyển muối” - ông Nguyễn Văn Thông cho hay.

Các địa phương cũng rất hào hứng với DA này.

Từ cuối tháng 9.2015, UBND huyện Phù Mỹ đã họp, giao nhiệm vụ cho từng phòng, ban, lãnh đạo 2 xã Mỹ Cát, Mỹ Thành và “chốt” thời điểm chậm nhất đến 31.12.2015 phải hoàn thành quy hoạch, tổ chức ghép nhóm, ghép hộ, dồn điền để đảm bảo diện tích của ruộng muối.

Theo ông Trần Phụng Chánh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Cát, đến thời điểm này có khoảng 80 hộ dân làm muối (chiếm hơn 50%) đã có đề xuất được làm muối sạch lót bạt.

“Bây giờ, bà con “hít” muối sạch lắm, xã cũng rất muốn phát triển mô hình này.

Chúng tôi đang tính đến phương án để nông dân được vay vốn ngân hàng đầu tư ban đầu làm muối sạch” - ông Chánh bộc bạch.

Tuy nhiên, để mở rộng vùng sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt, diêm dân vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT) đã hoàn thành việc xây dựng và đang lấy ý kiến các sở, ngành và địa phương liên quan về dự thảo chính sách phát triển ổn định nghề muối đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, quy định hỗ trợ đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng muối, hỗ trợ bạt để làm muối sạch và tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với diêm dân.

Diện tích muối toàn tỉnh  hiện có là 218 ha, sản lượng năm 2015 đạt 27.000 tấn; trong đó diện tích làm muối sạch lót bạt mới có 26 ha (Cát Minh 5 ha, Mỹ Thành 5,2 ha, Mỹ Cát 1,8 ha, Phước Thuận 14 ha).

“Quy mô sản xuất của nghề muối quá nhỏ nên lâu nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ diêm dân, ngoại trừ một số mô hình nhỏ lẻ hỗ trợ về sản xuất.

Việc xây dựng chính sách này rất cần thiết, dự kiến chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh và ban hành ngay trong năm nay” - ông Nguyễn Xuân Nam, Trưởng phòng Chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn (thuộc Chi cục Phát triển nông thôn), cho hay.

Mặt khác, tỉnh cũng đang xây dựng quy hoạch ngành muối đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, với diện tích sản xuất khoảng 200 ha, xác định chuyển tất cả các diện tích muối thủ công sang ứng dụng KHKT sản xuất muối sạch, nâng cao năng suất, chất lượng, nhằm phục vụ các ngành sản xuất công nghiệp.


Có thể bạn quan tâm

Nông dân lao đao vì... mía! Nông dân lao đao vì... mía!

Giá mía liên tục giảm trong nhiều năm, người thu mua thì ép cấp ép giá, cộng với những rủi ro về sâu bệnh, hạn hán… khiến đời sống của người trồng mía lâm vào cảnh lao đao.

19/05/2015
Trồng nấm linh chi thêm thu nhập Trồng nấm linh chi thêm thu nhập

Chúng tôi cùng đoàn cán bộ Hội Nông dân xã Tân Hòa (Đồng Phú - Bình Phước) tham quan tại trồng nấm linh chi tại Công ty TNHH linh chi Trường Thọ thuộc ấp 4, xã Tân Lập. Anh Nguyễn Chí Thành (28 tuổi), Giám đốc công ty cho biết: “Gia đình tôi trồng và nhân giống các loại nấm từ rất lâu rồi. Do tiếp cận với nghề trồng nấm từ nhỏ nên quá trình sinh trưởng, quy trình chăm sóc nấm tôi nắm rất rõ”.

19/05/2015
Nông dân Đà Lạt sống khỏe nhờ cà tím Thái Lan Nông dân Đà Lạt sống khỏe nhờ cà tím Thái Lan

Cây cà tím được trồng phổ biến tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), chỉ gần 2 tháng cho thu hoạch, thậm chí ăn gần cả năm.

19/05/2015
Nhộn nhịp mùa tiêu Nhộn nhịp mùa tiêu

Theo thống kê sơ bộ của Hội Nông dân xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn - Bình Định), đến nay, trên địa bàn xã có trên 200 vườn tiêu (quy mô từ 100 gốc trở lên), trong đó có khoảng 60% vườn đã cho quả. Từ sự phát triển mạnh cây tiêu dẫn đến thuê mướn nhân công hái tiêu không dễ, khi tiêu vào mùa thu hoạch.

19/05/2015
Sơn Tân mất mùa điều Sơn Tân mất mùa điều

Vụ thu hoạch điều năm nay ở Sơn Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), nông dân kém vui khi điều mất mùa khoảng 60 - 70% do nắng hạn, sâu bệnh…

19/05/2015