Mô Hình Nuôi Dúi Sinh Sản Tại Xã Nhị Hà (Ninh Thuận)

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, mô hình trình diễn nuôi thử nghiệm con Dúi sinh sản tại xã Nhị Hà (Thuận Nam - Ninh Thuận) đang đem lại những tín hiệu vui, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp người dân có thêm cơ hội làm giàu trên chính quê hương mình.
Dúi hiện nay được xếp vào loại động vật khan hiếm, có thịt là thức ăn đặc sản, ngon, mát, giàu đạm. Dúi là vật nuôi mới, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro và đang là một trong những mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vì Dúi tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt nên hiện nay không đủ cung cấp cho thị trường, nhất là các nhà hàng, quán ăn. Giá con giống (đang độ tuổi động dục), bình quân ở mức 1.000.000đ – 1.200.000đ/cặp. Do số lượng người nuôi còn hạn chế, chưa đáp ứng được thị trường nên chủ yếu vẫn là nuôi để cung cấp Dúi giống.
Từ thực tế và điều kiện tự nhiên của địa phương, Phòng Kinh tế và Hạ tầng (KTHT) huyện Thuận Nam tham mưu UBND huyện thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn nuôi thử nghiệm con Dúi sinh sản tại xã Nhị Hà”.
Dự án được triển khai từ tháng 4-2013, với sự phối hợp của đơn vị tư vấn là Chi đoàn Thanh niên Sở Khoa học và Công nghệ. Sau khi khảo sát, Dự án đã chọn 5 hộ dân tại xã Nhị Hà để triển khai thí điểm mô hình nuôi dúi.
Các hộ được tập huấn kỹ thuật, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm mô hình nuôi Dúi tại TP. Hồ Chí Minh và được hỗ trợ 10 cặp con giống, cùng một phần thức ăn ban đầu.
Anh Nguyễn Tấn Lộc, Phó Trưởng Phòng KTHT huyện Thuận Nam cho biết: Nhị Hà là xã nằm ở vùng bán sơn địa, có vị trí, khí hậu và địa hình thuận lợi đáp ứng cho môi trường sống của Dúi. Kết quả ban đầu sau gần 1 năm triển khai cho thấy, Dúi có biểu hiện thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của địa phương, không xảy ra dịch bệnh.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Văn Nhàn, thôn 2, xã Nhị Hà – một trong 5 hộ nông dân tham gia mô hình nuôi Dúi sinh sản.
Sau khi được tập huấn kỹ thuật và tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi Dúi tại TP. Hồ Chí Minh, ông rất tự tin tham gia cùng dự án. Gia đình ông bỏ ra gần 20 triệu đồng để xây chuồng trại. Đến nay, 10 cặp giống đều đã sinh Dúi con, tất cả đều đang phát triển tốt.
Ông Nhàn chia sẻ: Qua tìm hiểu, được biết con Dúi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Công nuôi, chăm sóc cũng không quá khó. Thức ăn cho Dúi chủ yếu là tre, mía… dễ tìm, phù hợp với điều kiện ở địa phương nên tôi rất yên tâm và hy vọng mô hình nuôi Dúi của gia đình sẽ sớm đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Theo anh Nguyễn Tấn Lộc, mục tiêu của Dự án là chuyển giao và áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi Dúi phù hợp theo điều kiện tự nhiên tại xã Nhị Hà, trên cơ sở đó phát triển nhân rộng mô hình, góp phần đa dạng đối tượng vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, chăn nuôi.
Dự án sẽ kết thúc vào tháng 9-2014, với những tín hiệu vui như hiện nay, hy vọng mô hình nuôi Dúi tại Nhị Hà sẽ thành công, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân Nhị Hà nói riêng và nông dân toàn tỉnh nói chung.
Related news

So với các tỉnh ĐBSCL, Bến Tre có tổng đàn heo trên 500 ngàn con, với phẩm cấp giống khá tốt. Tuy nhiên, đa số sản xuất dưới hình thức nông hộ, quy mô còn nhỏ lẻ và mức độ đầu tư về cơ sở vật chất chưa cao, chưa có qui hoạch khu chăn nuôi riêng. Vì vậy, việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng luôn là vấn đề bức thiết. Trong đó, giải pháp an toàn sinh học luôn được chú trọng.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua thời tiết tại Đồng Nai thường xuyên có mưa lớn, độ ẩm cao nên sâu bệnh nấm hồng trên cây điều phát triển khá nhanh. Hiện toàn tỉnh có trên 1 ngàn hécta điều bị bệnh nấm hồng, tăng gần 500 hécta so với dịp cuối tháng 4-2012. Cây điều đang vào giai đoạn thu hoạch và chăm sóc sau thu hoạch.

Ngành Nông nghiệp vùng ĐBSCL cho biết, hiện nông dân trong khu vực đang vào vụ sản xuất lúa nên nhu cầu sử dụng phân bón là rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng phân bón kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều đang mang lại rất nhiều nỗi lo cho nông dân trong vùng.

Liên kết khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) là mô hình mới do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn KNVCS đều phàn nàn bởi khối lượng công việc quá lớn, song mức phụ cấp thấp; chỉ đủ tiền xăng xe hàng tháng nên họ không mặn mà.

Tính đến giữa tháng 3/2012, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 101 triệu đô la Mỹ, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.