Mô Hình Trồng Thâm Canh Cây Rau Má Ở Quảng Ninh Hướng Phát Triển Bền Vững Cần Nhân Rộng
Mặc dù trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã có những bước đột phá tích cực, năng suất cây trồng được nâng cao, qua đó cải thiện từng bước cuộc sống của người nông dân, nhưng cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực, sản phẩm mang tính hàng hóa còn chưa nhiều.
Trước thực tế đó, huyện Quảng Ninh đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình thâm canh cây rau má để phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng, từng loại đất, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác.
Cây rau má là loại rau quen thuộc với người tiêu dùng, lại có tính thích nghi cao, theo công dụng dân gian có thể chữa được nhiều bệnh. Trước đây, do nhu cầu về loại rau này không nhiều cho nên bà con chủ yếu chỉ tận dụng cây rau má mọc hoang dã trong tự nhiên. Nay, cây rau má thực sự trở thành một “đặc sản”, được người dân rất yêu thích và sử dụng thường xuyên.
Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao, cây rau má bắt đầu được gieo trồng như các loại rau khác. Đầu năm 2013, UBND huyện và các ngành đã có khảo sát, thăm mô hình trồng cây rau má tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế.
Tiếp đó, mô hình trồng thâm canh cây rau má tại các xã Võ Ninh, Duy Ninh và Xuân Ninh với diện tích 2 ha ra đời. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ gần 29 triệu đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học - công nghệ và hơn 62 triệu đồng từ sự đóng góp của người dân, mô hình còn nhận được sự “trợ sức” từ UBND các xã với kinh phí 300.000-400.000 đồng/sào.
Trong giai đoạn đầu của mô hình, nhiều hoạt động đã được triển khai đồng bộ, như: khảo sát, chọn địa điểm, chọn hộ gia đình thực hiện; tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây rau má; tổ chức các đoàn thăm quan mô hình thực tế... Điểm ghi nhận từ mô hình này chính là sự phối kết hợp hiệu quả, chặt chẽ từ người dân, chính quyền, tổ chức, đoàn thể cấp cơ sở cho đến các phòng, ban cấp huyện, cấp sở.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, thôn Thượng, Võ Ninh, Quảng Ninh cho biết, gia đình chị hiện có hơn 1 sào diện tích trồng cây rau má. Bên cạnh diện tích trồng theo dự án, chị cũng mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm diện tích để tăng năng suất và quy mô của cây trồng.
Chị chia sẻ, so với những loại rau khác, cây rau má có ưu điểm lớn là mang lại năng suất cao, giá cả và đầu ra ổn định, nhu cầu thị trường ở mức cao.
Từ khi bắt đầu gieo trồng vào đầu năm 2014, mỗi ngày, chị thu hoạch trung bình hơn 3 kg cây rau má, và bán ra thị trường với giá 20.000 đồng/kg. Cây rau má chỉ trồng 1 lần, khi cắt thu hoạch 1 lứa, khoảng 10 ngày sau là có thể cắt lứa thứ 2 và tiếp tục như vậy trong vòng 4-5 năm.
Cái khó của trồng loại rau này là đòi hỏi cần có những hiểu biết nhất định về kỹ thuật chăm sóc, theo dõi sâu bệnh và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu trời lạnh hoặc nắng nóng dài ngày, cây rau má dễ bị cháy, hư hại nhiều.
Chị Nguyễn Thị Nhàn bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện để mở rộng thêm diện tích trồng cây rau má của gia đình. Với quy mô lớn hơn, gia đình chị sẽ mạnh dạn đầu tư thiết bị tưới nước chuyên dụng và trang bị hệ thống che chắn cho cây rau má trong thời tiết khắc nghiệt.
Theo chị Trương Thị Huyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Võ Ninh, chị em đã xác định cây rau má là cây chủ lực song song với cây lúa, do đó, rất tích cực trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc loại cây mới mẻ này. Hiện tại, xã Võ Ninh có hơn 550 m2 diện tích và 4 hộ gia đình trồng cây rau má theo mô hình của huyện, bên cạnh đó là một diện tích không nhỏ khác của chị em mạnh dạn trồng thử nghiệm thêm.
Tuy nhiên, vấn đề thiếu giống đang trở nên khá nan giải ngay từ khi mới bắt đầu gieo trồng. Giống được mua chủ yếu từ Thừa Thiên-Huế, nhưng nguồn giống cũng không ổn định và rất thiếu, khan hiếm. Nhiều hộ trong xã rất muốn trồng cây rau má và đã đăng ký mua giống, nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu.
Mới bắt tay vào thử nghiệm hơn 1 năm nay, nhưng cây rau má đã cho thấy thế mạnh vượt trội về sức tiêu thụ trên thị trường, nâng cao giá trị nông sản và góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, huyện Quảng Ninh cần một kế hoạch phát triển dài hơi hơn đối với cây rau má, đồng thời, có sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn nữa về nhiều mặt cho bà con nông dân để mở rộng quy mô, tăng năng suất của loại cây trồng tiềm năng này.
Có thể bạn quan tâm
Mỗi năm sản lượng khai thác hải sản của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hơn 110.000 tấn. Trong khi đó các Nhà máy chế biến hải sản chỉ cần 1/10 sản lượng này là đủ hoạt động nhưng không được đáp ứng. Nguyên nhân do các cửa biển thường bị bồi lấp, hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá còn hạn chế nên tàu thuyền của ngư dân không về các cảng cá của tỉnh Quảng Ngãi để tiêu thụ sản phẩm.
Sau khi nghe ý kiến của nhiều nông dân đến tham dự phiên điều trần của Ủy ban Kinh tế về việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh ngày 31-12, ông Cao Đức Phát đã nói như vậy.
Theo kết quả báo cáo tại hội nghị do Bộ Công thương tổ chức ngày 31-12 tổng kết tình hình năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015,Việt Nam đã xuất khẩu khoảng7,5 triệu tấn gạo với giá trung bình đạt 436,92 USD/tấn (khoảng 9 triệu đồng/tấn).
Ông Nguyễn Văn Hồng, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Nam, một người trồng thanh long có thâm niên cho biết: “Chưa năm nào giá thanh long thời điểm gần tết lại rớt thê thảm như hiện nay, chỉ dao động ở mức từ 6-10 ngàn đồng/kg, giảm hơn nửa so với thời điểm năm ngoái. Như gia đình tôi có 400 trụ chong đèn đợt này thu được hơn 4 tấn, bán với giá 8.500đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí không có lãi”.
Lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt cột mốc gần 1,5 tỉ USD, tăng gần 500 triệu USD so với năm 2013. Kim ngạch mặt hàng này những năm tới sẽ còn cao hơn nữa bởi hiện các DN không chỉ xuất tươi mà còn tập trung chế biến thành những sản phẩm có giá trị gia tăng.