Mô Hình Nuôi Thâm Canh Cá Chình
Theo chân anh cán bộ khuyến nông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), chúng tôi tham quan mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng theo hướng thâm canh tại hộ chị Đặng Thị Minh Thuý, xã Bình Thạnh.
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Tài, cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình cho biết: Hồ nuôi cá chình được xây bằng gạch, trát xi măng. Hồ nuôi dạng hình tròn với diện tích 100 m2, hồ sâu 2 m, độ sâu mực nước từ 1,2-1,5 m; có nguồn nước chủ động, cống cấp và thoát nước riêng. Sau khi cải tạo ao, kiểm tra các yếu tố môi trường thích hợp, cán bộ kỹ thuật đã cho tiến hành thả giống (có kích thước đồng đều, trọng lượng 110-120 g/con). Mật độ nuôi 6 con/m2, tổng cộng thả 600 con giống vào giữa năm 2008.
Theo anh Nguyễn Văn Tình - cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn, nuôi cá chình trong bể xi măng là hình thức nuôi thâm canh, vì vậy đòi hỏi các điều kiện nhất định như phải sử dụng máy sục khí để tăng lượng oxy vì loài cá này cần nhu cầu oxy cao (hàm lượng oxy phải đạt từ 4 mg/l); thường xuyên kiểm tra màu nước, nước có màu lá chuối non hoặc màu của hạt đậu xanh là tốt nhất; cá chình phải được quản lý chăm sóc chu đáo, nhất là lúc mới mua về nuôi vì giống bắt trong tự nhiên; thức ăn chế biến riêng theo tỷ lệ bột cá chiếm khoảng 70-75%, tinh bột 25-30% và một ít vi lượng, vitamin.
Cá tạp để cho cá chình ăn cần được cắt khúc vừa miệng cá, sau đó tẩm thêm dầu mực khoảng 15 phút rồi cho cá ăn ngay. Lượng thức ăn hàng ngày bằng 3-5% trọng lượng cá. Không nên cho cá chình ăn quá nhiều sẽ gây bội thực và thức ăn dư thừa sẽ làm ô nhiễm nước. Hàng tuần xi phông đáy để tẩy bẩn. Để tạo môi trường tự nhiên cho cá chình cần làm hòn non bộ cho cá trú ẩn.
Ở mô hình này sử dụng các ống nhựa cắt khúc bó thành từng bó để cá trốn vào theo tập tính của loài. Nuôi cá chình đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trên, năng suất có thể đạt được 30-45 tấn/ha (tức 3-4,5kg/m2 mặt nước). Sau nuôi 1 năm cá có thể đạt trọng lượng trên 1kg/con.
Đến nay sau 6,5 tháng nuôi, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm khuyến ngư tỉnh nên cá phát triển rất tốt, tỷ lệ sống trên 75%, trọng lượng cá trung bình 700 gam. Hạch toán hiệu quả của mô hình đến thời điểm hiện tại: 1 kg cá giống có giá khoảng 600 nghìn đồng, tiền giống cá là 36 triệu đồng; tiền thức ăn khoảng 28,3 triệu đồng (15 kg thức ăn cho một kg cá tăng trọng, trung bình 1 kg thức ăn là 6.000 đồng); chi phí thuốc xử lý ao và phòng trừ bệnh 2 triệu đồng; tổng chi phí (chưa tính công chăm sóc) đến thời điểm này khoảng 66,35 triệu đồng. Sản lượng ước đạt 315 kg, giá bán ra thị trường hiện nay khoảng 300 nghìn đồng/kg; tổng thu khoảng 94,5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị Thuý sẽ thu lãi trên 28,15 triệu đồng.
Theo chị Thuý, kế hoạch của Trung tâm Khuyến ngư là sau nuôi 8 tháng sẽ thu hoạch khi cá đạt trung bình 0,5 kg/con, nhưng hiện nay mới chỉ 6,5 tháng nuôi cá đã đạt 0,7 kg/con; chị đã thống nhất với Trung tâm để nuôi đến khi cá đạt trên 1 kg/con sẽ xuất bán. Như vậy hiệu quả sẽ còn cao hơn nhiều so với hạch toán trên.
Từ kết quả của mô hình này, Trung tâm Khuyến ngư Quảng Ngãi sẽ mở rộng nuôi mô hình và phổ biến cho nhiều người cùng nuôi cá chình trong bể xi măng theo hướng thâm canh. Được biết, Trung tâm Khuyến ngư cũng đang chuẩn bị thực hiện đề tài chuyển giao kỹ thuật ương cá chình bột để giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cá giống, giúp cho nông dân có nguồn giống tại chỗ, mở rộng mô hình nuôi cá chình trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Kinh nghiệm nuôi ghép cá chạch đồng với cua đồng - Phần 3 (Phần cuối)
Nhóm các nhà khoa học Canada trong việc cải thiện chất lượng và năng suất thịt cá chình thông qua phương pháp chuyển đổi giới tính.
Cá chình bông tiêu thụ thức ăn không nhiều lắm nên nuôi loài cá này tiết kiệm chi phí, đem lại lợi nhuận lớn.
Nuôi chình bông đạt năng suất cao không khó, nên giữ cho nước nuôi trong bể xi măng trong lành, tạo thêm oxy, cho ăn đầy đủ
Đến tham quan mô hình nuôi cá chình bông của ông Trần Luật Sự mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định và giúp ông vươn lên thoát nghèo bền vững