Mô hình nuôi tôm nhà kính siêu thâm canh
Tại tỉnh Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc không chỉ sản xuất ra sản phẩm tôm sạch mà còn hạn chế nguồn nước thải ra môi trường.
Trong ảnh: Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại Bạc Liêu. Ảnh: vietuc.
Từ lâu, chính quyền địa phương và người dân Bạc Liêu đã xác định tôm thuộc nhóm đối tượng thủy sản chủ lực của tỉnh nhà. Tuy nhiên, trong khâu canh tác, một số bà con nơi đây lại đưa nước nhiễm mặn vào ao đầm nuôi tôm gây ra tình trạng đất phèn mặn. Về lâu dài, đất sẽ khó cải tạo, mất đi sự màu mỡ vốn có.
Nhằm hạn chế tình trạng trên, Tập đoàn Việt Úc đã đầu tư mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại xã Vĩnh Thịnh, Bạc Liêu. Mô hình này không những giảm tải sự xả thải nước nhiễm mặn ra ngoài môi trường, mà còn cung cấp nguồn tôm sạch cho thị trường.
Tại đây, mật độ nuôi thả tôm khá cao, trung bình 200-500 con trên một m2. Năng suất có thể đạt 250 tấn trên một ha mỗi vụ và mỗi năm thu hoạch 3-4 vụ.
Ở khâu nuôi, lúc tôm dưới 20 ngày tuổi, thức ăn được rắc xuống ao nuôi như cách thông thường. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, tôm được cho ăn theo công nghệ tự động. Khi tôm đói, chúng sẽ kẹp càng lại, ngay lập tức, thiết bị thu sóng siêu âm Sonar dưới đáy ao sẽ tiếp nhận tín hiệu và truyền lệnh tới hệ thống máy chủ để cho tôm ăn. Sau khi tôm đã no thì hệ thống cũng dừng hoạt động. Công nghệ mới này giúp tôm được chủ động cho ăn khi có nhu cầu.
Về môi trường sống, tôm được nuôi trong mô hình nhà kính tiệt trùng hiện đại với nhiều trang thiết bị tối tân. Bên trong nhà kính, các ao nuôi đều lót bạt dưới đáy, nguồn nước mặn được xử lý bằng một ao lắng rồi mới đưa vào ao nuôi. Trong mỗi ao đều có quạt nước và ống bơm oxy hoạt động suốt 24 giờ nhằm cung cấp đầy đủ lượng oxy cho tôm phát triển. Nhiệt độ ao được giữ ở mức ổn dịnh dưới 31 độ C và chỉ dao động trong khoảng 1,5 độ C từ ngày sang đêm.
Để giữ cho nước ao luôn trong và sạch, tập đoàn đã ứng dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn vào sản xuất. Với công nghệ này, chất thải và thức ăn dư thừa sẽ bị loại bỏ, lượng nước còn lại được đưa qua giàn tia cực tím nhằm diệt khuẩn và quay trở lại ao tôm. Nguồn nước trên có thể tái sử dụng đến 10 năm nên hạn chế được một lượng nước thải ra ngoài môi trường.
Những mẻ tôm vừa được thu hoạch. Ảnh: vietuc.
Thông qua mô hình nuôi tôm nhà kính siêu thâm canh, Tập đoàn Việt Úc đang hướng tới việc thực hiện được khát vọng "nâng tầm tôm Việt". Mô hình này còn giúp truy xuất được nguồn gốc tôm thương phẩm, hạn chế tình trạng đất nhiễm phèn mặn; tích cực mở rộng thị trường cho tôm Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Áp dụng VietGAP thì cơ sở nuôi, nông dân, người tiêu dùng, cơ sở chế biến, cộng đồng xã hội được lợi gì trong nuôi trồng thủy sản? VietGAP là xu thế tất yếu?
Sẽ rất khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của tôm Việt Nam nếu phía châu Âu cử đoàn sang điều tra nghi vấn Việt Nam đã nhập khẩu tôm nguyên liệu
Thời gian qua, Phú Yên là một trong những địa phương đi đầu trong việc khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.