Mô hình nuôi bồ câu Pháp hướng phát triển mới cho thu nhập cao
Ấn tượng đầu tiên là hàng trăm cặp chim bồ câu được nuôi nhốt trong lồng xếp thành các dãy dài.
Anh Hoài có thú nuôi chim bồ câu từ thuở nhỏ. Trước đây anh nuôi chim bồ câu với mục đích làm cảnh, sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng anh biết được bồ câu Pháp là loài chim hiền lành, dễ nuôi, thịt chim bồ câu là thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Việc nuôi loài chim này lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nung nấu ý tưởng nhưng anh không vội vàng bắt tay ngay vào công việc, anh đã thâm nhập ở các cơ sở nuôi chim bồ câu Pháp chất lượng ở các tỉnh phía Bắc.
Để bắt đầu việc xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu, anh đã nghiên cứu ưu khuyết điểm từ những nơi khác nhau và quyết định nuôi theo hướng công nghiệp, chỉ nuôi 2 con trong 1 lồng. Theo anh hình thức nuôi này giúp người nuôi dễ dàng quan sát theo dõi tình hình của bồ câu, không sợ bị lây bệnh từ bên ngoài hay bị mất như khi nuôi thả.
Người nuôi có thể biết được một ngày chúng ăn hết bao nhiêu lượng thức ăn, bệnh tật phát sinh thời điểm nào, dễ dàng phát hiện ra con bệnh để cách ly, khả năng sinh sản để đưa ra quyết định bỏ hoặc đầu tư đôi chim có chất lượng. Bên cạnh đấy người nuôi còn có thể tận dụng được chất thải để làm phân bón cho cây trồng.
Từ đó anh không ngần ngại đầu tư hơn 100 triệu đồng cho việc xây dựng chuồng trại và mua bồ câu giống.
Tháng 6 năm 2012 anh đưa vào nuôi thử nghiệm 50 cặp giống bồ câu Pháp thuần chủng với 2 dòng chính: TITAN và MIMAS, được nhập về từ tỉnh Hưng Yên, cơ sở vệ tinh của Trung Tâm giống gia cầm Thuỵ Phương. Cho đến thời điểm này với sự ham học hỏi và tỷ mỷ trong việc chăm sóc, anh đã mở rộng, nhân đàn chim lên đến 300 cặp.
Bồ câu giống khi mua về sau 5 tháng là có thể bắt đầu đẻ trứng, sinh sản và hầu như đẻ quanh năm, mỗi năm một cặp có thể đẻ 8 - 9 lứa, trung bình 1 cặp chim bố mẹ có thể sinh sản trong 5 - 7 năm.
Chim bồ câu con sinh trưởng nhanh, giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94 - 99%. Mỗi con bồ câu Pháp thương phẩm có năng suất thịt gấp đôi với giống bồ câu thường trong khi cùng thời gian chăm sóc.
Chia sẻ cơ duyên tìm đến với công việc này cũng như ý định từ kinh nghiệm nuôi thực tế, anh Hoài tâm sự: "Nuôi chim bồ câu Pháp không khó, bởi chúng rất ít bệnh, sức đề kháng cao, chỉ cần cho chim bồ câu chỗ ở sạch sẽ, đầy đủ ánh sáng; thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông là được.
Mỗi ngày nên cho chim ăn 2 bữa, thức ăn chủ yếu là các loại hạt như thóc, ngô, gạo lức và nước uống sạch. Cần bổ sung chất khoáng có sẵn trong chuồng để chim ăn như ở ngoài tự nhiên."
Sau hơn một năm nuôi, đến nay gia đình anh đã có thể tự sản xuất chim thịt và chim giống cung cấp ra thị trường với giá chim thương phẩm 100 nghìn đồng/cặp, chim giống từ 300 – 350 nghìn đồng/cặp 2 tháng tuổi. Đặc biệt anh sẽ có giá ưu đãi cho bà con nông dân mua số lượng lớn với mong muốn mô hình nuôi nhốt bồ câu Pháp được nhân rộng trong địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Hiện nay cơ sở chim bồ câu Pháp của anh đạt lợi nhuận bình quân 10 triệu đồng/tháng từ nguồn chim giống và chim thương phẩm sau khi trừ chi phí thức ăn và công chăm sóc. Dự đinh trong thời gian đến anh sẽ mở rộng quy mô lên 1000 cặp chim bố mẹ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Điều đáng khen ở anh không chỉ sự dũng cảm, năng động, nỗ lực của bản thân mà còn tính nhiệt tình sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm nuôi với những người có nhu cầu tìm hiểu.
Cách nghĩ, cách làm cộng thêm ý chí quyết tâm, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của anh Hoài không chỉ thể hiện sự đam mê, tìm tòi mà còn khẳng định đây là một mô hình kinh tế hiệu quả phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Đây còn là mô hình chăn nuôi cho người nông dân học tập và cũng là một hướng đi phù hợp cho những hộ nông dân muốn thoát nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Theo lời giới thiệu của một người quen rất sành ăn hoa quả NK, PV NNVN tới một cửa hàng chuyên bán hoa quả NK tại số 92 Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cửa hàng này không ghi rõ tên Cty, mà chỉ trang hoàng gian hàng rất bắt mắt với rất nhiều nhãn hiệu táo NK từ Mỹ, Úc, Newzeland…
Làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng đào và là đầu mối cung cấp đào số lượng lớn cho khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Còn khoảng nửa tháng nữa mới đến Tết nguyên đán nhưng đào Nhật Tân đã nở bung, tình hình mua bán lại ảm đạm khiến giá đào những ngày qua liên tục giảm. Điều này khiến người trồng đào luôn thấp thỏm với nỗi lo khi Tết đến gần.
Tiếp nối đà sản xuất vụ hè thu, khi chuyển sang vụ thu đông, bà con nông dân cũng đã chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu giống, đưa những giống có chất lượng cao, kháng bệnh tốt vào gieo trồng. Nhờ đó, hầu hết diện tích hoa màu vừa thu hoạch đều mang đến cho bà con những kết quả nhất định. Năng suất trung bình của các loại cây trồng như ngô đạt 6,4 tấn/ha, khoai lang 12,5 tấn/ha, đậu nành 1,8 tấn/ha.
Toàn tỉnh hiện gieo cấy được hơn 7.500ha lúa đông xuân, đạt trên 90% tổng diện tích. Trước diễn biến thời tiết phức tạp, rét đậm rét hại có thể tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, nhiều giải pháp chống rét cho lúa được chủ động triển khai thực hiện.
Từng là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản Chả B, xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, song nhờ quyết tâm vượt qua khó khăn, chịu khó chăn nuôi phát triển sản xuất, gia đình chị Tòng Thị Thịnh đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập ổn định. Gia đình chị là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã.