Mô Hình Sản Xuất Giống Cá Bống Bớp
Được sự hỗ trợ của Sở KH&CN, Công ty TNHH Dương Hùng Vương đã xây dựng thành công mô hình sản xuất giống cá bống bớp tại xã Quỳnh Liên (Quỳnh Lưu); được nghiệm thu và đánh giá đạt loại khá, khả quan cho việc ứng dụng kết quả, nhân rộng mô hình nhằm thúc đẩy sự phát triển nghề nuôi cá bống bớp tại ven biển Nghệ An.
Trong 2 năm (2010 - 2011), với trên 300 cặp cá bống bớp bố mẹ được thu mua từ Nam Định, mô hình đã triển khai được 3 đợt nuôi vỗ thành thục. Tỷ lệ sống của cá trong nuôi vỗ đạt trên 83%. Nuôi vỗ trong ao đất cho tỷ lệ cá cái phát triển tuyến sinh dục bình thường đạt 40,8% và tăng lên 53,7% khi chuyển tiếp vào nuôi vỗ trong bể xi măng. Tỷ lệ cá cái thành thục đủ tiêu chuẩn tuyển chọn tham gia sinh sản đạt 39,6%. Tỷ lệ cá cái sinh sản/số cá tuyển chọn đạt trên 40%.
Từ kết quả sinh sản nhân tạo, mô hình đã thu được trên 10 vạn cá bống bớp giai đoạn cá hương. Tỷ lệ sống trung bình trong ương cá bột lên cá hương (30 ngày) đạt 19,4%, chiều dài cá đạt 2,2 - 2,4 cm.
Tiếp đó, tiến hành ương từ cá hương lên đã thu được trên 5 vạn cá giống với kích thước từ 5 - 6 cm để cung cấp cho bà con nuôi cá bống bớp thương phẩm trong tỉnh. Tỷ lệ sống của cá giống đạt trung bình 72,1% sau 30 ngày ương.
Từ kết quả chuyển giao công nghệ và qua thực nghiệm sản xuất, công ty tiến hành tập huấn kỹ thuật cho trên 50 lượt người nuôi thủy sản ven biển tại Quỳnh Lưu, đã hoàn thiện và đưa ra quy trình sản xuất giống cá bống bớp phù hợp với điều kiện Nghệ An với các bước cơ bản.
Ông Tô Huy Vấn - Giám đốc Công ty TNHH Dương Hùng Vương cho biết, nếu vận dụng hết công suất, mô hình có thể sản xuất trên 50 vạn cá hương, cá giống/năm để cung cấp cho người nuôi trong tỉnh. Hiện nay, nhu cầu giống cá bống bớp trên thị trường trong và ngoài tỉnh rất lớn, do đó những trại sản xuất giống tôm kém hiệu quả có thể chuyển hoặc vận dụng thời gian không sản xuất giống tôm để sản xuất đối tượng này sẽ giúp kéo dài thời gian sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Quá trình nuồi, cá bố mẹ có khối lượng 80 - 100 g/con đưa vào nuôi vỗ cho tỷ lệ thành thục và sinh sản cao hơn cá có khối lượng > 100 g/con. Thức ăn sử dụng khi ương trong ao đất là thức ăn tươi (cá tạp, moi,…) hay thức ăn chế biến khô (moi khô, cá khô), và thức ăn viên nổi có hàm lượng đạm tối thiểu là 26%, với khẩu phần 3% trọng lượng cơ thể.
Khi nuôi vỗ thành thục trong bể, sử dụng thức ăn viên nổi (tỷ lệ 40% - 50%) có độ đạm 35% và thức ăn tươi sống (tỷ lệ 50% - 60%) như tép moi, cá, động vật thân mềm hai mảnh vỏ. Thức ăn của cá nên bổ sung thêm Vitamin E, C và chế phẩm sinh học.
Trong ương cá hương, thức ăn sử dụng là tảo, moina, artemia bung dù và artemia mới nở, một số loại thức ăn tổng hợp như: N0, N1 lan sy. Cá từ 10 ngày tuổi về sau cho ăn thêm thức ăn tự chế biến (tôm, cá, lòng đỏ trứng gà, vịt,...). Bổ sung thêm vitamin và các chế phẩm sinh học để tăng khả năng tiêu hóa và sức đề kháng cho cá. Thức ăn trong ương cá giống là Artemia, thức ăn tổng hợp (viên nổi) và thức ăn tự chế từ các nguyên liệu như: moi, cá tạp, bột ngũ cốc, các loại Vitamin A, C, D, E xay nhuyễn trộn đều.
Môi trường nuôi vỗ và ương nuôi cần đảm bảo điều kiện độ mặn 17 - 20, nhiệt độ: 27 - 30 độ C, DO > 4 mg/l, pH: 7,5 - 8,2, kết hợp si phông, thay nước và sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý chất lượng môi trường ương nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Cá bống cát là loài có giá trị kinh tế khá cao, phân bố chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khu vực ven biển.
Khí oxy hòa tan (dưỡng khí): Đây là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng từng phút đến sự sống của cá bống cát. Sự thiếu dưỡng khí trong nước
Cơm trưa hôm nay của vợ chồng Phát ka ka là món cá Bống Cát kho nghệ và canh Chuối Xiêm chín (món này hình như ít người biết)
Thân thon dài, phía sau dẹp ngang. Đầu dẹp đứng. Mõm dài và nhọn. Mắt gần như nằm ngang trên đỉnh đầu. Hai lỗ mũi tương đối gần nhau. Lỗ mũi trước hình ống.
Đến Bảo tàng Sinh học ở Hà Nội, mọi người có thể nhìn thấy mẫu vật cá Bống trắng do Nhật hoàng Akihito tặng Bảo tàng Việt Nam vào năm 1976.