Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Hiệu quả liên kết phát triển vườn dừa hữu cơ

Hiệu quả liên kết phát triển vườn dừa hữu cơ
Tác giả: Cẩm Trúc
Ngày đăng: 06/04/2022

Không chỉ liên kết tiêu thụ đơn thuần, DN còn xây dựng các chính sách hỗ trợ người trồng dừa. Qua đó, các bên tạo mối gắn kết chặt chẽ và từng bước định hướng phát triển vùng nguyên liệu dừa bền vững theo hướng hữu cơ. Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành là một điển hình.

Xây dựng vùng nguyên liệu

Hiện nay, xu hướng phát triển của nông nghiệp hữu cơ - chế biến hữu cơ - tạo ra sản phẩm hữu cơ là nhu cầu cấp thiết của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Việc xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là duy trì sự phát triển bền vững, tăng cường “sức khỏe” cho đất đai, vật nuôi, cây trồng và con người như một thể liên kết không tách rời, giữ gìn môi trường trong lành, giúp cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ cộng đồng. Đây cũng là một giải pháp cho việc đối phó với biến đổi khí hậu.

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã từng bước xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ từ năm 2011. Đến nay, công ty đã liên kết và ký hợp đồng bao tiêu với 17 HTX tại các huyện trên địa bàn tỉnh, với khoảng 6.400ha.

“Công suất nhà máy tiêu thụ khoảng 600 ngàn trái dừa mỗi ngày. Với sản lượng dừa trái tương đối lớn, công ty đã liên kết với các điểm sơ chế vệ tinh để sơ chế dừa trái hữu cơ tại địa phương. Bên cạnh đó, công ty liên kết với các tổ hợp tác (THT), HTX để tổ chức thu mua, sơ chế dừa trái hữu cơ tại vùng nguyên liệu…”, Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Nguyễn Trường Thịnh cho biết.

Hiện tại, các THT, HTX đang liên kết cung cấp nguyên liệu cho công ty dựa trên việc thu mua, vận chuyển dừa hữu cơ: HTX Lộc Thuận, HTX Bình Khánh, HTX Phú Khánh, HTX Hưng Mỹ, THT Châu Bình, THT Châu Hòa, THT Phong Nẫm, THT Hương Mỹ, THT Tân Trung, THT Cẩm Sơn, THT Đại Điền. Nhiều HTX vừa liên kết cung cấp dừa trái hữu cơ vừa tổ chức sơ chế cơm dừa sạch như: HTX Thới Lai, HTX Định Thủy, HTX Phước Hiệp, HTX Thới Thạnh, HTX An Thới, HTX Kiến Phú, THT An Định…

Đánh giá lợi ích của chuỗi liên kết mang lại, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết: việc liên kết này đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương, cũng như góp phần nâng cao giá trị trái dừa, tăng lợi nhuận kinh tế cho các nông hộ trồng dừa. Qua đó, tạo được mối liên kết bền vững giữa nông hộ, HTX với DN.

Qua việc thực hiện các hợp đồng liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định giúp nông dân, HTX ngày càng nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc canh tác, sản xuất theo hướng an toàn, bền vững; an tâm tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm theo đơn đặt hàng của DN và nhu cầu xu thế của thị trường. Quan trọng hơn hết là hiệu quả canh tác, giá trị kinh tế mà mô hình mang lại trên vườn dừa hữu cơ đối với từng hộ dân - là thành viên của HTX, THT và là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết. Kết quả mong mỏi nhất của người trồng dừa là qua việc liên kết này đã giúp bình ổn giá nguyên liệu thị trường, người trồng dừa ít rơi vào tình trạng bị thương lái ép giá.

 Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới liên kết xây dựng vườn dừa hữu cơ tại xã Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam).

