Mô Hình Trồng Lan Hoàng Thảo Và Đinh Lăng Hiệu Quả
Được sự ủng hộ của gia đình và người thân, năm 2013 anh Trần Cao Khải, thôn Hương Đà, xã Thiện Kế (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) nhận thầu gần 2ha đất nông nghiệp của Công ty TNHH một thành viên nông-công nghiệp Tam Đảo để đầu tư xây dựng trên 3.000m2 nhà lưới trồng hoa lan, diện tích đất còn lại anh trồng cây Đinh lăng, một loại cây dược liệu được sử dụng trong nhiều sản phẩm nam dược.
Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong trồng hoa lan và Đinh lăng nên anh Khải gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng.
Vườn lan và Đinh lăng của anh phát triển chậm, sâu bệnh nhiều, thậm chí nhiều cây đã bị chết, gây thiệt hại kinh tế khá lớn. Với tính chịu khó, ham học hỏi anh đã đi thăm quan học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh như: Nam Định, Bắc Giang…
Đến nay, vườn lan nhà anh đã có khoảng 47.000 khom lan giống nhập từ Thái Lan với đủ các màu đỏ, trắng, tím, hồng…, hệ thống nhà lưới cũng được đầu tư thêm giàn phun tưới tự động và lò khô sưởi ấm vào mùa đông. Mặc dù năm 2013, thời tiết không được thuận lợi, nhưng vườn lan nhà anh vẫn xuất bán được 4.000 khom, mỗi khom trị giá từ 80.000đ-100.000đ thu về gần 400 triệu đồng.
Còn đối với cây Đinh lăng, anh Khải đã ký hợp đồng thu mua với Công ty cổ phần TRAPHACO Việt Nam và bắt đầu trồng 4.000 gốc từ tháng 1-2014 đang sinh trưởng và phát triển tốt, với giá thị trường là 60.000đ/cây, sau 2 năm sẽ cho thu hoạch khoảng 250 triệu đồng.
Không những phát triển kinh tế gia đình, anh Khải còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên và trên 10 lao động vào vụ mùa thu hoạch, với mức thù lao 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Khải cho biết: Trồng lan Hoàng Thảo và Đinh lăng không khó. Chỉ cần có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng hợp lý cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, mà chi phí lại thấp.
Riêng đối với cây lan Hoàng Thảo, để cây phát triển tốt và ra hoa nhiều thì nhiệt độ thích hợp nhất là từ 19-33 độ C, vì vậy, phải tưới lượng nước vừa đủ để cung cấp độ ẩm cho cây, mát mẻ về mùa hè, ấm về mùa đông, riêng những ngày có sương muối phải che kín không cây sẽ bị cháy lá.
Điểm đặc biệt của giống lan Hoàng Thảo có thể ra hoa quanh năm, thời gian từ khi ra hoa đến khi tàn kéo dài gần 3 tháng. Dễ sống, dễ chăm sóc, lại cho hoa thường xuyên nên được nhiều người chơi lan ưa chuộng.
Đối với cây Đinh lăng, trồng và chăm sóc lại đơn giản hơn nhiều, mỗi cành mua về được chặt thành từng đoạn, mỗi đoạn dài khoảng 25cm, gọi là 1 hom. Trước khi mang ra trồng, hom được xử lý qua thuốc chống nấm và kích thích ra dễ, mật độ 4 cây/m2. Sau khi trồng đảm bảo tưới nước đủ ẩm, bón thêm vôi, lân, phân chuồng cây sẽ sống và ra dễ phát triển bình thường.
Ngoài ra có thể sử dụng phương pháp che phủ ni lông trên bề mặt luống hạn chế cỏ dại hoặc trồng xen kẽ đỗ, lạc để giữ độ ẩm cho đất. Anh Khải cho biết thêm, trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đấu thầu thêm 10ha đất nông nghiệp để mở rộng đầu tư trồng lan Hoàng Thảo, Đinh lăng và một số giống cây ăn quả khác.
Sẵn có kinh nghiệm, cùng với sự mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm và những thành công bước đầu mô hình trồng hoa lan trong nhà lưới, cũng như tín hiệu tích cực từ những cây Đinh lăng dược liệu, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Khải. Từ đó, mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân ở Bình Xuyên nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung có thể vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng.
Có thể bạn quan tâm
Tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và có hiệu quả, từ đó giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây chè, đặc biệt dừng sử dụng Fipronil - hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm độc 2, không được đăng ký sử dụng trên cây chè tại Việt Nam.
Trong hơn 10 năm trở lại đây, các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong xuất khẩu, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.
Tiếp tục đà sụt giảm từ đầu năm đến nay, tính chung 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014.
Viện Nghiên cứu và phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐH Cần Thơ) đã nghiên cứu lai tạo và khôi phục nhiều giống lúa chịu mặn, chịu phèn giỏi.
Nhanh tay cấy nốt diện tích lúa của gia đình, chị Nguyễn Thị Minh, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) cho biết: Ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, gia đình tôi tiến hành làm đất, vì vậy có thể cấy lúa mùa sớm nhằm tạo quỹ đất cho sản xuất cây vụ đông ưa ấm. Cũng như gia đình chị Minh, đến thời điểm này, gia đình anh Vũ Văn Hải, xã Hải Tây (Hải Hậu) cũng đã hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa.