Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Mô hình nông nghiệp thông minh có hiệu quả với nhiều loại cây trồng

Mô hình nông nghiệp thông minh có hiệu quả với nhiều loại cây trồng
Tác giả: Lê Khánh
Ngày đăng: 12/09/2020

“Canh tác theo mô hình nông nghiệp thông minh trong điều kiện tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp sẽ giảm thiểu được thiệt hại trong sản xuất”.

So với các ruộng sản xuất đại trà thì lúa theo mô hình CSA ở xã Bình Đào (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho năng suất cao hơn từ 2 - 3 tạ/ha. Ảnh: L.K.

Đó là ý kiến của ông Võ Tấn Sanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Đào (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sau 2 vụ sản xuất với nhiều loại cây trồng theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA).

Là 1 trong những đơn vị hoạt động hiệu quả, đạt nhiều thành tích trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Nam, trong 2 vụ sản xuất ĐX 2019 - 2020 và HT 2020, HTX Nông nghiệp Bình Đào được ngành Nông nghiệp địa phương chỉ đạo thực hiện các mô hình CSA với các loại cây dưa hấu, lạc và lúa do Hợp phần 3, Dự án WB7 tài trợ.

Cùng với sự hướng dẫn về kỹ thuật canh tác của Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Thăng Bình, những mùa vụ vừa qua, các mô hình này đã cho thấy được hiệu quả đặc biệt là việc tăng năng suất cây trồng cho dù tình hình thời tiết, khí hậu gây không ít trở ngại.

Đại diện HTX Nông nghiệp Bình Đào cho biết, trong cả 2 mùa vụ, đơn vị được dự án hỗ trợ hơn 460 triệu đồng trong đó có tiền giống và tiền công cụ sạ hàng, gieo trỉa với các loại cây lúa, lạc, dưa hấu. Với cây lạc và cây lúa đã sản xuất theo mô hình được 2 vụ còn cây dưa hấu vụ xuân hè vừa qua là vụ đầu tiên.

“Với cây lạc, so với canh tác theo phương pháp truyền thống thì trong mô hình người dân được hướng dẫn tăng cường bón phân chuồng, tăng cường với men vi sinh để hạn chế bệnh thối rễ. Bên cạnh đó, mô hình cũng hạn chế được lượng nước tưới khi áp dụng tưới theo từng đợt, đảm bảo đủ nước theo chu kỳ sinh trưởng của cây”, ông Võ Tấn Sanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào chia sẻ.

Cũng theo ông Sanh, thông qua hướng dẫn, người nông dân tham gia mô hình nắm được kỹ thuật làm đất trước khi gieo trỉa nên hạn chế được sâu bệnh phá hoại. Khi phát hiện các đối tượng sâu bệnh thì họ sẽ tìm hiểu kỹ đó là loại sâu hoặc nấm gì để có biện pháp xử lý chứ không như trước, cứ thấy có biểu hiện sâu là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên giảm được chi phí đến 5%.

Kết quả thực hiện mô hình CSA với cây lạc vụ HT vừa qua ở HTX Nông nghiệp Bình Đào đạt năng suất từ 25 - 26 tạ/ha, cao hơn ruộng sản xuất đại trà từ 1 - 2 tạ/ha.

Với mô hình cây lúa, vụ HT 2020, HTX Nông nghiệp Bình Đào sản xuất 50ha mô hình CSA. Ông Sanh cho rằng, mô hình này cho thấy hiệu quả vô cùng rõ nét khi sử dụng một loại giống trên một cánh đồng rộng lớn. Từ đó, tất cả diện tích sẽ sạ cùng một thời điểm. Nhờ đó mà việc chăm sóc, bón phân, phun thuốc đều rất thuận lợi.

“Ruộng lúa trong mô hình giảm được lượng giống sạ. Bình thường bà con sạ từ 4 - 5kg giống/sào (sào 500m2) nhưng trong mô hình chỉ sạ 3,5kg. Bên cạnh đó, người dân cũng được hướng dẫn kỹ thuật bón phân kép nên cân đối được các dưỡng chất cần thiết cho cây, hạn chế được sâu bệnh. Vừa qua, năng suất thu hoạch ruộng lúa mô hình cũng đạt 57 tạ/ha, cao hơn ruộng sản xuất đại trà từ 2 - 3 tạ/ha”, ông Sanh cho biết.

Bên cạnh cây lạc và cây lúa, thì mô hình cây dưa hấu vụ vừa qua ở xã Bình Đào có thể nói là rất thành công. Vốn dĩ diện tích sản xuất dưa hấu này trước đây không chủ động được nước tưới nên đa phần bỏ hoang. Khi được hỗ trợ thực hiện mô hình, cây dưa sinh trưởng phát triển tốt và đạt năng suất. Từ một diện tích tưởng chừng không thu được gì, thế nhưng vụ dưa năm nay đã đưa lại cho người nông dân hiệu quả còn cao gấp 2,5 lần cây lúa.

“Tính trung bình, 1ha dưa hấu đạt khoảng 30 tấn quả. Vụ vừa qua, mỗi ha người dân thu được 180 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thì người nông dân lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Trong khi với cây lúa mỗi ha diện tích chỉ lãi cao nhất là 20 triệu đồng. Xã Bình Đào nằm ở cuối kênh tưới, nước nhiều vụ không đủ nên việc canh tác theo mô hình, giảm được lượng nước tưới nhưng vẫn đạt năng suất đã cho thấy hiệu quả của phương pháp canh tác CSA”, ông Sanh nói.


Có thể bạn quan tâm

Sản xuất lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại Quảng Nam Sản xuất lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại Quảng Nam

Canh tác lúa theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) tại Quảng Nam đã thể hiện nhiều ưu điểm, giúp người dân giảm chi phí

31/08/2020
Lúa mô hình nông nghiệp thông minh đạt năng suất cao Lúa mô hình nông nghiệp thông minh đạt năng suất cao

Lúa mô hình nông nghiệp thông minh ở Quảng Nam không những phát triển tốt và sạch sâu bệnh mà còn cho năng suất cao hơn phương pháp canh tác truyền thống.

08/09/2020
Lúa thuần TBR97 tại tỉnh Thanh Hóa đạt năng suất trên 67 tạ/ha Lúa thuần TBR97 tại tỉnh Thanh Hóa đạt năng suất trên 67 tạ/ha

Kết quả gieo trồng thử nghiệm giống TBR97 trên cánh đồng vàn với diện tích 1 ha tại xã Trường Sơn, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) cho năng suất trên 67 tạ/ha.

09/09/2020