Phát triển vườn dừa hữu cơ

Công ty bắt đầu hỗ trợ xây dựng 72 vườn mô hình mẫu đối chứng từ tháng 6-2020 đến nay. Bước đầu, công ty đã xây dựng được một nền tảng tương đối ổn định, có những điểm sơ chế, những tổ liên kết - thu mua, những vườn dừa kiểu mẫu, tạo ra được những chuyển biến tích cực từ người dân trong việc nhìn nhận về chương trình hữu cơ, canh tác hữu cơ. Qua đó, người dân quen dần với “thuật ngữ” mới, cách làm mới và dần dần muốn hợp tác với công ty, cải tạo vườn dừa theo hướng canh tác hữu cơ, nhằm đạt được sự bền vững trong nông nghiệp, cũng là biện pháp ổn định kinh tế gia đình. Từ đó, góp phần vào sự phát triển của chuỗi giá trị nông sản hữu cơ của tỉnh, nâng tầm trái dừa và các sản phẩm từ dừa trên thị trường quốc tế.

Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Nguyễn Trường Thịnh chia sẻ: Việc xây dựng các tổ liên kết dựa trên các nông hộ và thương lái đã gắn kết với công ty suốt những năm qua. Công ty cũng đang duy trì, phát triển các mối liên kết bền vững với các HTX thông qua nhiều chính sách: thu mua dừa dưới hình thức cân ký dừa trái lột trọc để tạo sự công bằng về giá; giới thiệu các đơn vị uy tín khác thu mua các phụ phẩm còn lại như gáo, vỏ... với giá tốt nhất cho các đơn vị sơ chế trong chuỗi; đồng hành hỗ trợ các dụng cụ phục vụ cho sản xuất sơ chế.

Nhằm hỗ trợ cho các THT, HTX khi thực hiện liên kết, công ty thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để mở các lớp tập huấn về phương pháp, kỹ thuật canh tác trồng dừa hữu cơ, ủ phân, bón phân hữu cơ, quản lý sâu bệnh. Bên cạnh đó, công ty có liên kết với công ty phân hữu cơ vi sinh đạt chất lượng hỗ trợ cho nông dân bón phân trên vườn dừa hữu cơ với hình thức trả chậm theo từng lứa dừa. Thực hiện thí điểm vườn dừa mẫu bằng một số giải pháp thiết thực như tiêu diệt động vật gây hại, sâu bọ, kỹ thuật ủ, bón phân nhằm hạn chế thiệt hại do rụng trái mất năng suất, đồng thời giúp gia tăng năng suất cho vườn dừa…

Sau thời gian xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ từ năm 2011 đến nay, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã chứng minh được việc chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ mang lại kết quả khả quan. Vườn dừa canh tác theo hướng hữu cơ sau hạn mặn năm 2019 chịu ảnh hưởng nhẹ hơn, có sức chống chịu tốt và sự phục hồi nhanh hơn so với canh tác truyền thống. Công ty cũng đã không ngừng hoàn thiện và liên tục cải tiến, đổi mới trang thiết bị, nguồn nhân lực và đặc biệt là đầu tư xây dựng cũng như phát triển các vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt của quốc tế (Mỹ - USDA; châu Âu - EU và Nhật - JAS) tại các địa phương trong và ngoài tỉnh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.


Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu rau quả gia tăng giá trị từ chuyển dịch thị trường Xuất khẩu rau quả gia tăng giá trị từ chuyển dịch thị trường

Xuất khẩu rau quả Việt Nam những tháng đầu năm nay có sự sụt giảm khá mạnh. Bởi, thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc gặp nhiều khó

05/04/2022
Khởi động chương trình Vùng nguyên liệu quy mô lớn Khởi động chương trình Vùng nguyên liệu quy mô lớn

Ngày 5/4, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) phối hợp một số đơn vị tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển bền vững chuỗi cung ứng nông nghiệp.

06/04/2022
Xứ Thanh kỳ vọng vào chiến lược thủy sản mới Xứ Thanh kỳ vọng vào chiến lược thủy sản mới

Năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều kỳ vọng lớn.

06/04/2022