Mô Hình Nuôi Dúi Sinh Sản Tại Xã Nhị Hà (Ninh Thuận)
Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, mô hình trình diễn nuôi thử nghiệm con Dúi sinh sản tại xã Nhị Hà (Thuận Nam - Ninh Thuận) đang đem lại những tín hiệu vui, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp người dân có thêm cơ hội làm giàu trên chính quê hương mình.
Dúi hiện nay được xếp vào loại động vật khan hiếm, có thịt là thức ăn đặc sản, ngon, mát, giàu đạm. Dúi là vật nuôi mới, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro và đang là một trong những mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vì Dúi tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt nên hiện nay không đủ cung cấp cho thị trường, nhất là các nhà hàng, quán ăn. Giá con giống (đang độ tuổi động dục), bình quân ở mức 1.000.000đ – 1.200.000đ/cặp. Do số lượng người nuôi còn hạn chế, chưa đáp ứng được thị trường nên chủ yếu vẫn là nuôi để cung cấp Dúi giống.
Từ thực tế và điều kiện tự nhiên của địa phương, Phòng Kinh tế và Hạ tầng (KTHT) huyện Thuận Nam tham mưu UBND huyện thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn nuôi thử nghiệm con Dúi sinh sản tại xã Nhị Hà”.
Dự án được triển khai từ tháng 4-2013, với sự phối hợp của đơn vị tư vấn là Chi đoàn Thanh niên Sở Khoa học và Công nghệ. Sau khi khảo sát, Dự án đã chọn 5 hộ dân tại xã Nhị Hà để triển khai thí điểm mô hình nuôi dúi.
Các hộ được tập huấn kỹ thuật, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm mô hình nuôi Dúi tại TP. Hồ Chí Minh và được hỗ trợ 10 cặp con giống, cùng một phần thức ăn ban đầu.
Anh Nguyễn Tấn Lộc, Phó Trưởng Phòng KTHT huyện Thuận Nam cho biết: Nhị Hà là xã nằm ở vùng bán sơn địa, có vị trí, khí hậu và địa hình thuận lợi đáp ứng cho môi trường sống của Dúi. Kết quả ban đầu sau gần 1 năm triển khai cho thấy, Dúi có biểu hiện thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của địa phương, không xảy ra dịch bệnh.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Văn Nhàn, thôn 2, xã Nhị Hà – một trong 5 hộ nông dân tham gia mô hình nuôi Dúi sinh sản.
Sau khi được tập huấn kỹ thuật và tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi Dúi tại TP. Hồ Chí Minh, ông rất tự tin tham gia cùng dự án. Gia đình ông bỏ ra gần 20 triệu đồng để xây chuồng trại. Đến nay, 10 cặp giống đều đã sinh Dúi con, tất cả đều đang phát triển tốt.
Ông Nhàn chia sẻ: Qua tìm hiểu, được biết con Dúi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Công nuôi, chăm sóc cũng không quá khó. Thức ăn cho Dúi chủ yếu là tre, mía… dễ tìm, phù hợp với điều kiện ở địa phương nên tôi rất yên tâm và hy vọng mô hình nuôi Dúi của gia đình sẽ sớm đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Theo anh Nguyễn Tấn Lộc, mục tiêu của Dự án là chuyển giao và áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi Dúi phù hợp theo điều kiện tự nhiên tại xã Nhị Hà, trên cơ sở đó phát triển nhân rộng mô hình, góp phần đa dạng đối tượng vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, chăn nuôi.
Dự án sẽ kết thúc vào tháng 9-2014, với những tín hiệu vui như hiện nay, hy vọng mô hình nuôi Dúi tại Nhị Hà sẽ thành công, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân Nhị Hà nói riêng và nông dân toàn tỉnh nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Không chỉ đáp ứng nhu cầu nuôi cá nước ngọt ngày một phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, sản xuất giống thủy sản nước ngọt tại Quảng Nam còn cung ứng cho thị trường trong nước, đặc biệt là xuất khẩu.
Tại chợ Chắc Cà Đao (thị trấn An Châu, Châu Thành - An Giang) các tiểu thương bán cá rô đồng dính lưới 3 phân (cỡ khoảng 2 ngón tay/con), với giá 100.000 đồng/kg. Đây là loại cá rô được dân nghèo giăng lưới đánh bắt trong mùa nước nổi.
Nuôi cá rô đầu vuông là một trong những mô hình kinh tế mới của xã vùng cao Quảng Lợi (Đầm Hà, Quảng Ninh), thời gian qua với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Quảng Ninh, Đoàn Thanh niên và Hội nghề cá huyện Đầm Hà, mô hình nuôi (bán thâm canh) cá rô đầu vuông thương phẩm đã được thực hiện thành công, mang hiệu quả kinh tế cao.
Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm ở Lấp Vò (Đồng Tháp) lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp do thời tiết diễn biến bất thường, nguồn tôm giống bị thoái hóa.
Đó là anh Nguyễn Mộng Hùng, ở thôn Trà Sơn, xã Tây An (huyện Tây Sơn - Bình Định). Từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh Hùng đã vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi gà. Trang trại của anh có diện tích 1 ha, nuôi trên 4.000 con gà, cùng hệ thống lò ấp. Anh Hùng nuôi gà theo kiểu bán công nghiệp, vừa nuôi chuồng vừa nuôi thả. Hệ thống chuồng nuôi được xây dựng quy mô, bài bản, có hệ thống chiếu sáng và cung cấp nước tự động, luôn duy trì nhiệt độ phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh cho gà.