Anh nông dân có biệt hiệu Được cấy lúa và thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm
“Được cấy lúa” thì hầu như người nào cũng biết. “Được cấy lúa” là tên do nhiều người dân địa phương gọi anh nông dân Đỗ Văn Được (SN 1969) ở ấp Hồng Kỳ, xã Phú Cường.
Anh Đỗ Văn Được trực tiếp điều khiển máy cấy lúa
Đến xã Phú Cường (huyện Tam Nông), hỏi thăm biệt danh “Được cấy lúa” thì hầu như người nào cũng biết. “Được cấy lúa” là tên do nhiều người dân địa phương gọi anh nông dân Đỗ Văn Được (SN 1969) ở ấp Hồng Kỳ, xã Phú Cường. Cái tên xuất phát từ việc, anh Được là nông dân duy nhất ở xã sở hữu cùng lúc 3 chiếc máy cấy lúa hiệu Yanmar và hiện đang phục vụ rất hiệu quả cho việc sản xuất lúa của nông dân trong và ngoài địa phương.
Anh Được bắt đầu tìm hiểu máy cấy lúa sau nhiều năm làm mấy công đất lúa sau nhà, lúa bị chết rất nhiều sau khi gieo sạ không lâu. Điều này khiến anh mất nhiều thời gian, công sức để thuê người cấy lúa lại bằng tay. “Tức mình” vì lúa cứ chết mãi, suốt mấy năm, anh nông dân Đỗ Văn Được rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây để học hỏi và tham dự nhiều buổi hội thảo, tập huấn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2011, anh tình cờ được xem một buổi trình diễn máy cấy lúa Kubota ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông). Tuy nhiên, anh nhận thấy loại máy này mỗi lượt đi cấy chỉ được 6 hàng, mỗi hàng cách nhau đến 30cm, chưa thật sự phù hợp với tâm lý, tập quán gieo sạ khá dầy của bà con nông dân.
Đến cuối năm 2014, anh Được biết loại máy cấy lúa hiệu Yanmar có đến 7 hàng cấy và mỗi hàng chỉ cách nhau 25cm. Thời điểm đó, một chiếc máy trị giá 460 triệu đồng, vượt quá khả năng của gia đình. Lúc này, nhờ có chính sách hỗ trợ cho nông dân mua máy móc, anh quyết tâm vay vốn và được giải ngân 80% số tiền để mua 1 máy cấy lúa Yanmar cùng 1 máy gieo sạ, 20.000 chiếc khay đựng và 1 chiếc phà nhỏ để chở máy. Tổng số vốn đầu tư ban đầu hơn 1,1 tỷ đồng.
Nhờ nhiều năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trước đó, anh nhanh chóng thu lại hiệu quả sau thời gian ngắn đưa máy vào sử dụng. Không lâu sau, anh mạnh dạn vay thêm vốn để mua thêm 1 chiếc máy cấy lúa. Mỗi ngày, 2 chiếc máy có thể cấy khoảng 7ha đất.
Tính riêng vụ đông xuân năm 2016, 2 chiếc máy của anh Được cấy trên 300ha đất ở trong và ngoài địa phương, trừ chi phí, mỗi chiếc còn lời khoảng 700 triệu đồng. Chỉ sau 2 vụ, anh trả hết toàn bộ số tiền vay đầu tư cho 2 chiếc máy.
Đến tháng 4/2017, nhờ tham gia mô hình “Ứng dụng máy cấy lúa giảm giá thành trong sản xuất lúa hàng hóa”, anh Được có thêm chiếc máy cấy lúa thứ 3 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ.
Hiện tại, với 3 chiếc máy cấy có thể đem lại thu nhập trên 1,2 tỷ đồng cho gia đình anh mỗi năm, chưa tính thu nhập từ việc bán mạ cho nông dân và lợi nhuận từ 8,7ha ruộng lúa của gia đình.
“Sử dụng máy cấy lúa giúp nông dân giảm nhiều chi phí đầu tư ban đầu. Bởi lúa cứng cây, không sợ đổ ngã, ít nhiễm bệnh hay chết, giá lúa cũng bán được cao hơn vì hạt lúa đạt chất lượng, nhờ đó giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận đáng kể. Ngoài tăng thu nhập cho gia đình, tôi cũng mong góp phần giúp cho bà con nông dân mình có thể vươn lên làm giàu được từ cây lúa.” - anh Được nói.
Với 3 chiếc máy cấy lúa, anh Được đã trực tiếp tạo việc làm thường xuyên với thu nhập khá cao cho 30 lao động trên địa bàn.
Trong năm 2017, anh dự định mua thêm máy và hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho một số nông dân có nhu cầu mua máy cấy lúa để làm dịch vụ nông nghiệp. Anh Được chia sẻ: “Tôi mong sắp tới sẽ có đủ người mua máy để thành lập 1 Tổ hợp tác dịch vụ cấy lúa phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân”.
Ông Trần Minh Đức - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cường cho biết: Anh Được rất chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm và là một trong những nông dân làm kinh tế giỏi trên địa bàn.
Với sự cần cù cùng tinh thần quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp, mới đây, anh Đỗ Văn Được vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen dành cho nông dân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp năm 2016.
Có thể bạn quan tâm
Tự đi Nga, Trung Quốc, Thái Lan học hỏi nghề nông, du nhập được 2 giống chanh quý mang về nước, thuê mượn đất chỉ chuyên canh cây chanh, lợi nhuận 2 tỷ/năm
Từ việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang trồng dưa lê siêu ngọt VietGAP, nhiều hộ dân ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) thu lãi gần chục triệu đồng
Triển khai từ năm 2016, mô hình trồng giống dâu lai mới và nuôi tằm tập trung khẳng định hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ kén đạt gần 200 triệu đồng/ha dâu.